Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 21 tháng 11 năm 2024,
Quy mô kinh tế số của ASEAN có thể lên tới 2.000 tỷ USD
Thanh Huyền - 18/10/2024 07:44
 
Đó là chia sẻ tại Hội nghị cung cấp thông tin về tình hình và định hướng hợp tác ASEAN do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức, diễn ra chiều 17/10.
Hội nghị cung cấp thông tin về tình hình và định hướng hợp tác ASEAN diễn ra chiều 17/10.

Theo ông Triệu Minh Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ Thông tin và Truyền thông, ASEAN đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong các cơ chế hợp tác khu vực và toàn cầu, đóng vai trò trung tâm trong việc xử lý và giải quyết nhiều vấn đề của thế giới.

Việt Nam là một thành viên tích cực của ASEAN và đang chủ động triển khai nhiều chương trình và sáng kiến hợp tác để nâng cao vai trò, vị thế của ASEAN nói chung cũng như vai trò của Việt Nam nói riêng, trong việc đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Ông Trần Đức Bình, Vụ trưởng Vụ ASEAN, Bộ Ngoại Giao cho hay, thế giới và khu vực đang biến động phức tạp, cạnh tranh gay gắt giữa các nước lớn, các điểm nóng gia tăng căng thẳng, kinh tế thế giới phục hồi nhưng nhiều rủi ro.

Trong bối cảnh chung, vai trò của ASEAN rất quan trọng. Các đối tác đều khẳng định ASEAN là ưu tiên trong chính sách tại khu vực, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, cùng ASEAN triển khai hợp tác toàn diện, đẩy mạnh kết nối kinh tế, thương mại và đầu tư, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao…

Sau 8 năm triển khai kế hoạch xây dựng cộng đồng ASEAN, năm 2023, GDP khu vực ASEAN tăng 51%, quy mô nền kinh tế đạt 3.800 tỷ USD, đứng thứ 5 trên thế giới. Tốc độ tăng trưởng chung đạt 4,2%. Vốn đầu tư FDI vào khu vực ASEAN năm 2023 đứng thứ 2 toàn cầu (chỉ sau Hoa Kỳ). Dự báo, quy mô nền kinh tế ASEAN sẽ đứng thứ 4 trên thế giới vào 2030.

Theo ông Trần Đức Bình, kế hoạch tổng thể trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN đang được triển khai đồng đều trên 3 trụ cột. Tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN năm 2045 là “Tự cường, năng động, sáng tạo và lấy người dân làm trung tâm”.

Đề cập vấn đề cơ hội từ Hiệp định khung Kinh tế Số ASEAN (DEFA), bà Nguyễn Việt Chi, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công thương cho biết, DEFA được khởi động đàm phán từ tháng 10/2023, dự kiến kết thúc vào cuối năm 2025.

Hiệp định đóng vai trò như một văn kiện toàn diện, tổng hợp các kế hoạch hành động liên quan đến chuyển đổi số và kinh tế số; được kỳ vọng sẽ thiết lập một nền tảng vững chắc để đưa ASEAN trở thành khu vực có nền kinh tế số hàng đầu, mở ra nhiều cơ hội hợp tác mới cho các quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam.

Nếu Hiệp định DEFA đi vào hoạt động, quy mô nền kinh tế số ASEAN có thể lên tới 2.000 tỷ USD vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Hiệp định sẽ còn tác động tích cực đến việc nâng cấp hệ thống thanh toán điện tử, tăng cường năng lực bảo vệ người tiêu dùng...

ASEAN có nhiều tiềm năng tăng trưởng và dẫn dắt trong ngành công nghiệp bán dẫn
Chiều 9/10, trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 và các Hội nghị liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cùng Lãnh đạo...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư