Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Tiêu điểm ngân hàng tuần qua
Rộ huy động vốn đa cấp; Chính phủ không có chủ trương “nới” room tín dụng
T.L - 18/09/2022 08:11
 
Chưa có chủ trương nới room tín dụng, tỷ giá nóng từng ngày, rộ huy động vốn kiểu ponzi, đa cấp... là tâm điểm ngân hàng tuần qua.

Room tín dụng đã sử dụng hết 13,6%, Chính phủ không có chủ trương “nới”

Trao đổi với Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa chuyên gia kinh tế - cho hay, Chính phủ và NHNN chưa có chủ trương nới thêm room tín dụng năm nay, dù room đã gần cạn.

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, NHNN đã cấp hết 13,6% trong tổng số 14% room tín dụng năm nay song đến nay Chính phủ và NHNN không có chủ trương nới thêm.

Về vấn đề này, TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cũng cho rằng, với áp lực lạm phát như hiện nay, NHNN cần nên thận trọng với cung tiền và cần kiên định với định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 14%. Thậm chí theo TS. Thành, đây là con số tăng trưởng không hề thấp nếu xét trên nhiều yếu tố như tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn gần đây và đang ở mức cao, khi đến cuối năm 2021 tỷ lệ này đã đạt 124%, tiềm ẩn rủi ro đối với hệ thống tài chính

Trong báo cáo vừa phát hành, Công ty chứng khoán VNDirect cũng cho rằng, NHNN cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2022 cho 15 ngân hàng thương mại ngày 7/9 vừa qua tương đương với tăng trưởng tín dụng thêm khoảng 2,7%. Các chuyên gia phân tích công ty này cũng cho rằng, NHNN đang ưu tiên mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định vĩ mô, do đó khả năng tiếp tục tăng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay là không cao.

Tính đến ngày 26/8, tín dụng đã tăng 9,9%, đây là mức tăng cao nhất trong 5 năm qua và cao hơn nhiều so với mức tăng 7,9% của 8 tháng đầu năm 2021. Ngày 7/9, NHNN thông báo đã cấp thêm hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM.  

VNDirect cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP Q3/22 lên 13,1% (+/- 0,6%) nhờ: chính sách kích cầu của Chính phủ đã thúc đẩy tiêu dùng nội địa và du lịch phục hồi ấn tượng trong những tháng qua và lĩnh vực sản xuất tăng trưởng vượt kỳ vọng nhờ nhu cầu trong nước phục hồi giúp gia tăng nhiều đơn đặt hàng mới. Do đó, chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng GDP Việt Nam năm 2022 lên mức 7,7% (+/- 0,3%).

Mặc dù vậy, nền kinh tế vẫn phải đối mặt với 4 rủi ro lớn: chính sách thắt chặt tiền tệ của Fed; những bất ổn gia tăng của nền kinh tế Trung Quốc; đồng USD mạnh gây áp lực lên tỷ giá hối đoái; lạm phát.

Trước áp lực thanh khoản, tỷ giá và lạm phát, các chuyên gia phân tích Công ty chứng khoán ACBS kỳ vọng lãi suất điều hành của NHNN có thể tăng dần trong khoảng 0,5 – 0,75% từ đây cho tới cuối năm 2022.

Mặc dù vậy, VNDirect cho rằng, NHNN vẫn có thể ổn định lãi suất. Giá cả hàng hóa và lạm phát trong nước được kiểm soát tốt là điều kiện cho phép NHNN tiếp tục trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành trong năm nay. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã quyết liệt sử dụng chính sách tài khóa để san sẻ gánh nặng với chính sách tiền tệ trong mục tiêu quan trọng là “kiềm chế lạm phát” thông qua việc giảm thuế, phí đối với một số mặt hàng thiết yếu (điển hình là xăng dầu).

“Do đó, NHNN có thêm dư địa để trì hoãn việc tăng lãi suất điều hành nhằm ổn định mặt bằng lãi suất cho vay. Trong trường hợp NHNN tăng lãi suất điều hành trong năm nay, mức tăng sẽ hạn chế trong khoảng 0,25-0,5%”, VNDirect nhận định.

Mặt bằng suất liên ngân hàng tiếp tục tăng mạnh trong giai đoạn từ tháng 8 đến đầu tháng 9. Cụ thể, lãi suất qua đêm đã tăng lên mức 6,9% vào ngày 7/9 (mức cao nhất kể từ tháng 9/2012), tăng 270 điểm cơ bản so với mức cuối tháng 7. Lãi suất liên ngân hàng cho kỳ hạn dài hơn (kỳ hạn 1 tuần - 9 tháng) cũng tăng 56-208 điểm cơ bản trong kỳ.

Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh là do một lượng lớn tiền Đồng bị rút ròng khỏi hệ thống ngân hàng khi NHNN đẩy mạnh hút ròng qua tín phiếu và bán ngoại tệ trong tháng 8. Bên cạnh đó, NHNN muốn duy trì lãi suất VND cao hơn lãi suất USD trên thị trường liên ngân hàng để giảm áp lực lên tỷ giá USD/VND trong bối cảnh USD tiếp tục mạnh lên khi Fed duy trì lộ trình tăng lãi suất. Ngoài ra,nhu cầu huy động vốn của ngân hàng thương mại cũng tăng mạnh khi NHNN chính thức nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho một số ngân hàng thương mại kể từ tháng 9/2022.

Hiện lãi suất liên ngân hàng đã hạ nhiệt song vẫn dao động ở mức cao khoảng 4-5% đối với kỳ hạn qua đêm. Đà tăng của đồng USD có thể chững lại hoặc thậm chí quay đầu giảm sau cuộc họp của Fed vào ngày 20-21 tháng 9 tới đây vì đà tăng gần đây của đồng USD có thể đã phản ánh quá mức những tác động của đợt tăng lãi suất lần này của FED.

Áp lực tỷ giá hạ nhiệt, cùng với các động thái hỗ trợ gần đây của NHNN như việc bơm ròng ra thị trường trong những phiên đầu tháng 9 sẽ góp phần hạ nhiệt lãi suất trên thị trường liên ngân hàng. 

Mặc dù vậy,lãi suất tiền gửi trên thị trường nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới bởi nhiều yếu tố.

Thứ nhất, NHNN đã chính thức cấp thêm giới hạn tăng trưởng tín dụng cho một số NHTM kể từ đầu tháng 9, dẫn đến sự gia tăng nhu cầu vốn của các NHTM.

Thứ hai, tăng trưởng tiền gửi có tốc độ chậm trong 7 tháng đầu năm 2022 (chỉ 4,2% so với đầu năm, tăng 9,9% so với cùng kỳ) do lãi suất tiền gửi kém hấp dẫn hơn so với các kênh đầu tư khác.

Thứ ba, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) dự kiến sẽ tăng lãi suất điều hành lên mức 4- 4,25% vào cuối năm 2022.

Thứ tư, USD mạnh hơn gây áp lực lên tỷ giá hối đoái và lãi suất của Việt Nam.

Theo dự báo của VNDirect, lãi suất tiền gửi có thể tăng 30-50 điểm cơ bản trong nửa sau năm 2022.  Lãi suất tiền gửi 12 tháng của NHTM (bình quân) tăng lên mức 6,0-6,2%/năm vào cuối năm 2022, vẫn thấp hơn so với mức trước đại dịch là 7,0%/năm.

Mồi lửa nào châm ngòi cho cuộc đua lãi suất huy động?

Mặt bằng lãi suất như một quả bóng được bơm ngày càng to và sẵn sàng nổ tung nếu ngân hàng được nới mạnh room tín dụng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng TMCP cho hay, hạn mức tín dụng mà ngân hàng này vừa được cấp thêm chỉ đủ để giải ngân trong vòng một tuần, bởi số hồ sơ xếp hàng chờ giải ngân vẫn còn rất lớn.

Câu hỏi đặt ra là, vì sao room tín dụng được cấp nhỏ giọt như vậy, nhưng các ngân hàng vẫn rầm rộ tăng lãi suất để huy động vốn? Thậm chí, có thời điểm, một số ngân hàng chấp nhận vay liên ngân hàng với mức 6-7%/năm cho kỳ hạn qua đêm. Cơn khát vốn như vậy chứng tỏ thanh khoản đang có vấn đề.

Lý giải điều này, vị lãnh đạo ngân hàng trên cho hay, nguyên nhân là từ đầu năm đến nay, tín dụng tăng gần 10%, trong khi huy động vốn chỉ tăng gần 4%. Bên cạnh đó, một lượng vốn không nhỏ của các ngân hàng đang “kẹp” trong nợ xấu, kể cả nợ cơ cấu lại. Nếu các khách hàng trả nợ đúng hạn, thì ngân hàng sẽ có thêm room để cho vay, nhưng một lượng lớn khách hàng (kể cả đã được cơ cấu nợ) vẫn chưa thể trả nợ, khiến một lượng tiền bị giữ trong đó.

