Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 28 tháng 04 năm 2024,
Rà soát, khẩn trương hoàn thiện Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo
Hải Yến - 02/03/2024 10:53
 
Bộ Công thương sẽ tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công thương đang rà soát, sớm hoàn thiện Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Bộ Công thương đang rà soát, sớm hoàn thiện Nghị định về kinh doanh xuất khẩu gạo.

"Việc rà soát, khẩn trương hoàn thiện Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý cho cơ chế xuất khẩu gạo, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng và thuận lợi cho các thương nhân xuất khẩu gạo", ông Trần Quốc Toản, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết.

Bộ này cũng phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ động đàm phán để đa dạng hóa các thị trường xuất khẩu, tận dụng cơ hội chiếm lĩnh các thị trường mới, tiềm năng để tăng cường tính cạnh tranh cho ngành hàng gạo Việt Nam.

Theo dõi sát tình hình thị trường thương mại gạo thế giới, động thái của các nước sản xuất, xuất khẩu lớn, kịp thời thông tin tới các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, thương nhân kinh doanh xuất khẩu gạo để chủ động, điều tiết hoạt động sản xuất, kinh doanh xuất khẩu gạo.

Đặc biệt, sẽ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển thị trường xuất khẩu gạo của Việt Nam đến năm 2030 với kết quả cao nhất.

Trước đó, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo, trình Chính phủ.

Đồng thời, Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo, ổn định, bền vững, hiệu quả; linh hoạt tổ chức, triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, duy trì, củng cố các thị trường xuất khẩu gạo truyền thống như Philippines, Trung Quốc, Indonesia, khu vực châu Phi.. và phát triển các thị trường mới, tiềm năng, các thị trường FTA; khai thác các thị trường ngách với chủng loại gạo thơm, gạo chất lượng cao như EU, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, khu vực Bắc Mỹ…

Đẩy mạnh công tác nghiên cứu thị trường, đánh giá, dự báo nhu cầu nhập khẩu và khả năng tiến hành xúc tiến thương mại gạo vào các thị trường nhập khẩu; kịp thời cập nhật thông tin cho Hiệp hội Lương thực Việt Nam và các thương nhân xuất khẩu gạo để phục vụ cho định hướng kinh doanh, xuất khẩu.

Nghiên cứu việc đàm phán, ký kết các thỏa thuận ưu đãi thương mại với một số thị trường xuất khẩu tiềm năng; tận dụng tiến trình rà soát các Hiệp định đã được đưa vào thực thi để đề nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch cho Việt Nam.

Việt Nam hiện nằm trong top 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, cùng với Ấn Độ và Thái Lan.

Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, năm 2023, thị trường gạo toàn cầu nhiều biến động khi hiện tượng thời tiết El Nino, xung đột địa chính trị và việc ban hành các lệnh cấm xuất khẩu gạo đột ngột của Ấn Độ, từ đó đã định hình thị trường thương mại gạo thế giới.

Hầu hết các nước nhập khẩu lẫn xuất khẩu gạo lớn trong năm 2023 đều tập trung cho an ninh lương thực quốc gia. Sản lượng tại một số nước sụt giảm do điều kiện thời tiết nắng nóng, áp lực lạm phát giá lương thực giữa bối cảnh kinh tế suy thoái, tâm lý khan hiếm nguồn cung và căng thẳng địa chính trị leo thang, đẩy giá gạo thế giới tăng liên tục trong suốt một năm qua.

Xuất khẩu gạo của các nguồn cung lớn như Thái Lan đã tăng mạnh trong khi Pakistan và Myanmar giảm so với 2022 nhưng lại hồi phục đà xuất khẩu vào những tháng cuối năm 2023. Riêng Ấn Độ giảm do chính sách hạn chế xuất khẩu gạo.

Đối diện với nhiều thách thức nhưng 2023 vẫn là năm đại thành công của ngành lúa gạo nước ta với sản lượng xuất khẩu đạt trên 8,1 triệu tấn, trị giá gần 4,7 tỷ USD, giá xuất khẩu bình quân đạt 575 USD/tấn. So với cùng kỳ năm 2022, tăng 14,4% về số lượng và trị giá tăng 35,3%, giá bình quân tăng 88,8 USD/tấn.

Đặc biệt, đây là kết quả xuất khẩu cao nhất trong lịch sử ngành lúa gạo Việt Nam kể từ khi tham gia xuất khẩu năm 1989. Việt Nam tiếp tục là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 15% tổng lượng gạo xuất khẩu toàn cầu, bên cạnh Ấn Độ và Thái Lan.

Thương mại gạo toàn cầu trong năm 2024 tiếp tục chịu tác động bởi nhiều yếu tố (như lệnh cấm xuất khẩu gạo tại một số quốc gia; Nga tuyên bố rút khỏi Thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen; thời tiết không thuận lợi gây ảnh hưởng tiêu cực tới sản lượng lương thực tại nhiều nước…), gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, xuất khẩu gạo của các quốc gia.

Toàn bộ những sự thay đổi về chính sách, biến động về cung cầu và khuynh hướng giá cả của các quốc gia tiêu thụ gạo trên thế giới đều sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến ngành gạo Việt Nam.

Với vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo lớn, Việt Nam tiếp tục được nhiều doanh nghiệp nước ngoài tìm đến xúc tiến nhập khẩu gạo.

Tháng 1/2024, gạo Việt Nam đã được xuất khẩu sang 27 thị trường với khối lượng trên 512.000 tấn, trị giá 362 triệu USD, tăng 42,8% về lượng và tăng tới 94,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư