Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Rạng Đông: Chuyển đổi số sẽ 5 ăn 5 thua, trích 7% lợi nhuận lập quỹ đầu tư mạo hiểm
Thanh Thủy - 26/05/2020 11:42
 
Chuyển đổi số có rủi ro, xác suất khoảng 50% không thành công. Nhưng cũng theo Chủ tịch Nguyễn Đoàn Thăng, công ty vẫn phải dấn thân nếu không muốn tụt hậu.

Nhận cú đúp hỏa hoạn và Covid-19, cổ tức 2019 vẫn duy trì 50%

Cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên năm 2020 của CTCP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông tổ chức mới đây được ông Nguyễn Đoàn Thăng, Chủ tịch HĐQT công ty, đánh giá là sự kiện đặc biệt sau 15 năm cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước. Do chỉ trong 9 tháng, tình hình đã biến đổi đặc biệt và chưa từng xảy ra trong 60 năm hoạt động.

Thứ nhất là sự cố hoả hoạn xảy ra hồi cuối tháng 8/2019, như ông Thăng cho biết, phải đến 31/3/2020 mới khắc phục xong hoàn toàn. Báo cáo tài chính năm 2019 của doanh nghiệp này xác định giá trị tổn thất do hỏa hoạn tính vào chi phí là 359 tỷ đồng. Công ty được nhận hỗ trợ tổn thật từ Bảo hiểm PVI 152 tỷ đồng (theo con số dự phòng được xác định bởi đơn vị giám định độc lập), trong đó 50 tỷ đồng đã nhận chi trả trước, hơn 100 tỷ đồng đang ghi nhận trong khoản phải thu khác. 

Sau sự cố hỏa hoạn, dịch COVID 19 cũng trực tiếp ảnh hưởng đến Rạng Đông gây ra những khó khăn trong chuỗi cung ứng, gây nguy cơ dinh trệ sản xuất, làm suy giảm đột ngột sức mua của thị trường, đặc biệt lả xuất khẩu. 

Nguồn: Rạng Đông
Kỳ họp đại hội năm 2020 được lãnh đạo công ty đánh giá là sự kiện đặc biệt sau 15 năm tổ chức - Nguồn: Rạng Đông

Trong quý IV/2019, nếu chỉ tính riêng lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh, doanh nghiệp này đạt mức cao kỷ lục nhờ doanh thu tăng 13% còn biên lợi nhuận gộp tăng từ mức 25% cùng kỳ lên 33%. Tổn thất từ hỏa hoạn khiến Rạng Đông lỗ 200 tỷ đồng từ hoạt động khác, kéo theo khoản lỗ ròng trong quý IV.

Cả năm 2019, dù doanh thu vượt 18% so với với kế hoạch, lợi nhuận sau thuế cả năm 2019 của doanh nghiệp sản xuất này đạt 125 tỷ đồng, giảm gần 40% so với năm trước và không hoàn thành kế hoạch đầu năm.

Tuy nhiên, tỷ lệ cổ tức chi trả cho  năm 2019 vẫn được Rạng Đông giữ ở mức 50% và toàn bộ bằng tiền như dự kiến tại kỳ họp năm trước. Cổ tức cũng đã được tạm ứng và thanh toán xong từ trước cuộc họp cổ đông.

Năm 2020, Rạng động trình lên các cổ đông hai phương án kinh doanh. Trong đó, ở phương án khả quan hơn, doanh nghiệp này dự kiến đạt 3.400 tỷ đồng doanh thu và 200 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Tỷ lệ cổ tức tiếp tục giữ ở mức 50%. Với phương án 2, tỷ lệ cổ tức dự kiến là 30%, đồng thời mục tiêu doanh thu và lợi nhuận  lần lượt là 3.000 tỷ đồng và 100 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại buổi đại hội, ban điều hành cũng khẳng định sẽ phấn đấu  vượt mục tiêu kịch bản đầu tiên.

Dự án 2.500 tỷ đồng tại Hòa Lạc dự kiến thu hồi vốn trong 3 năm

Cũng trong phương án phân phối lợi nhuận, lần đầu tiên Rạng Đông đề xuất được trích lập quỹ đầu tư mạo hiểm với tỷ lệ trích bằng 7% lợi nhuận sau thuế (hơn 6,3 tỷ đồng). Mục đích của quỹ này theo lãnh đạo công ty là để làm bà đỡ cho những ý tường sáng tạo thành hiện thực.­­­­

Từ tháng 7/2019 (trước thời điểm xảy ra hỏa hoạn), công ty đã xây dựng Đề án thúc đẩy nhanh chuyển đổi số Công ty giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030 với quan điểm chuyển đổi số là động lực cơ bản để thúc đẩy phát triển Công ty.

Sản phẩm của công ty đang cơ cấu lại gồm 3 lớp gồm sản phẩm phổ thông để duy trì quy mô; sản phẩm chất lượng cao để xuất khẩu và phục vụ công trình dự án. Lớp cuối là sản phẩm công nghệ cao hệ sinh thái Led 4.0 có tính cạnh tranh khác biệt so với các đối thủ phục vụ chiếu sáng thông minh trong dân dụng, công nghiệp, công cộng, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, chuyển từ cung cấp sản phẩm sang cung cấp dịch vụ và hệ thống giải pháp chiếu sáng công nghệ cao.

Từ tháng 11/2019, HĐQT công ty đã có chủ trương xin phê duyệt đầu tư nhà máy công nghệ cao tại khu công nghệ cao Hòa Lạc - Hà nội với vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỷ đồng. Đây là nhà máy nghiên cứu, sản xuất, thương mại hóa hai dòng sản phẩm gồm LED hệ sinh thái số và sản phẩm điện tử công nghệ cao.

Cập nhật về dự án này, lãnh đạo công ty cho biết dịch Covid-19 đã khiến tiến độ phê duyệt bị chậm. Ban quản lý khu công nghiệp sẽ xem xét phê duyệt gồm các yếu tố: công nghệ cao, sản phẩm công nghệ cao, vốn đầu tư, sử dụng đất, đảm bảo môi trường...

“Với vốn đầu tư dự kiến 2.500 tỷ, công ty sẽ được hưởng nhiều ưu đãi đặc biệt thuế thu nhập doanh nghiệp nên dự kiến sau 3 năm sẽ thu hồi được vốn”, ông Thăng cho hay.

Ông Thăng cũng thừa nhận chuyển đổi số không phải câu chuyện chỉ có màu hồng. Chia sẻ tại Đại hội, ông cũng cho biết chuyển đổi số có rủi ro, xác suất khoảng 50% không thành công nhưng vẫn phải dẩn thân nếu không công ty sẽ tụt hậu, không tồn tại được trong xã hội số, nền kinh tế số. Ông cũng nhấn mạnh đây là giải pháp vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa cơ bản nhưng hết sức cấp bách phải thực hiện ngay.

Chủ tịch Nguyễn Đoàn Thăng lần đầu nói về mối quan hệ Gia Lộc Phát – Rạng Đông

Sau sự cố hỏa hoạn xảy ra hồi cuối tháng 8/2019, câu chuyện về mối quan hệ giữa Rạng Đông và Công ty Gia Lộc Phát – đơn vị vừa là nhà phân phối chính của Rạng Động vừa liên quan đến các cổ đông cá nhân đang trực tiếp sở hữu cổ phần RAL.

Tại kỳ đại hội lần này, lần đầu tiên ông Nguyễn Đoàn Thăng đã có những chia sẻ về mối quan hệ giữa hai công ty. Chủ tịch HĐQT Rạng Đông cho biết Gia Lộc Phát là đại lý lơn phân phối sản phẩm của Rạng Đông trong 30 năm qua, tức từ trước khi đơn vị này  đăng ký trở thành doanh nghiệp hồi năm 2004.

Từ năm 2015, sau khi hai cổ đông cá nhân mua lại cổ phần của RAL từ Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC), gồm bà Lê Thị Kim Yến (15,24%), ông Lê Đình Hưng (9,26%), Gia Lộc Phát trở thành bên liên quan. Rạng Đông từ đó cũng phải báo cáo giao dịch với đối tác này.

Báo cáo tài chính năm 2015 cũng cho thấy trước khi hình thành mối quan hệ sở hữu giữa hai cá nhân và Rạng Đông, doanh thu bán hàng cho Gia Lộc Phát đã chiếm khoảng 30% tổng doanh thu của Rạng Đông. Các năm gần đây, tỷ lệ này dao động quanh mức 35%.

Tuy nhiên, một điểm mà cổ đông của Rạng Đông cũng đề nghị ban lãnh đạo lưu tâm là tình trang mua chịu của Gia Lộc Phát. Theo thống kê tại thời điểm cuối năm tài chính, giá trị các khoản phải thu ngày càng tăng, chiếm tỷ trọng ngày càng nhiều hơn.Mỗi 100 đồng doanh thu bấn ra cho đối tác này thì có 11 đồng bán chịu, trong khi hồi năm 2014 chỉ là 0,7 đồng. 

Theo ông Thăng, việc chủ sở hữu của Gia Lộc Phát nắm giữ hơn 20% cổ phần Công ty là sự đảm bảo để gắn bó trách nhiệm lâu dài, cùng phát triển và cùng có lợi. Bên cạnh đó, ông cũng khẳng định, ngoài vẫn duy trì và làm mới mô hình kinh doanh truyền thống, Rạng Đông đang phát triển mô hình kinh doanh mới trên nền tảng số.

Cụ thể, công ty đã hợp tác với ba công ty đối tác công nghệ có sẵn nền tảng kinh doanh số đồng thời từng bước đào tạo nhân lực hình thành nền tảng kinh doanh riêng của Rạng Đông.

Rạng Đông dừng làm bóng đèn chứa thủy ngân tại nhà máy ở Thanh Xuân
Ông Nguyễn Xuân Lưu - Bí thư, Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) - cho biết, đến thời điểm này, Công ty Rạng Đông đã dừng sản xuất bóng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư