Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Quy định chụp ảnh chủ thuê bao: Nhà mạng méo mặt, khách hàng phản ứng
Hữu Tuấn - 17/06/2017 07:55
 
Quy định phải thực hiện chụp ảnh thuê bao di động theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP đang khiến 5 nhà mạng “vò đầu, bứt tai”.

Theo Nghị định số 49/2017/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 6/4/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện), nhà mạng phải cập nhật ảnh chân dung của tất cả thuê bao di động đang sử dụng dịch vụ và thuê bao hòa mạng mới.

Thực tế thực hiện quy định này từ ngày 24/4/2017 (ngày Nghị định có hiệu lực) đến nay, mọi chuyện không hề dễ dàng…

Đăng ký sim điện thoại di động tại một quầy  giao dịch của VinaPhone trên phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh
Đăng ký sim điện thoại di động tại một quầy giao dịch của VinaPhone trên phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội). Ảnh: Đức Thanh

Khách hàng phản ứng mạnh

VinaPhone là nhà mạng đầu tiên bắt tay thực hiện việc cập nhật, bổ sung thông tin thuê bao di động trả trước đăng ký mới bằng việc chụp ảnh.

“Đúng như dự đoán, việc thực hiện gặp nhiều khó khăn. Phần lớn khách hàng tỏ ra bất ngờ về quy định mới và cho rằng, VNPT cố tình làm khó vì hiện các nhà mạng khác chưa triển khai thực hiện nội dung này. Không ít khách hàng đã phản ứng mạnh mẽ khi được mời chụp ảnh chân dung. Dù nhân viên giao dịch đã giải thích cặn kẽ, song nhiều khách hàng đã hủy bỏ giao dịch dù phần thông tin thuê bao chỉ còn cần bổ sung ảnh chụp chân dung”, đại diện VinaPhone cho biết sau hơn 1 tháng thực hiện quy định này.

Khi được giao dịch viên giải thích về quy định buộc phải chụp ảnh đưa vào hồ sơ đăng ký thuê bao trả sau tại một cửa hàng giao dịch của VinaPhone trên phố Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội), anh Dương Mạnh Hùng (17T1, Khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính, Hà Nội) bức xúc nói: “Tôi đã đưa chứng minh nhân dân, đây là thẻ căn cước có giá trị pháp lý cao nhất, trên đó có ảnh. Tại sao tôi phải chụp ảnh đưa cho các anh chị lưu vào hệ thống? Quy định nào của pháp luật dân sự buộc các bên ký hợp đồng phải nộp ảnh chứng minh thân phận của mình? Tôi không đăng ký nữa”.

Tại một số cửa hàng giao dịch trên phố Hoàng Quốc Việt, chị Lê Thanh Hải (C9, Khu tập thể Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy) khăng khăng: “Tôi sẽ kiện nếu chụp ảnh tôi! Nhỡ các anh chị dùng ảnh của tôi vào mục đích xấu thì sao? Ai sẽ chịu trách nhiệm?”.

Gần như tất cả khách hàng dù được giao dịch viên giải thích, thuyết phục, đưa Nghị định 49/2017/NĐ-CP và chỉ rõ các điều khoản yêu cầu chụp ảnh, nhưng vẫn không chịu.

Nhà mạng méo mặt

Không chỉ vấp phải sự phản ứng khá quyết liệt của khách hàng, nhà mạng còn đau đầu với việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật, nhân lực thực hiện quy định này.

Đầu tiên là về thời gian. Trước đây, với việc chỉ yêu cầu chứng minh nhân dân, chỉ cần 5 - 10 phút là hoàn thành thủ tục cho một khách hàng. Nay thì khác, giao dịch viên phải mất cả giờ đồng hồ thuyết phục, giải thích mà vẫn không xong.

“Đấy mới chỉ là quy định với thuê bao mới, còn với hàng chục triệu thuê bao cũ, việc liên lạc, yêu cầu họ gửi ảnh hoặc đến chụp ảnh trực tiếp cho khách là rất khó khăn, bởi khách hàng quá đông. Nếu làm đầy đủ, cả khi khách đồng ý, có lẽ cũng phải mất vài năm mới xong”, một nhân viên MobiFone tâm sự.

Một lãnh đạo MobiFone cho biết, hiện nhà mạng này có khoảng 1.000 điểm cung cấp dịch vụ chính thức. Nếu phải trang bị công cụ chụp ảnh hợp chuẩn cho cả 1.000 điểm này, thì số tiền đầu tư tối thiểu cũng phải hàng chục tỷ đồng.

Trong khi đó, với hơn 1.200 điểm cung cấp dịch vụ trên toàn quốc, đại diện VinaPhone ước tính, vốn đầu tư cho thiết bị chụp ảnh có thể lên tới cả trăm tỷ đồng.

“Ngoài đầu tư máy móc chụp ảnh, bộ nhớ lưu ảnh, đường truyền, VinaPhone còn phải đầu tư, nâng cấp hệ thống nhập, lưu trữ ảnh hàng chục triệu khách hàng trên hệ thống. Việc này tốn rất nhiều chi phí, nhân lực và thời gian”, đại diện VinaPhone cho biết.

Còn theo MobiFone, các điểm đăng ký thông tin thuê bao nhỏ lẻ sẽ phải đóng cửa, khiến áp lực cập nhật ảnh, thông tin thuê bao đổ dồn về các điểm cung cấp dịch vụ chính hãng và được ủy quyền trong một thời gian ngắn.

"Chúng tôi sẽ phải nâng cấp hệ thống để có thể lưu được hàng chục triệu ảnh mới. Tuy nhiên, việc đau đầu nhất là đội ngũ làm nhiệm vụ kiểm tra, đối chiếu xem ảnh gửi về có khớp với ảnh trong chứng minh thư của thuê bao hay không”, lãnh đạo MobiFone nói.

Quy định về “chụp ảnh chủ thuê bao” tại Nghị định 49/2017/NĐ-CP:
Chủ thuê bao trả trước từ ngày 24/4/2017 phải chụp ảnh chân dung, lưu giữ ngay khi tiến hành thực hiện giao kết hợp đồng.
Chủ thuê bao trả sau hoặc trả trước trước thời điểm 24/4/2017 phải cập nhật thông tin, bổ sung ảnh chụp trước ngày 24/7/2018. Nhà mạng sẽ phải nhắn tin thông báo cho các thuê bao di động đến các điểm cung cấp dịch vụ chính thức (hoặc có ủy quyền) để chụp ảnh chân dung trước ngày 24/7/2018. Nếu quá thời hạn 2 tháng kể từ ngày nhận được tin nhắn mà vẫn chưa bổ sung ảnh, khách hàng sẽ bị cắt dịch vụ.
Nước cờ của MobiFone khi bắt tay Google, Facebook
MobiFone toan tính gì khi hợp tác với các đại gia công nghệ như Apple, Facebook, Google? Phải chăng đây là sự chuẩn bị để gia tăng giá trị trước khi...
Bình luận bài viết này
  • Lê Khôi 11:51 | 19-06-2017
    Khi đăng kí thuê bao, nhà mạng có yêu cầu số CMND, vậy nhà mạng có thể làm việc với bên CA để lấy ảnh gốc lưu trữ, khỏi làm phiền khách hàng...
Xem thêm trên Báo Đầu Tư