“Chưa kể, sau sự cố Tân Hoàng Minh và FLC, thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán đều lao dốc, áp lực dồn hết lên vai ngân hàng. Vốn đầu tư công cũng giải ngân rất chậm. Mọi doanh nghiệp trước đây huy động vốn qua kênh trái phiếu, qua thị trường chứng khoán giờ dồn hết vào ngân hàng, khiến tín dụng tăng mạnh từ đầu năm, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu”, vị lãnh đạo trên nói.

Ngoài ra, theo phân tích của lãnh đạo này, từ ngày 1/10 tới đây, ngân hàng cũng phải có vốn dự trữ nhiều hơn khi cho vay (phải giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 37% xuống 34%). Điều này đặc biệt áp lực với các ngân hàng mạnh tay cho vay bất động sản (chủ yếu cho vay trung, dài hạn) thời gian qua.

Tỷ giá “căng” gần đây cũng khiến Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phải bán ra ngoại tệ, đồng nghĩa hút tiền về, càng làm thanh khoản tiền đồng của hệ thống bớt dồi dào. Theo báo cáo của SSI Research, tính đến hết tháng 8/2022, NHNN đã hút ròng gần 115.000 tỷ đồng thông qua kênh thị trường mở và 70.000 tỷ đồng thông qua kênh bán ngoại tệ.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng BIDV, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, lãi suất huy động và tỷ giá 6 tháng đầu năm có tăng lên, song vẫn trong tiên lượng và tầm kiểm soát.

Mặc dù vậy, giới chuyên gia cho rằng, nếu NHNN nới mạnh room tín dụng, một cơn sốt tăng lãi suất huy động sẽ được thổi bùng lên. Do đó, dù thông cảm với nỗi khổ của người dân, doanh nghiệp, song nhiều chuyên gia cũng cảnh báo, việc nới mạnh room tín dụng có thể thổi bùng lên cơn sốt tăng lãi suất huy động và cho vay.

Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, bản thân ngân hàng và doanh nghiệp rất xoay xở với room tín dụng hiện nay, song cũng thông cảm với động thái thận trọng của NHNN. Cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất huy động và cho vay những tháng cuối năm là vô cùng khó khăn vì tín dụng toàn ngành tăng 9,91%, nhưng huy động vốn chỉ tăng 3,8%.

“Huy động vốn là vấn đề rất nóng hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng phải tăng lãi suất huy động. Vietcombank vẫn cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất huy động thấp để giữ lãi suất cho vay hợp lý, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó tổng giám đốc phụ trách Ban Điều hành Vietcombank nói.

Mặc dù NHNN vừa nới room tín dụng cho một số ngân hàng thương mại, song theo tính toán của Báo Đầu tư, NHNN vẫn chưa sử dụng hết room tăng trưởng tín dụng 14% của năm nay.

Theo dự báo của các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán VCBS, tăng trưởng tín dụng năm 2022 vẫn ở mức khoảng 14% và được phân bổ theo nhiều đợt, với khả năng 2-3%/đợt. Đặc biệt, lãi suất huy động sẽ giữ mặt bằng cao như hiện nay và tiếp tục nhích nhẹ, cả năm tăng khoảng 1-1,5%.

Hiện nay, thách thức lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ là áp lực lạm phát và tỷ giá. Dự kiến, cuối tháng này, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tăng lãi suất 0,75%. Một loạt ngân hàng trung ương các quốc gia khác cũng vừa tăng lãi suất để đối phó với lạm phát. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay, VND đã mất giá gần 3%.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh lạm phát vẫn kiểm soát được như hiện nay, room tín dụng - nếu nới - cũng chỉ tối đa thêm 1-2% nữa, nếu không sẽ gây tác động bất lợi đến lạm phát, lãi suất. Điểm mấu chốt hiện nay là bên cạnh tín dụng, cần phải gỡ nhanh các điểm nghẽn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp và thị trường chứng khoán, không nên dồn hết lên vai ngân hàng.

Được nới room, tín dụng vẫn khó chảy vào bất động sản

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) nới room cho 15 ngân hàng, nhưng mức nới không nhiều. Vì vậy, các ngân hàng chỉ ưu tiên giải ngân vốn vào lĩnh vực thiết yếu, thay vì bất động sản.

Với room tín dụng vừa được cấp thêm 4%, tổng hạn mức tăng trưởng tín dụng (room tín dụng) cả năm của Sacombank nâng lên 11%. Tính trên tổng quy mô dư nợ hơn 400.000 tỷ đồng vào cuối quý II/2022, ngân hàng này còn dư địa tăng trưởng hơn 15.000 tỷ đồng đến hết năm nay.

Bà Nguyễn Đức Thạch Diễm, Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng giám đốc Sacombank cho hay, Ngân hàng sẽ ưu tiên room tín dụng được NHNN cấp thêm vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ, giải quyết bài toán hỗ trợ khách hàng cá nhân khởi nghiệp, kinh doanh hiệu quả... Còn với bất động sản, Sacombank tiếp tục hạn chế cho vay hoặc chỉ thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.

Vietcombank cũng được chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến ngày 31/12/2022. Đến hết tháng 8/2022, ngân hàng này đã tăng trưởng tín dụng 14,7% so với đầu năm, nên dư địa cho vay mới tối đa khoảng 32.000 tỷ đồng trong 4 tháng còn lại của năm. Như vậy, trong cả năm 2022, Ngân hàng đã được tăng tín dụng ở mức 17,7%.

“Sau khi được NHNN cho phép tăng thêm dư nợ tín dụng tối đa, Vietcombank sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào những ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. Đồng thời, Ngân hàng kiểm soát tốt thanh khoản, kiểm soát tốt rủi ro tín dụng, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu ở mức độ thấp, duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hỗ trợ quá trình phục hồi và phát triển kinh tế, cũng như sự phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp”, đại diện Vietcombank cho biết.

Trong khi đó, theo ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, room tín dụng mà Ngân hàng được cấp thêm là 3%. VIB sẽ dùng nguồn lực bổ sung này vào thế mạnh của mình là cho vay tiêu dùng và các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Mặc dù các ngân hàng đã được NHNN nới thêm room tín dụng, song dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm cũng không nhiều, vì room được nới rất hạn chế.

Ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc thường trực NHNN cho hay, hết tháng 8/2022, tăng trưởng tín dụng đạt 9,91% - cao hơn nhiều so với cùng kỳ 2 năm trước. Trước đó, theo số liệu NHNN đưa ra, tính đến ngày 15/8/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 9,62%. Như vậy, từ tháng 7 tới giữa tháng 8/2022, tín dụng chỉ tăng thêm 0,27%, trong khi nửa đầu năm nay, mức tăng trung bình là gần 1,6%/tháng.

Theo ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, tính đến cuối tháng 8/2022, tổng dư nợ tín dụng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố ước trên 3.145 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cuối tháng trước đó và tăng 11% so với cuối năm 2021. Trong đó, dư nợ tín dụng trung, dài hạn chiếm 55,2% tổng dư nợ, tăng 0,41% so với cuối tháng trước và tăng 12,77% so với cuối năm 2021; dư nợ tín dụng ngắn hạn chiếm 44,8%, tăng 0,39% so với cuối tháng 7/2022, tăng 8,91% so với cuối năm 2021.

Dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm rất hạn chế, nên tín dụng sẽ được ưu tiên vào lĩnh vực thiết yếu và lĩnh vực ưu tiên, kiểm soát vào bất động sản. Các chuyên gia phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng đưa ra nhận định, ngành bất động sản vẫn sẽ gặp khó khăn trong ngắn hạn. Khả năng lãi suất đầu vào - đầu ra tiếp tục tăng và việc kiểm soát chặt hơn hoạt động tín dụng bất động sản của các ngân hàng sẽ ảnh hưởng lớn đến tính thanh khoản của các dự án, dòng tiền và lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản trong năm 2022 - 2023.

Thực tế cho thấy, chủ trương kiểm soát tín dụng chảy vào thị trường bất động sản hiện nay cũng được cho là nguyên nhân chính đẩy lãi vay mua nhà tăng cao. Theo dữ liệu mới công bố từ NHNN, tính đến cuối tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt trên 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%).

NHNN nhận định, tín dụng ngân hàng được đẩy mạnh quá mức vào bất động sản sẽ tạo rủi ro lớn, ảnh hưởng trọng yếu tới an toàn hệ thống nói riêng và nền kinh tế nói chung. Do tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản thường có thời gian dài, khoảng 94% dư nợ tín dụng bất động sản trung, dài hạn từ 10 đến 30 năm, trong khi nguồn huy động của tiết kiệm chủ yếu là ngắn hạn.

Ngân hàng Nhà nước đã bán ra 21 tỷ USD, có thể nới room một lần nữa

Một số chuyên gia phân tích cho rằng, Ngân hàng Nhà nước sẽ tăng lãi suất điều hành và nâng room tín dụng thêm 1% nữa.

Trong báo cáo vừa phát hành, các chuyên gia phân tích Công ty Chứng khoán ACBS  kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng vào giữa tháng chín, một động thái được thị trường rất kỳ vọng và sẽ hỗ trợ ngành ngân hàng cũng như thị trường nói chung.

Trong tháng 8/2022, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành hơn 160.000 tỷ đồng và để hơn 94.000 tỷ đồng đáo hạn thông qua kênh tín phiếu (T-Bills). Ngoài ra, 35.000 tỷ đồng cũng được đấu thầu trong tháng 8/2022 kết hợp với hơn 74 tỷ đồng đáo hạn trong tháng thông qua reverse repo OMO.

Bên cạnh đó, ACBS ước tính rằng, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra hơn 3 tỷ USD trong tháng 8/2022, tức là đã gián tiếp hút hơn 70.000 tỷ đồng khỏi hệ thống xuyên suốt tháng 8/2022. Tổng kết, Ngân hàng Nhà nước đã hút ròng hơn 75.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu, reverse repo OMO và bán USD.

Theo đánh giá của chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước sẽ khó duy trì lãi suất liên ngân hàng thấp trong thời gian tới vì Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ có thêm 3 đợt tăng lãi suất nữa từ giờ cho tới cuối năm, gây áp lực mất giá lên tỷ giá VND/USD và Ngân hàng Nhà nước sẽ phải giữ chênh lệch lãi suất giữa VND và USD liên ngân hàng dương nhằm hỗ trợ tỷ giá VND/USD.

Theo đó, ACBS nâng nhẹ kỳ vọng rằng lãi suất điều hành của NHNN có thể tăng dần trong khoảng 50 - 75 điểm phần trăm từ đây cho tới cuối năm 2022.

Theo ước tính của ACBS, Ngân hàng Nhà nước đã bán ra khoảng 21 tỷ USD từ đầu năm 2022 từ nguồn dự trữ ngoại hối, tương đương 19% tổng dự trữ, đưa dự trữ hiện tại ở mức ước tính 89 tỷ USD và đã giảm tỷ lệ bao phủ nhập khẩu xuống còn khoảng 12 tuần, vẫn nằm trong ngưỡng an toàn.

Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 14% cho năm 2022, tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,9% tính tới cuối tháng 8/2022.

Với áp lực gia tăng hạn mức tín dụng, áp lực lạm phát giảm bớt, hệ thống ngân hàng đang trong tình trạng lành mạnh và mùa cao điểm đang đến gần, Ngân hàng Nhà nước đã tăng hạn mức tín dụng toàn ngành ngân hàng với mức ước tính khoảng 2%, tương đương 200.000 tỷ đồng.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% hàng năm, ABCS kỳ vọng rằng, sẽ cần một đợt điều chỉnh hạn mức khác trước khi kết thúc năm.

Việc Ngân hàng Nhà nước cấp thêm room tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng vừa qua, theo các chuyên gia phân tích, có thể giúp tháo gỡ những điểm khó khăn nhất và thúc đẩy nền kinh tế duy trì xu hướng đi lên mà không gây thêm áp lực lên lạm phát do tăng trưởng quá nóng.

Hạn mức bổ sung có thể tạo thêm áp lực tăng lãi suất trong bối cảnh thanh khoản của hệ thống ngân hàng không ổn định trước áp lực giảm giá của đồng Việt Nam so với đồng ddô la Mỹ. Tuy nhiên, tác động này được cho là không đáng kể vì mặt bằng lãi suất đã điều chỉnh tăng để hạn chế sự mất giá của đồng Việt Nam.

Mặc dù vậy, ACBS cũng cho rằng, nguồn tín dụng được cấp thêm sẽ không tăng đều các ngành mà sẽ hướng vào các ngành sản xuất.

Cụ thể, khả năng tiếp cận vốn bổ sung dự kiến sẽ có lợi cho một số ngành xuất nhập khẩu dự kiến sẽ được tiếp cận với các hạn mức tín dụng và khoản vay để phục vụ cho các hoạt động thương mại. Các nhà sản xuất sẽ có thêm khả năng tiếp cận vốn lưu động để mua nguyên vật liệu và trả lương cho nhân viên. Các nhà bán lẻ, FMCG có nhu cầu vốn lưu động cao sẽ được cấp vốn để dự trữ hàng tồn kho phục vụ mùa mua sắm cuối năm.

Các ngân hàng đạt mức tăng trưởng thu nhập cao trong 6 tháng đầu năm 2022 dự kiến sẽ được hưởng lợi do thu nhập lãi vẫn là nguồn đóng góp chính vào tổng thu nhập.

Trong khi đó, bài toán vốn cho doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa có lời giải. Riêng các khoản vay dành cho cá nhân và hộ gia đình (bao gồm cả các khoản vay mua nhà) có thể được tiếp tục giải ngân, mang lại lợi ích cho ngành xây dựng và bất động sản nhà ở.

“Chúng tôi duy trì kỳ vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2022 đạt 15% do nhu cầu tín dụng của nền kinh tế vẫn đang ở mức cao và Ngân hàng Nhà nước có thể nới hạn mức tín dụng thêm một lần vào cuối năm nếu tình hình lạm phát dịu bớt”, ACBS dự báo.

Cùng với việc tín dụng tăng nhanh, giới phân tích dự báo, lãi suất huy động ở các ngân hàng có thể tiếp tục tăng thêm khoảng 50 điểm cơ bản để bổ sung nguồn vốn trong nửa cuối năm 2022. Thanh khoản cuối năm 2022 dự báo sẽ gặp căng thẳng khi các ngân hàng cần chuẩn bị khoảng 250.000 tỷ đồng để thanh toán cho các giao dịch mua USD kỳ hạn từ Ngân hàng Nhà nước.

TS. Cấn Văn Lực chỉ các lý do khiến tín dụng tăng nóng, ngân hàng chịu nhiều áp lực

Kinh tế phục hồi, thị trường trái phiếu doanh nghiệp sụt giảm, giải ngân vốn đầu tư công chậm... là các lý do khiến toàn bộ nhu cầu vốn của nền kinh tế dồn hết vào lĩnh vực ngân hàng.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, năm nay, câu chuyện vốn trở thành vấn đề nóng của kinh tế và doanh nghiệp. Điểm tích cực là nhu cầu vốn của doanh nghiệp, người dân tăng lên rõ rệt, nhu cầu thực về vốn của doanh nghiệp, người dân tốt hơn những năm trước.

Đến tháng 4 và 5/2022, các tổ chức tín dụng đã hết hạn mức tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước đã phân bổ tạm thời cho các tổ chức đó, nên họ phải cơ cấu lại, thu nợ cũ, tính toán hơn cho vay mới… vì vậy, một số khoản vay thời gian qua chậm giải ngân.

Gần đây nhất, Ngân hàng Nhà nước cấp tiếp hạn mức tín dụng cho vay để các tổ chức tín dụng cho vay tiếp các dự án còn dở dang. Tăng trưởng tín dụng 8 tháng đầu năm tăng mạnh, cao hơn mức tăng cùng kỳ các năm 2021, 2020 và 2019 thời điểm trước dịch Covid-19 xảy ra.

Theo chuyên gia này, có nhiều nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng, kinh tế phục hồi tốt và thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang được Chính phủ chấn chỉnh lại nên thị trường trái phiếu doanh nghiệp suy giảm mạnh, dồn nhu cầu đó sang phía ngân hàng một lần nữa.

Ngoài ra, giá cả nguyên vật liệu tăng, tỷ giá tăng, đồng Việt Nam mất giá so với USD khoảng 2,8% - đây cũng là mức tích cực so với đồng tiền khác, mức mất giá thấp nhất, vì có đồng tiền mất giá hơn 10%. Rõ ràng, chi chi đầu vào của doanh nghiệp tăng, nên doanh nghiệp có thêm nhu cầu vốn để bù đắp khoản tăng thêm đó.

Lý do cuối cùng khiến tín dụng tăng cũng là lý do quan trọng, tức là giải ngân đầu tư công chậm, trong khi kế hoạch giải ngân đầu tư công rất lớn, bình quân gấp rưỡi so với các nhiệm kỳ trước, giải ngân vốn đầu tư công chậm nên hệ luỵ xảy ra, dẫn đến doanh nghiệp nợ đọng lẫn nhau…, nên tín dụng ngân hàng nóng là như vậy.

Riêng về tín dụng bất động sản tăng nóng hơn tín dụng chung cả nước với mưức tăng hơn 14% tính đến cuối tháng 7/2022. Trong đó, tín dụng với phân khúc nhà ở tăng 17% và bất động sản đầu tư trên 8%. TS. Cấn Văn Lực cho rằng, hiện tín dụng cho vay bất động sản chiếm 20,6% tổng dư nợ toàn bộ nền kinh tế, với mức này vẫn còn dư địa để tiếp tục cho vay bất động sản, vì các quốc gia khác trên thế giới thông thường chiếm 28-30% tổng dư nợ của hệ thống ngân hàng.

Hiện nay, bất động sản được đánh giá là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên các tổ chức tín dụng cũng thận trọng hơn trong giải ngân. Tuy nhiên, mức độ rủi ro tùy thuộc vào từng phân khúc bất động sản như bất động sản nhà ở, bất động sản công nghiệp và bất động sản văn phòng cho thuê, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng…

Với bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch, theo chuyên gia này, không nên trông chờ tín dụng ngân hàng, vì rủi ro hơn phân khúc khác, pháp lý lại chưa tốt. Hơn nữa, thông thường các nước khác, phân khúc này huy động vốn từ nhà đầu tư và quỹ đầu tư trong và ngoài nước để họ đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dòng vốn từ tín dụng của chúng ta đang chặt chẽ hơn so với các năm trước. Thực tế, đầu tư nước ngoài vào bất động sản thời gian qua tốt, chiếm khoảng gần 3 tỷ USD, giải ngân 1 tỷ USD, chiếm 10% tổng FDI giải ngân.

Trước khuyến nghị của chuyên gia, ông Vũ Văn Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn VNGroup cho rằng, đối với nhà đầu tư bất động nguồn vốn là yếu tố quan trọng hàng đầu, riêng với bất động sản nghỉ dưỡng đòi hòi do tính đặc thù, nên lại đòi hỏi nguồn vốn rất lớn. Trong khi đó, tại Việt Nam, hơn 80% doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng để đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nên nguồn vốn từ ngân hàng rất quan trọng.

Ngoài nguồn vốn từ ngân hàng, doanh nghiệp có thể huy động nguồn vốn từ nhiều kênh khác, trong đó có nguồn từ các tổ chức tài chính nước ngoài. Tuy vậy, điều kiện huy động vốn từ các tổ chức này rất khó khắt khe do liên quan đến các thủ tục pháp luật… Cho nên, ngân hàng vẫn đóng vai trò quan trọng đối với doanh nghiệp bất động sản trong vấn đề vốn.

“Thời gian qua, có những bất cập trong một số dự án đầu tư bất động sản, song không nên đánh đồng các doanh nghiệp, không phải doanh nghiệp nào cũng yếu kém mà có nhiều doanh nghiệp rất chắc chắn, đủ khả năng để đảm bảo an toàn cho các khoản vay. Mặt khác, thiết nghĩ, khi có nảy sinh những khó khăn, các đơn vị tài chính, ngân hàng cần có cách xử lý phù hợp phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của doanh nghiệp”, ông Thành đề nghị.

Huy động vốn đa cấp: Lãi suất giăng bẫy, hợp đồng bịt miệng nhà đầu tư

Thông qua chiêu bài “hợp đồng hợp tác kinh doanh”, rất nhiều doanh nghiệp đang huy động vốn theo mô hình Ponzi, lôi kéo được hàng ngàn nhà đầu tư tham gia và tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ rất cao.

Ngay sau khi Công ty cổ phần Đầu tư thương mại bất động sản Nhật Nam bị UBND tỉnh Hòa Bình ra văn bản cảnh báo người dân về hoạt động huy động vốn có dấu hiệu bất thường, mới đây, Fintech Land đã ra văn bản đe dọa rằng, thành viên, nhà đầu tư nào lập nhóm mời nhà đầu tư, khách hàng của Công ty và truyền tải thông tin tiêu cực, thì cả gia đình cá nhân đó sẽ bị liên lụy, chịu hậu quả khó lường; nhà đầu tư, khách hàng nào làm đơn kiện tụng Công ty, lôi kéo người tham gia kiện tụng, thì sẽ phải trả giá đắt… 

Được biết, Fintech Land có cách thức huy động vốn tương tự Công ty Nhật Nam. Cụ thể, Fintech Land có chương trình hợp tác đầu tư và phân chia lợi nhuận với lãi suất lên tới 226,8%/24 tháng, còn Công ty Nhật Nam có chương trình hợp tác kinh doanh với lợi nhuận phân chia 168%/24 tháng.

Anh L.S tham gia gói đầu tư của Công ty Nhật Nam đã 16 tháng, nhưng chưa thu hồi được tiền gốc, mấy tháng gần đây Công ty có dấu hiệu chậm trả tiền. Theo anh S., rất nhiều nhà đầu tư muốn lên tiếng tố cáo công ty này, nhưng “há miệng mắc quai” bởi các điều khoản bất lợi trong hợp đồng.

“Tôi rất mệt mỏi, luôn thấp thỏm không yên sau khi góp vốn đầu tư vào Công ty. Mặc dù hợp đồng quy định lợi nhuận được trả theo tháng, song cũng có điều khoản cho phép Công ty được điều chỉnh lợi nhuận, phương thức thanh toán, hình thức thanh toán, thời hạn hợp đồng…, nên nhà đầu tư không thể khởi kiện”, anh S. cho biết.

Mặc dù không bị đe dọa như nhà đầu tư của Fintech Land, song nhiều nhà đầu tư của Công ty Nhật Nam vẫn không dám lên tiếng vì trong hợp đồng có điều khoản không được công khai hợp đồng, không được nói xấu Công ty, nếu không sẽ bị chấm dứt hợp đồng và Công ty không hoàn trả lại khoản đầu tư. Điều anh S. lo ngại nhất là trong hợp đồng có điều khoản cho phép Công ty được phá sản, mà không kèm theo quyền lợi nào về hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Theo Cục An ninh kinh tế (Bộ Công an), hành vi huy động vốn qua “hợp đồng hợp tác kinh doanh” của Công ty Nhật Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro cho nhà đầu tư. Mục đích sử dụng vốn huy động có nhiều dấu hiệu nghi vấn, khả năng hoạt động theo mô hình Ponzi (lấy tiền của người trước trả cho người sau), đến một lúc nào đó sẽ mất khả năng chi trả.

Không chỉ Công ty Nhật Nam, Fintech Land, nhiều doanh nghiệp bất động sản đang huy động vốn qua hình thức hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh với chiêu bài tương tự, như Bank Land, Tiến Phát, Thái Tuấn, Greenland, Smartland, Alibaba… Trong đó, siêu lừa Nguyễn Thái Luyện trong vụ đại án Alibaba lừa 4.300 người sắp bị đưa ra xét xử.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc điều hành Công ty Luật ANVI cho rằng, theo quy định, hợp tác đầu tư, dù lãi suất có cao đến đâu, đều không phạm luật. Song không có dự án thực nào mà lợi nhuận tới 40-80%/năm. Vì vậy, nhà đầu tư cần tỉnh táo chế ngự lòng tham nếu không muốn mất trắng.

Hiện nay, khung pháp lý với hình thức hợp tác kinh doanh hoặc hợp tác đầu tư khá lỏng lẻo và thông thoáng đến độ thiếu tin cậy, nên đã trở thành kẽ hở cho nhiều doanh nghiệp tận dụng để đưa ra các chiêu trò và cạm bẫy nhằm chiếm dụng vốn của nhà đầu tư nhỏ lẻ, thậm chí cho mục đích lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Luật sư Hà Huy Phong, Giám đốc điều hành Công ty Luật TNHH Inteco cũng khẳng định, huy động vốn cho đầu tư và kinh doanh là hoạt động thường xuyên và bình thường của doanh nghiệp, được pháp luật công nhận và bảo hộ.

Trong một số lĩnh vực, hoạt động huy động vốn được quy định rất rõ ràng. Cụ thể, hoạt động huy động vốn cho các dự án nhà ở thương mại phải tuân thủ quy định chặt chẽ của pháp luật về kinh doanh bất động sản và nhà ở. Hoạt động huy động vốn của ngân hàng phải tuân thủ quy định của Luật Các tổ chức tín dụng.

Với hợp đồng hợp tác kinh doanh của Công ty Nhật Nam, các luật sư cho rằng, dù định hướng tâm lý cho nhà đầu tư là đầu tư vào các dự án kinh doanh bất động sản, nhưng hợp đồng hầu như né tránh việc đề cập trực tiếp tới mục đích sử dụng vốn vào các dự án bất động sản, mà chỉ thể hiện một cách sơ sài là phục vụ “đầu tư và các dự án mà bên A đang hoặc sẽ là chủ đầu tư hoặc liên doanh, liên kết đầu tư với đối tác khác …”.

Đặc biệt, hợp đồng cũng thiết kế khéo léo giúp Công ty Nhật Nam có thể “bẻ lái” khoản tiền lãi phải trả cho nhà đầu tư, đồng thời tước hết quyền hạn của nhà đầu tư trong giám sát việc chi tiêu, sử dụng vốn của doanh nghiệp. Theo hợp đồng, nếu Công ty thua lỗ, thậm chí phá sản, khách hàng cũng khó có khả năng đòi lại tiền (cả gốc và lãi), bởi mục đích góp vốn là đầu tư kiểu “lời ăn lỗ chịu”.

“Nếu Công ty Nhật Nam phá sản do kết quả kinh doanh kém, hoặc do người quản lý doanh nghiệp kém trình độ, thì nhà đầu tư bị mất trắng số tiền đã góp, trừ khi chứng minh được là có yếu tố cố ý làm trái quy định của pháp luật của người quản lý trong quá trình sử dụng vốn”, ông Hà Huy Phong cảnh báo.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư