Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 04 tháng 05 năm 2024,
Quy hoạch mở ra hành trình phát triển mới cho Quảng Bình
Hà Nguyễn - 29/06/2023 10:24
 
Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và khoản cam kết đầu tư lên tới trên 112.000 tỷ đồng của các nhà đầu tư chính là tiền đề quan trọng mở ra hành trình phát triển mới cho Quảng Bình.
Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư tại Hội nghị  Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023 	Ảnh: Đức Thanh
Phó thủ tướng Lê Minh Khái, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Bình chụp ảnh lưu niệm với các nhà đầu tư tại Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình và Xúc tiến đầu tư năm 2023      Ảnh: Đức Thanh

“Công thức” cho sự phát triển đột phá

Xuất hiện tại Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023, vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Kim Tae Hoon, Ủy viên Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam (KOCHAM), ngay lời phát biểu đầu tiên, đã nhắc đến Sơn Đoòng, nơi mà ông rất mong muốn đặt chân đến, nơi các du khách phải đăng ký cả năm trời mới có thể biến giấc mơ của mình trở thành hiện thực, để khẳng định rằng: “Quảng Bình có tiềm năng phát triển mạnh mẽ hơn nữa về du dịch”.

Không chỉ có Sơn Đoòng, hay Phong Nha - Kẻ Bàng, mà như lời ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, là “có sức hấp dẫn mang tầm thế giới”, Quảng Bình còn có rất nhiều tiềm năng, lợi thế khác để phát triển.

Chính các nhà đầu tư sẽ là những người nhìn ra nhanh nhất và rõ nhất các cơ hội của mình. “Ngành năng lượng đóng vai trò chính và vô cùng quan trọng trong phát triển kinh tế địa phương. Đây sẽ là ngành then chốt cho sự tăng tốc của nền kinh tế địa phương trong tương lai, vì năng lượng, bao gồm các dự án điện gió, thủy điện, điện mặt trời…, đang trở thành một phần vô cùng quan trọng trong nền kinh tế phát triển nhanh của Việt Nam”, ông Kim Tae Hoon nói.

Cùng quan điểm, ông Takeo Nakajima, Trưởng đại diện JETRO Hà Nội, cho rằng, Quảng Bình là khu vực thích hợp để phát triển các dự án năng lượng tái tạo, như điện gió và điện mặt trời.

Ngay tại Hội nghị Công bố Quy hoạch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Xúc tiến đầu tư năm 2023, đã có 29 nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ đầu tư các dự án, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới hơn 112.000 tỷ đồng vào Quảng Bình.

Trong số các dự án được trao biên bản ghi nhớ lần này, lớn nhất là Dự án Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch II, công suất 1.500 MW, sử dụng khí LNG, với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 50.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, có 3 dự án trong lĩnh vực hạ tầng, 5 dự án trong lĩnh vực thể thao - du lịch, 5 dự án trong lĩnh vực công nghiệp - năng lượng - khoảng sản, 1 dự án trong lĩnh vực nông nghiệp…

“Các lĩnh vực du lịch và phát triển bền vững, sản xuất và logistics cũng rất có tiềm năng ở Quảng Bình”, ông Takeo Nakajima nhấn mạnh.

Các nhà lãnh đạo địa phương là những người thấu hiểu rõ nhất những tiềm năng, lợi thế của mình. Chính vì vậy, trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, 4 trụ cột phát triển kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng, 3 trung tâm đô thị và 3 hành lang kinh tế đã được vạch ra rất cụ thể.

“Đó chính là công thức, là cơ sở quan trọng tạo bước đột phá cho kinh tế Quảng Bình”, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng hồ hởi nói.

Cụ thể, 4 trụ cột trong phát triển kinh tế của Quảng Bình là du lịch, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển. 2 trung tâm động lực tăng trưởng cho Quảng Bình là Khu du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng, với mục tiêu trở thành trung tâm du lịch đẳng cấp khu vực Đông Nam Á và Khu kinh tế Hòn La, với mục tiêu trở thành khu kinh tế động lực góp phần cho tăng trưởng kinh tế.

Ba trung tâm đô thị là Trung tâm đô thị TP. Đồng Hới và vùng phụ cận, lấy Đồng Hới làm hạt nhân và các đô thị vệ tinh, đô thị cửa ngõ kết nối, gồm Quán Hàu, Hoàn Lão, Việt Trung, Dinh Mười; Trung tâm đô thị phía Bắc với hạt nhân là thị xã Ba Đồn gắn với trung tâm huyện lỵ Quảng Trạch, các khu kinh tế Hòn La, Tiến Hóa; Trung tâm đô thị phía Nam với hạt nhân là đô thị Kiến Giang, đô thị vệ tinh gồm Lệ Ninh và Áng Sơn.

Trong khi đó, 3 hành lang kinh tế bao gồm: Hành lang kinh tế đồng bằng ven biển cùng với Quốc lộ 1A, đường ven biển; Hành lang kinh tế Đông - Tây dọc Quốc lộ 12 nối Cửa khẩu quốc tế Cha Lo - thị xã Ba Đồn - cảng biển Hòn La; Hành lang kinh tế trung du và miền núi, gắn với đường Hồ Chí Minh và cao tốc Bắc - Nam phía Đông.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nhấn mạnh rằng, công tác quy hoạch giống như người công binh mở đường, mở đường thắng lợi, cuộc chiến sẽ thắng lợi. Quảng Bình giờ đây đã mở xong con đường đi của mình, trong trước mắt là 10 năm tới.

Nhấn mạnh, đó cũng chính là một lợi thế rất lớn để Quảng Bình kêu gọi đầu tư và phát triển, ông Phan Đức Hiếu chia sẻ: “Các nhà đầu tư trước khi quyết định đầu tư luôn luôn muốn biết tỉnh muốn làm gì, muốn phát triển lĩnh vực nào. Việc Quảng Bình sớm có quy hoạch đã cho thấy rõ một quan điểm, một chiến lược và một cách thức phát triển rất rõ ràng. Như thế, nhà đầu tư sẽ biết trong 5-10 năm tới, họ sẽ phải làm gì”.

Khi lời hứa thành hiện thực

Biết tỉnh muốn gì, biết mình phải làm gì, trong khi tiềm năng, lợi thế của Quảng Bình thì luôn được xác định rất lớn, thậm chí còn được mệnh danh là “viên kim cương màu xanh” của châu Á, với những giá trị huyền bí cần được khai phá, nên các nhà đầu tư đã rất nhanh chóng đưa ra các quyết định của mình.

Để hiện thực hóa Quy hoạch, Quảng Bình đang rất cần các nhà đầu tư lớn, có tầm nhìn chiến lược. Vì thế, tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư song hành với Hội nghị công bố Quy hoạch là lựa chọn khôn ngoan. 

Còn nhớ, năm 2021, khi lần đầu tiên Quảng Bình tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư quy mô lớn, ông Trần Đình Thiên, chuyên gia kinh tế, đã nhắc đến việc Quảng Bình cần phải có một “mô thức” phát triển mới để “đánh thức” được các báu vật vô giá của vùng đất này.

Thay vì coi những “đặc sản” của Quảng Bình, như gió, như cát, như nắng, như bão lụt…, là “điểm yếu”, thì phải đưa được những bất lợi thế của mô thức phát triển cũ trở thành lợi thế phát triển, thậm chí là tuyệt đối, trong mô thức phát triển mới.

Đó là tìm cách biến những vùng đất cát rộng lớn khô cằn, biến nắng và gió - những yếu tố vốn làm cho Quảng Bình kém phát triển và khó phát triển suốt nhiều thế kỷ - thành nguồn lực quý báu để phát triển năng lượng tái tạo và xây dựng các sân golf, khu du lịch độc đáo. Biến “xứ sở của núi đá vôi” khó phát triển thành “xứ sở của đệ nhất hang động”, giống như cách mà Quảng Ninh đã làm với Vịnh Hạ Long, hay như Ninh Thuận đã làm với cát, với nắng, với gió…

Quảng Bình đã bắt đầu làm được điều ấy, để “xoay chuyển” cục diện phát triển của địa phương. Ngày càng nhiều nhà đầu tư tìm đến để không chỉ tận dụng lợi thế, mà cả bất lợi thế của vùng đất này để phát triển.

Một “bất lợi thế” khác được nhắc đến là hạ tầng kém phát triển của Quảng Bình, nhưng theo ông Phan Đức Hiếu, thì đó cũng là cơ hội cho các nhà đầu tư.

Danh sách 31 dự án mà các nhà đầu tư cam kết và quan tâm đầu tư trong đợt này là một ví dụ. Và không chỉ là trong dịp này, tại các hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2021, 2022, hàng tỷ USD đã được cam kết đầu tư vào Quảng Bình.

Khi tham gia Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2021, ông Takeo Nakajima đã hứa sẽ “cung cấp nhiều hơn các thông tin về Quảng Bình cho các nhà đầu tư Nhật Bản”. Lời hứa đó đã trở thành hiện thực, khi mà tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm nay, Liên doanh Công ty cổ phần khoáng sản Hoàng Long và Tập đoàn Iwantani - Nhật Bản dự kiến đầu tư Nhà máy Chế biến sâu xỉ Titan Hoàng Long IWATANI tại Khu công nghiệp Cảng biển Hòn La, vốn đầu tư dự kiến 3.546 tỷ đồng.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc cũng đã đến. Công ty TNHH Năng lượng xanh Dohwa sẽ tiếp tục xây dựng giai đoạn II Nhà máy Điện mặt trời Dohwa Lệ Thủy (650 tỷ đồng).

Trong khi đó, Tập đoàn Đèo Cả đã tận dụng cơ hội để lên kế hoạch đầu tư Tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới - di sản thiên nhiên thế giới Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, quy mô 2.900 tỷ đồng.

Khi những lời hứa trở thành hiện thực, cơ hội để Quảng Bình đột phá là rất lớn.

Bắt đầu hành trình phát triển mới

Vui mừng nhận Quyết định phê duyệt Quy hoạch từ tay Phó thủ tướng Lê Minh Khái và hồ hởi trao biên bản ghi nhớ đầu tư cho các nhà đầu tư, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Vũ Đại Thắng khẳng định: “Đây chính là tiền đề quan trọng mở ra hành trình phát triển mới cho Quảng Bình”.

Hội nghị công bố Quy hoạch chỉ mang tính nghi thức, điều quan trọng là làm sao thực thi quyết liệt, hiệu quả và hiện thực hóa được các mục tiêu đã được đề ra trong Quy hoạch.

“Quảng Bình cần đẩy mạnh đột phá với 4 trụ cột phát triển, 3 trung tâm đô thị, 3 hành lang kinh tế, 2 trung tâm động lực tăng trưởng và 3 đột phá chiến lược. Đồng thời, tăng cường quản lý, giám sát việc thực hiện quy hoạch, định kỳ rà soát, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền các khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai quy hoạch”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh tại Hội nghị.

Phó thủ tướng cũng chỉ đạo rằng, Quảng Bình cần tập trung cải cách môi trường đầu tư, cắt giảm thủ tục, chi phí và tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư. Ngoài ra, Quảng Bình cần giữ chân và thu hút doanh nghiệp, phát huy tính năng động sáng tạo, từ lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành địa phương, đến đội ngũ chuyên viên giúp các doanh nghiệp giải quyết nhanh thủ tục đầu tư…

Thực tế, từ năm 2021, Quảng Bình đã đưa ra 10 nội dung cam kết với nhà đầu tư, trong đó trọng tâm, xuyên suốt là “lấy người dân, doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ”, “đồng hành cùng doanh nghiệp”, “phục vụ doanh nghiệp”. Các cam kết đó đã được nỗ lực thực hiện trong suốt thời gian qua.

Đó chính là lý do khiến ông Phan Đức Hiếu đánh giá rằng, một điểm mạnh, một lợi thế khác của Quảng Bình chính là môi trường đầu tư, kinh doanh đã có sự thay đổi rất tích cực và mạnh mẽ; thông tin luôn được minh bạch. “Lãnh đạo tỉnh rất tích cực và năng động. Quảng Bình luôn duy trì tốc độ và tính năng động cao trong giải quyết vấn đề phát sinh và được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao”, ông Phan Đức Hiếu nói.

Nhưng như thế cũng vẫn còn chưa đủ. Ông Hiếu cho rằng, trong thời gian tới, Quảng Bình cần có hành động quyết liệt, mạnh mẽ hơn, chú trọng đến vấn đề xanh và tuần hoàn. Đồng thời cần cải cách thực chất, bền bỉ, hướng đến mục tiêu dài hạn. Ngoài ra, cần thiết chế, tổ chức mang tính chuyên nghiệp đảm bảo thực thi cam kết mà tỉnh đã đưa ra.

“Chúng tôi cam kết sẽ nỗ lực hết sức mình để tạo dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi, thực chất, hiệu quả, nhanh chóng, biến những tiềm năng, lợi thế thành kết quả cụ thể, thiết thực”, Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng nhấn mạnh và cho rằng, chủ đề, nội dung, kết quả của Hội nghị đã khẳng định quyết tâm của tỉnh trong việc tiếp cận các nhà đầu tư, doanh nghiệp một cách thuận lợi, gần gũi nhất, kết nối nhanh chóng và hiệu quả nhất.

Quảng Bình, có thể nói, đã hiện thực hóa được mong muốn “đưa nhà đầu tư đến gần hơn với Quảng Bình”. Và đó là lúc để “viên kim cương màu xanh” có thể bắt đầu hành trình phát triển mới.

Đèo Cả đề xuất đầu tư tuyến đường phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình
Tập đoàn Đèo Cả đề xuất đầu tư tuyến đường du lịch kết nối TP. Đồng Hới - Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng theo phương thức đối tác...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư