Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 29 tháng 06 năm 2024,
Ra mắt Nền tảng Nộp đơn điện tử và Quản lý vụ tranh chấp trực tuyến
Khánh Linh - 26/06/2024 14:19
 
Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) đã ra mắt Nền tảng Nộp đơn điện tử và Quản lý vụ tranh chấp trực tuyến.
Nền tảng Nộp đơn điện tử và Quản lý vụ tranh chấp trực tuyến chính thức đi vào hoạt động.

Hoạt động ra mắt Nền tảng Nộp đơn điện tử và Quản lý vụ tranh chấp trực tuyến sáng nay 26/6, là sự kiện mở màn cho VIAC SYMPOSIUM 2024 do VIAC tổ chức với sự hỗ trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID), kéo dài đến hết ngày 27/6 tại Hà Nội.

Chia sẻ nhân sự kiện này, TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VIAC tin rằng, nền tảng mà VIAC ra mắt ngày hôm nay sẽ là cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng phù hợp cho các hợp đồng điện tử, góp phần vào mục tiêu hướng tới kinh tế số của đất nước.

“Hợp đồng điện tử cũng như các hợp đồng thông thường, muốn được các chủ thể dân sự sử dụng thì cần có các yếu tố đảm bảo cho việc giao kết, việc thực hiện và nếu trong quá trình thực hiện gặp trục trặc thì phải có cơ chế bảo đảm thực thi hợp đồng hiệu quả. Hiện nay, Bộ Công thương đã được Chính phủ giao nhiệm vụ rất quan trọng là thúc đẩy việc sử dụng hợp đồng điện tử và nền tảng của VIAC là một cơ chế đảm bảo thực thi”, TS. Lộc chia sẻ.

Ngay từ đầu năm 2018, VIAC đã thực hiện nghiên cứu, tham khảo kinh nghiệm từ hoạt động chuyển đổi số của Tòa án cũng như kinh nghiệm từ quốc tế và bước đầu hình thành rõ nét ý tưởng về việc xây dựng một nền tảng trực tuyến giúp Hội đồng trọng tài, ban thư ký, các bên tranh chấp và chủ thể liên quan trong một thủ tục trọng tài có thể quản lý một cách hệ thống và hiệu quả các vụ tranh chấp.

“VIAC đã phát triển Nền tảng Quản lý Vụ tranh chấp trực tuyến - một nền tảng với nhiều cải tiến nhằm giúp trải nghiệm tố tụng trọng tài trở nên linh hoạt và thuận lợi hơn nữa, tiết kiệm thời gian và chi phí cho các bên tranh chấp đồng thời nâng cao tính hiệu quả của một phương thức hỗ trợ cho hoạt động thương mại và đầu tư xuyên biên giới”, TS. Lộc nói.

Thêm vào đó, việc cung cấp thêm cách thức tham gia tố tụng trọng tài trực tuyến bên cạnh cách thức truyền thống sẽ góp phần hưởng ứng các chiến dịch phát triển xanh và bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng của carbon đối với môi trường thông qua việc giảm thiểu nhu cầu sử dụng giấy trong quá trình giải quyết tranh chấp; từ đó, góp phần bảo vệ tài nguyên rừng và giảm thiểu rác thải giấy và hạn chế tác động của khí thải nhà kính.

VIAC Symposium 2024 với chủ đề chính: “Thương mại & Đầu tư xuyên biên giới trong bối cảnh kinh tế biến động: Tranh chấp và Trọng tài”, là chuỗi sự kiện tập trung nhiều về các lĩnh vực, ngành kinh doanh cụ thể, mong muốn thảo luận sâu và chi tiết về những xu hướng, những biến động, những rủi ro của doanh nghiệp, nhà đầu tư ở bối cảnh kinh tế hiện tại, để cùng gợi mở cho những hướng đi sắp tới.

Ngoài sự ra mắt của nền tảng nộp đơn điện tử và quản lý vụ kiện trực tuyến mới, VIAC Symposium 2024 còn 3 phiên, thảo luận về hoạt động xuất khẩu của các sản phẩm Make in Việt Nam và đầu tư ra nước ngoài của Việt Nam trong khát vọng đưa thương hiệu Việt Nam ra thế giới; tìm kiếm các góc nhìn đa chiều về hoạt động xây dựng - lĩnh vực đã gặp phải nhiều khó khăn những cũng đồng thời đóng vai trò quan trọng trong các nỗ lực phục hồi tăng trưởng kinh tế hiện nay và nguồn nhân lực của tương lai trong bối cảnh kỷ nguyên số.

Cũng trong khuôn khổ VIAC SYMPOSIUM 2024, VIAC cùng với các Hiệp hội doanh nghiệp ngành hàng và địa phương sẽ tiến hành ký kết Thỏa thuận hợp tác để ghi nhận các nội dung hợp tác đồng thời hướng tới triển khai các hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp hội viên hiệp hội nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp nói chung trong việc phòng ngừa rủi ro pháp lý và giải quyết tranh chấp hiệu quả.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư