Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Quy định xử lý hành vi thao túng thị trường bất động sản; bắt buộc thanh toán không dùng tiền mặt
Nguyễn Lê - 31/10/2023 11:14
 
Quốc hội thảo luận tại hội trường về một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi.
.
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường phát biểu tại hội trường.

Tiếp tục kỳ họp thứ sáu, sáng 31/10, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi (Dự thảo).

Điều 8 của Dự thảo quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, trong đó có hành vi gian lận, lừa dối, lừa đảo trong kinh doanh bất động sản.

Góp ý về các hành vi bị cấm, đại biểu Trình Lam Sinh ( An Giang) đề nghị bổ sung quy định về hành vi thao túng, làm nhiễu loạn thị trường bất động sản, quy định rõ các dấu hiệu của việc thao túng làm nhiễu loạn thị trường bất động sản. Bởi trong thời gian qua, hành vi thao túng đã gây bất ổn định cho thị trường bất động sản và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Cùng quan điểm, đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cũng đề nghị cấm thao túng, làm giá đối với thị trường bất động sản.

Vì theo đại biểu, hành vi thao túng thị trường bất động sản nguy hiểm không kém gì hành vi thao túng trên thị trường chứng khoán. Hiện nay thao túng trong thị trường kinh doanh bất động sản rất tinh vi dẫn đến tình trạng bong bóng, giá trên trời so với thực tế. Do đó, đại biểu đề nghị cần cấm hành vi này trong luật và có quy định để loại trừ.

Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. 

Ông An phân tích, việc thao túng thị trường bất động sản không chỉ thông qua việc đấu thầu bỏ giá cao, bỏ cọc mà còn dùng giá dự án này để kích giá cho dự án khác và tăng mặt bằng giá lên rất cao. Nếu không xử lý vấn đề này triệt để thì sẽ tạo thành bong bóng, do vậy cần quy định hành vi cấm thao túng thị trường bất động sản trong dự án Luật này.

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) nhấn mạnh, Kinh doanh bất động sản là luật rất quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển thị trường bất động sản liên quan trực tiếp tới quyền, lợi ích của tổ chức, cá nhân, do đó các quy định của Luật cần chặt chẽ, tránh sơ hở, đáp ứng yêu cầu phòng,chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này.

Cụ thể, Dự thảo quy định Nhà nước có chính sách tạo điều kiện cho tổ chức cá nhân thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản. Theo Luật Phòng chống tham nhũng thì việc thanh toán không dùng tiền mặt là giải pháp rất quan trọng trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Do đó, đối với những giao dịch lớn như các giao dịch bất động sản thì Nhà nước cần thực hiện chính sách bắt buộc “thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt”. Đại biểu đề nghị sửa lại nội dung chính sách nêu trên để bảo đảm thực hiện mục tiêu phòng chống tham nhũng của Nhà nước ta.

Bên cạnh đó, theo ông Cường, quy định công khai, minh bạch thông tin về bất động  sản đưa vào kinh doanh cũng là một quy định quan trọng để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức, cá nhân và để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, tuy nhiên còn một số bất cập.

Theo Dự thảo thì tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản bao gồm doanh nghiệp và cá nhân (không phải thành lập doanh nghiệp). Tuy nhiên điều 6 chỉ quy định về trách nhiệm, hình thức, nội dung công khai thông tin của doanh nghiệp  mà không quy định đối với cá nhân kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, điều 8 lại nghiêm cấm hành vi “không công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh” cho các chủ thể kinh doanh bất động sản nói chung, ông Cường phân tích.

Một quy định khác theo ông Cường cũng cần được xem xét, đó là các điều 24, điều 30 quy định về điều kiện đối với công trình xây dựng hình thành trong tương lai và đất có hạ tầng kỹ thuật đưa vào kinh doanh thì phải có văn bản của cơ quan nhà nước (CQNN) có thẩm quyền xác nhận đủ điều kiện.

“Đây thực chất là một loại giấy phép con đối với bất động sản đưa vào kinh doanh. Quy định về giấy phép con có lợi ích là bảo đảm sự an toàn của giao dịch, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ tiêu cực. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định về trách nhiệm của CQNN đối với việc xác nhận này”, ông Cường băn khoăn.

Đại biểu ví dụ, trong trường hợp hạ tầng kỹ thuật trong dự án bất động sản không đáp ứng yêu cầu kết nối với hạ tầng chung khu vực, không bảo đảm cung cấp các dịch vụ cấp điện, cấp nước, thoát nước…như theo yêu cầu tại điều 29 thì CQNN đã cấp xác nhận đủ điều kiện có phải chịu trách nhiệm không; có phải liên đới bồi thường không?

Bên cạnh đó, Dự thảo quy định trong thời hạn 15 ngày thì CQNN phải trả lời về việc đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được chuyển nhượng, tuy nhiên lại không quy định rõ nếu quá thời hạn này mà không trả lời thì giải quyết thế nào và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Trong Dự thảo Nghị định thì quy định nếu quá thời hạn mà CQNN không trả lời thì chủ đầu tư được ký hợp đồng bán, cho thuê và tự chịu trách nhiệm. “Với cách quy định như vậy, tôi đề nghị xem xét lại có cần việc xác nhận đủ điều kiện của CQNN nữa hay không. Còn nếu đã quy định thì phải quy định trách nhiệm của CQNN cụ thể, chặt chẽ”, ông Cường phát biểu.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư