Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Rộ tình trạng lợi dụng ví điện tử Momo để đánh bạc, Ngân hàng Nhà nước lên tiếng
T.L - 20/01/2022 17:16
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản trả lời phản ánh của người dân về tình trạng lợi dụng ví điện tử Momo để tổ chức đánh bạc trá hình.
f
Ví điện tử đang có dấu hiệu bị lợi dụng trong nhiều hoạt động bất hợp pháp

Cụ thể, theo phản ánh của ông Lê Thanh Minh, vừa qua báo chí và một số mạng xã hội có đăng thông tin về việc lợi dụng ví điện tử Momo để tổ chức đánh bạc trá hình. Ông Minh đề nghị cơ quan chức năng kiểm tra, có biện pháp xử lý tình trạng này.

Liên quan đến thông tin ông Lê Thanh Minh cung cấp, NHNN cho hay, hiện nay, dịch vụ ví điện tử do các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán cung ứng mang lại nhiều tiện ích, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, như bất kỳ dịch vụ nào khác, dịch vụ ví điện tử cũng có thể bị lợi dụng cho hoạt động bất hợp pháp, trong đó có hoạt động đánh bạc như thông tin đã phản ánh.

Thời gian qua, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các Bộ, ngành (Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông và Ngân hàng Nhà nước…) luôn phối hợp chặt chẽ để xử lý tình trạng lợi dụng dịch vụ ví điện tử để cá độ, đánh bạc và cung cấp trò chơi điện tử trên mạng bất hợp pháp.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước cũng thường xuyên theo dõi, kịp thời cảnh báo, chỉ đạo các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán về phương thức thủ đoạn tội phạm và các biện pháp phòng ngừa.

Về phía các tổ chức trung gian thanh toán, các tổ chức này cũng đã tích cực rà soát phát hiện nhiều trường hợp lợi dụng thương hiệu và hoạt động ví điện tử để thực hiện các hoạt động bất hợp pháp (cờ bạc, lừa đảo…) và cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật.

Thông tin về các trường hợp lợi dụng ví điện tử để đánh bạc như phản ánh, trong đó bao gồm trang https://chanlemomo.win/ và các tài khoản liên quan cũng đã được tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phản ánh đến cơ quan chức năng để xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật.

Những năm gần đây, hàng loạt đường dây đánh bạc, sàn tiền ảo, sàn ngoại hối (forex) lừa đảo sử dụng ví điện tử vào mục đích phi pháp khiến cơ quan chức năng lo ngại.

Theo đánh giá của NHNN, mặc dù mang lại rất nhiều tiện ích, song ví điện tử cũng đang có dấu hiệu bị lợi dụng cho các hoạt động bất hợp pháp (đánh bạc online, cá độ bóng đá, lừa đảo chiếm đoạt tài sản…). Chính vì vậy, NHNN đang nghiên cứu sửa Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 theo hướng bổ sung 4 nhóm đối tượng rủi ro cao vào diện bắt buộc báo cáo, trong đó có trung gian thanh toán.

Được biết, dù Luật Phòng chống rửa tiền năm 2012 chưa đưa các trung gian thanh toán vào đối tượng báo cáo, song do đánh giá rủi ro cao của ví điện tử, NHNN từ lâu đã yêu cầu các trung gian thanh toán phải thực hiện quy định nội bộ về phòng chống rửa tiền. Tuy vậy, việc chính thức đưa vào đối tượng phải báo cáo theo luật sẽ giúp các trung gian thanh toán nâng cao hơn trách nhiệm giám sát của mình.

Theo đại diện NHNN, ví điện tử đang có dấu hiệu bị lợi dụng trong nhiều hoạt động bất hợp pháp. Minh chứng là liên tiếp các đường dây đánh bạc bị triệt phá gần đây đều sử dụng ví điện tử. Vì vậy, các ví điện tử cần nghiêm túc nhìn lại chính mình xem việc tuân thủ pháp luật đã tốt hay chưa, đã nhận rõ hết các rủi ro hay chưa.

Ví điện tử từ lâu đã được Lực lượng Đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF) nhận định có tính rủi ro rất cao, đồng thời khuyến nghị các quốc gia cần đưa các tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán (đặc biệt là cung ứng dịch vụ ví điện tử) vào danh sách đối tượng phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về phòng chống rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Thực tế, hiện nay, các quy định về ví điện tử của NHNN đã tương đối thông thoáng, nên ví điện tử mới có tốc độ phát triển như vũ bão thời gian qua. Thống kê của NHNN cho thấy, hiện cả nước có  90 triệu tài khoản ví.

Như vậy, quy mô tài khoản ví đã lớn gấp đôi quy mô khách hàng của một ngân hàng cỡ lớn. Hơn nữa, tốc độ tăng trưởng của ví điện tử những năm qua thường lên tới 3 con số, cao hơn rất nhiều lần so với tăng trưởng của thẻ ngân hàng, giao dịch Internet banking. Đáng nói là, trên 90% ví điện tử đã có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.  

Rửa tiền: Ví điện tử, tiền ảo, cho vay P2P, cầm đồ vào tầm ngắm
Tiềm ẩn rủi ro, song vẫn bị "lọt lưới", các đối tượng trên đang được Ngân hàng Nhà nước đề nghị bổ sung vào danh sách đối tượng phải...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư