Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Rà "ghế" loạt sếp doanh nghiệp nhà nước
Trong bối cảnh hàng loạt nguyên lãnh đạo chủ chốt tại nhiều doanh nghiệp nhà nước lớn như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (VRG)… bị phát hiện có nhiều sai phạm, thậm chí vướng vào vòng lao lý, Quốc hội đang tập trung giám sát việc bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt tại doanh nghiệp nhà nước.
Cần làm rõ hơn nữa thực trạng, trách nhiệm của các cán bộ giữ các vị trí quản lý tại doanh nghiệp nhà nước để tránh
Cần làm rõ hơn nữa thực trạng, trách nhiệm của các cán bộ giữ các vị trí quản lý tại doanh nghiệp nhà nước để tránh "ngồi nhầm" ghế

Báo cáo với Đoàn giám sát của Quốc hội, do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải dẫn đầu mới đây về tình hình thực hiện công tác nhân sự giữ các vị trí quản lý tại doanh nghiệp nhà nước diện Thủ tướng Chính phủ quyết định, đại diện Bộ Nội vụ cho biết, từ năm 2011 đến trước ngày 5/12/2015, Bộ Nội vụ đã thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ nhiệm 10 trường hợp như ông Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc thường trực PVN giữ chức Thành viên Hội đồng thành viên PVN; ông Phùng Đình Thực, Tổng giám đốc PVN giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN; ông Nguyễn Anh Dũng, Phó tổng giám đốc Vinachem giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem…

Thảo luận tại cuộc họp của Đoàn giám sát, nhiều ý kiến cho rằng, hiện cơ chế giám sát, quản lý hoạt động, điều hành đối với người quản lý doanh nghiệp chưa chặt chẽ, dẫn đến một số cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước sa sút về tinh thần trách nhiệm, suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, vi phạm pháp luật, tham nhũng, làm giảm uy tín, tạo dư luận xấu và hình ảnh xấu về doanh nghiệp nhà nước.

Việc đánh giá cán bộ quản lý doanh nghiệp chưa được Bộ quản lý ngành quan tâm kịp thời. Vẫn có trường hợp khi bổ nhiệm người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp được đánh giá tốt, nhưng khi điều hành, quản lý doanh nghiệp lại để xảy ra sai phạm, bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điển hình cho hàng loạt vi phạm của lãnh đạo tại nhiều doanh nghiệp nhà nước là mới đây, nhiều lãnh đạo chủ chốt tại PVN bị tòa tuyên án tù như nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN Đinh La Thăng, nguyên Tổng giám đốc PVN Phùng Đình Thực, nguyên Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Xuân Sơn…

Theo Bộ Công an, liên quan đến vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại VRG, Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty Cao su Phú Riềng và các đơn vị có liên quan, cơ quan cảnh sát điều tra gần đây đã khởi tố nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên VRG Lê Quang Thung, nguyên Giám đốc Cao su Đồng Nai Nguyễn Thành Châu, nguyên Giám đốc Cao su Phú Riềng Nguyễn Hồng Phú…

Tuy chưa bị vướng vào vòng lao lý, nhưng mới đây, Ban Bí thư đã quyết định cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Anh Dũng, nguyên Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem...

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Phú Cường, Vụ trưởng Vụ Khoa học và công nghệ (Bộ Công thương) vừa được bổ nhiệm giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinachem thay ông Dũng.

Để giảm thiểu tình trạng bổ nhiệm lãnh đạo chủ chốt tại doanh nghiệp nhà nước thường được coi là đúng quy trình, nhưng vẫn xảy ra nhiều sai phạm, Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương Phạm Viết Thanh đề xuất không nên bổ nhiệm các cán bộ không đủ nhiệm kỳ, cán bộ sắp về hưu làm lãnh đạo, mà phải bổ nhiệm người đủ năng lực, thời gian công tác dài hạn để họ xây dựng và phát triển doanh nghiệp…

Để có cơ sở kiến nghị các giải pháp nhằm giảm thiểu sai phạm của lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, tránh “ngồi nhầm” ghế, Phó trưởng Đoàn giám sát Nguyễn Đức Hải đề nghị Bộ Nội vụ làm rõ hơn nữa thực trạng, trách nhiệm của các cán bộ giữ các vị trí quản lý tại doanh nghiệp nhà nước, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế trong quá trình hoạch định giải pháp cho nâng cao chất lượng bổ nhiệm, quản lý lãnh đạo chủ chốt tại doanh nghiệp nhà nước.

Cùng với tiếp tục rà soát để sửa đổi, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, kỷ luật đối với người giữ chức danh lãnh đạo, quản lý tại doanh nghiệp, cũng cần đề cao trách nhiệm của người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương trong công tác bổ nhiệm, người quản lý lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm trong công tác bổ nhiệm, kỷ luật đối với người quản lý doanh nghiệp nhà nước…

[Infographic] Năm 2018, làn sóng thoái vốn Nhà nước sẽ diễn ra mạnh mẽ
Năm 2018, làn sóng thoái vốn Nhà nước (DNNN) sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ nhờ những chính sách kinh tế hỗ trợ và dòng vốn đầu tư vào thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư