Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 27 tháng 04 năm 2024,
“Rủng rỉnh” nghìn tỷ tiền mặt, Hóa chất Đức Giang chi 635 tỷ M&A doanh nghiệp phốt pho
Thanh Thủy - 14/04/2023 08:56
 
Sau thương vụ mua lại 51% doanh nghiệp pin, Hóa chất Đức Giang tiếp tục M&A toàn bộ 100% vốn đơn vị sở hữu lò phốt pho vàng với công suất 9.800 tấn/năm từ Tập đoàn Nam Tiến.

Ngày 13/04, Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã DGC-sàn HOSE) đã thông qua chủ trương mua 36,3 triệu cổ phiếu, tương đương 100% cổ phần của CTCP Phốt pho 6.

Công ty dự kiến thực hiện thương vụ trong quý II/2023 với giá trị mua lại là 635 tỷ đồng. Hóa chất Đức Giang cho biết mục đích mua lại Phốt pho 6 là để tạo chuỗi sản phẩm chế biến sâu cho các sản phẩm acid phosphoric, STPP (Na5P3O10), SHMP (NaPO3)… Ngoài ra là ổn định thị trường xuất khẩu phốt pho, và làm tăng doanh thu, lợi nhuận cho Tập đoàn.

Công ty Phốt pho 6 có vốn điều lệ 363 tỷ đồng, trụ sở tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, tỉnh Lào Cai. Công ty đang sở hữu 1 lò phốt pho vàng với công suất 9.800 tấn/năm.

Doanh nghiệp này chỉ vừa mới thành lập vào tháng 4/2023. Tuy nhiên, dự án nhà máy sản xuất Photpho vàng trên đã đi vào hoạt động từ năm 2014. Đây là dự án do Tập đoàn Nam Tiến đầu tư và mang lại doanh thu hàng năm đạt trên 600 tỷ đồng hàng năm, theo giới thiệu của Nam Tiến về dự án này.

Hiện tại, nhà máy phốt pho vàng lớn nhất của Đức Giang là nhà máy công suất 40.000 tấn/năm thuộc Công ty TNHH MTV Hóa chất Đức Giang Lào Cai. Đây cũng chính là đơn vị được ủy quyền đứng ra mua lại 100% vốn công ty Phốt pho 6. Ngoài ra, CTCP Phốt pho Apatit Việt Nam - công ty con do Đức Giang nắm 51% vốn cũng sở hữu 2 dây chuyền sản xuất phốt pho vàng với công suất thiết kế mỗi dây chuyền là 10.000 tấn/năm.

So với mục tiêu sản xuất 58.900 tấn phốt pho (cả xuất khẩu lẫn nội địa) đặt ra tại cuộc họp ĐHĐCĐ 2023, công suất của Phốt pho 6 tương đương 16% con số này.

Hoạt đọng M&A đã diễn ra sôi động tại Hóa chất Đức Giang ngay từ đầu năm. Trước đó, công ty đã hoàn tất mua hơn 3,44 triệu cổ phiếu TSB, tương đương 51% cổ phần của CTCP Ắc quy Tia Sáng (Tibaco) với mức giá 135 tỷ đồng.

Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức ngày 29/3, ông Đào Hữu Huyền - Chủ tịch Hóa chất Đức Giang tiết lộ về kế hoạch sản xuất pin lithium, sản phẩm quan trọng trong lĩnh vực xe điện khi quyết định đầu tư vào Tibaco. Theo vị chủ tịch này, Việt Nam không có lithium nên đang phải nhập lithium từ Trung Quốc và các nước khác. Hóa chất Đức Giang thậm chí đã chuẩn bị sẵn nhân sự tại mảng này và sẽ bắt tay làm từ quý II/2023.

Hóa chất Đức Giang có lợi thế lớn trong các thương vụ M&A do đang sở hữu nguồn lực dồi dào. Tính riêng lượng tiền mặt và tiền gửi kỳ hạn dưới 3 tháng, công ty có sẵn 1.535 tỷ đồng, theo số liệu cập nhật đến cuối năm 2022. Cùng đó, doanh nghiệp này còn có 7.471 tỷ đồng tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm.  

Hóa chất Đức Giang vừa bước qua năm 2022 “đại thắng”. Doanh thu lần đầu tiên vượt 15.000 tỷ đồng, nguyên nhân do giá phân bón tăng cao, giá phốt pho vàng tăng cao và công trường 25 đi vào khai thác, vì nhu cầu tăng cao nên công ty đã duy trì các nhà máy vượt công suất. 

Tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, cổ đông còn quyết định điều chỉnh tỷ lệ cổ tức năm 2022 từ 30% lên 40%. Như vậy, ngoài cổ tức 30% đã tạm ứng, cổ đông Hóa chất Đức Giang còn có thêm cổ tức 10%. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 13/04. Cổ tức sẽ về tài khoản cổ đông ngay vào ngày 27/04.

Nỗi khổ của cổ đông “đu đỉnh” cổ phiếu Hóa chất Đức Giang
Cổ phiếu DGC của Công ty cổ phần Tập đoàn Hóa chất Đức Giang giảm 60,2% so với mức đỉnh, nhưng thay vì mua vào để hỗ trợ tâm lý cho nhà đầu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư