Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
Sự kiện: Quy hoạch tổng thể quốc gia - Quy hoạch tỉnh, thành

Ngày 9/1/2023, trong phiên bế mạc kỳ họp bất thường lần thứ hai của Quốc hội, Nghị quyết về Quy hoạch Tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được thông qua.

Theo Nghị quyết, phạm vi ranh giới quy hoạch là toàn bộ lãnh thổ đất liền, các đảo, các quần đảo, lòng đất, vùng biển, vùng trời Việt Nam.

Với Nghị quyết này, Quốc hội đã thông qua quan điểm, tầm nhìn, mục tiêu phát triển và những nhiệm vụ trọng tâm trong thời kỳ quy hoạch.

Theo đó, quah điểm đầu tiên là phát triển bao trùm, nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn.

Nghị quyết cũng nêu rõ, không gian phát triển quốc gia phải được tổ chức hiệu quả, thống nhất trên quy mô toàn quốc, bảo đảm liên kết nội vùng, liên vùng, khu vực và quốc tế gắn với khai thác lợi thế so sánh của quốc gia, từng vùng, từng địa phương trong vùng nhằm huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Quy hoạch tổng thể quốc gia 2021-2030, tầm nhìn 2050 định hướng tổ chức không gian phát triển đất nước thành 6 vùng kinh tế xã hội; 4 vùng động lực, cực tăng trưởng quốc gia, và các hành lang kinh tế.

Theo đó, 6 vùng kinh tế xã hội, gồm: Vùng trung du và miền núi phía Bắc (14 tỉnh, thành phố); Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố); Vùng Tây Nguyên (5 tỉnh); Vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố) và vùng đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh, thành phố).

4 vùng động lực, cực tăng trưởng, gồm vùng động lực phía Bắc, miền Trung, phía Nam và Đồng bằng sông Cửu Long.

Từng bước xây dựng, hình thành vùng động lực tại vùng trung du và miền núi phía Bắc; khu vực Bắc Trung Bộ (Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh) kết nối giữa miền Trung và đồng bằng sông Hồng; vùng Tây Nguyên; khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (khu vực Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận và phụ cận).

Về hành lang kinh tế, Nghị quyết nêu rõ, tới năm 2030, Việt Nam sẽ phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam trên cơ sở trục giao thông Bắc - Nam phía Đông, kết nối các vùng động lực, các đô thị lớn, trung tâm kinh tế.