Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 19 tháng 04 năm 2024,
Rốt ráo xử lý, nợ xấu vẫn phình
Vân Linh - 19/07/2014 09:03
 
Tính đến nay, Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đã mua lại trên 50.000 tỷ đồng nợ xấu của các ngân hàng thương mại, song tình hình nợ xấu của hệ thống ngân hàng vẫn chưa có chuyển biến tích cực.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
VAMC sẽ bán nợ bằng đàm phán tay đôi?
Nhà đầu tư nước ngoài rục rịch mua nợ xấu
VAMC mua 100.000 tỷ đồng nợ xấu
Lãnh đạo VAMC than ít quyền hành để bán nợ
VAMC giảm lãi suất cho một số khoản nợ xấu

Tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại vẫn cao, đáng chú ý là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) chiếm phần lớn trong tổng nợ xấu. 

  VAMC đã mua 50.721 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng  
  VAMC đã mua 50.721 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng  

Trong 6 tháng đầu năm 2014, VAMC đã mua được 11.414 tỷ đồng nợ xấu từ các tổ chức tín dụng. Còn nếu tính từ khi bắt đầu mua nợ (từ ngày 11/10/2013 đến ngày 1/7/2014), VAMC đã mua 50.721 tỷ đồng nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Được biết, VAMC đang chuẩn bị ký hợp đồng mua khoảng 1.200 tỷ đồng của VietinBank và tổng giá trị trái phiếu đặc biệt phát hành là 900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, VAMC đã tổ chức cơ cấu các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, gồm 112 khách hàng, với số tiền là 9.071 tỷ đồng.

Theo số liệu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Chi nhánh TP.HCM công bố, đến cuối tháng 3/2014, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại trên địa bàn giảm còn 44.700 tỷ đồng, chiếm 4,7% tổng dư nợ. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6/2014, nợ xấu tại các ngân hàng thương mại lại tăng lên mức 4,84%, cho dù đã xử lý được 6.600 tỷ đồng nợ xấu.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, ngoài 6.000 tỷ đồng nợ xấu đã được bán cho VAMC trong năm 2013, SCB tiếp tục rà soát và dự kiến từ nay đến cuối năm, sẽ bán tiếp 3.000 - 4.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp cho VAMC. 

“Cho dù đã bán lượng nợ xấu rất lớn, nhưng SCB vẫn phải trích dự phòng rủi ro 20% cho trái phiếu đặc biệt (do VAMC phát hành). Tính đến cuối năm 2013, SCB đã trích 3.000 tỷ đồng cho dự phòng rủi ro, nhưng trong 6 tháng đầu năm nay, con số này đã tăng thêm khoảng 100 tỷ đồng. Chủ trương của SCB là trích lập hết và đủ, nhằm đảm bảo an toàn, dù phải hy sinh lợi nhuận”, ông Văn cho biết.

Dự kiến, năm nay, VAMC sẽ có kế hoạch mua từ 70.000 tỷ đồng đến 100.000 tỷ đồng từ các ngân hàng thương mại. Do đó, NHNN Chi nhánh TP.HCM cũng đang yêu cầu các ngân hàng thương mại trên địa bàn tổng hợp các hồ sơ đầy đủ điều kiện để có thể bán nợ xấu cho VAMC một cách thuận lợi và nhanh nhất. 

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng cho biết, dự kiến trong năm nay, OCB có kế hoạch sẽ bán thêm 100 - 200 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

“Mục tiêu năm nay, OCB sẽ kiểm soát nợ xấu dưới 1%, thay vì mức dưới 3% của năm ngoái. Dự phòng rủi ro của OCB trong năm 2013 là khoảng 370 tỷ đồng. Chính điều này đã phần nào ảnh hưởng đến lợi nhuận thu về của ngân hàng năm qua và chỉ tiêu lợi nhuận OCB đưa ra cho năm nay cũng được tính toán ở mức 360 tỷ đồng, vì rủi ro tăng”, ông Tùng nói.

Đại diện nhiều ngân hàng thừa nhận, dù đã ra sức xử lý nợ xấu, nhưng nợ xấu vẫn có xu hướng tăng. Trong 5 tháng đầu năm, riêng khu vực TP.HCM đã xử lý được trên 6.000 tỷ đồng nợ xấu, nhưng thu bằng tiền mặt chỉ được hơn 300 tỷ đồng, bởi thủ tục phát mãi tài sản nhiêu khê và ngân hàng không thể phát mãi được tài sản đảm bảo. Trong khi đó, việc bán nợ xấu cho VAMC hiện cũng không thể giải quyết triệt để tận gốc nợ xấu, ngân hàng phải trích 20% dự phòng, nhưng nếu sau 5 năm các khoản nợ xấu đó chưa được xử lý, thì ngân hàng sẽ phải nhận lại.

Theo TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, để xử lý được nợ xấu, cũng cần phải có thị trường mua - bán nợ và có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, thì VAMC mới có thể nhanh chóng xử lý được nợ xấu.

Nợ xấu tăng khiến dòng chảy tín dụng vốn đã bị nghẽn vì sức mua yếu, lại còn gặp khó khăn hơn. Tính tới cuối tháng 6/2014, tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt 3,52%.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, hoạt động của ngân hàng thương mại vẫn chịu ảnh hưởng từ nợ xấu, nợ quá hạn, đặc biệt là nợ quá hạn trong lĩnh vực bất động sản và doanh nghiệp nhà nước.

“Hướng mua lại nợ xấu của các ngân hàng mà VAMC đang triển khai được xem là một biện pháp hữu hiệu, song chưa làm giảm được nợ quá hạn cũng như chưa giải quyết triệt để nợ xấu sau khi bán, mà mới chỉ kéo giãn nợ. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu của ngân hàng năm 2014”, ông Sơn nhận định.

Đừng lo khi bán nợ xấu bằng 30 - 40% giá trị

Đừng lo khi bán nợ xấu bằng 30 - 40% giá trị

() Việc tham gia đầu tư gián tiếp thông qua thị trường mua bán nợ xấu đang được nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm. Phóng viên Báo Đầu tư trao đổi với ông Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) về vấn đề này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư