Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 17 tháng 04 năm 2024,
Samsung hoàn thiện bức tranh đầu tư chiến lược
Nguyên Đức - 23/12/2022 08:48
 
Với việc chính thức khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội, Samsung đã hoàn thiện bức tranh đầu tư chiến lược tại Việt Nam.
Trung tâm R&D của Samsung tại Việt Nam có tổng vốn đầu tư 220 triệu USD

Giữ trọn lời hứa

Hôm nay (23/12), theo kế hoạch, Samsung chính thức khánh thành Trung tâm R&D tại Việt Nam. Với tổng vốn đầu tư 220 triệu USD, tọa lạc tại Khu đô thị Tây Hồ Tây, Trung tâm R&D của Samsung được thiết kế với 16 tầng nổi và 3 tầng hầm, tổng diện tích xây dựng là 11.603 m2, còn diện tích sàn là 79.511 m2, đủ chỗ cho hàng ngàn kỹ sư làm việc.

Được khởi công xây dựng từ tháng 3/2020, vào thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, Samsung đã rất nỗ lực để “giữ trọn lời hứa” với Chính phủ Việt Nam.

Thi công trong điều kiện dịch bệnh, nhưng tiến độ công trình luôn đảm bảo. Tháng 10/2020, công trình hoàn thiện thi công phần móng. Tháng 4/2021, công trình đạt 30% kế hoạch và bắt đầu tiến hành thi công kết cấu phần nổi. Tháng 9/2021, hoàn thành 50% khối lượng công việc. Tháng 5/2022, hoàn thành 70% khối lượng công việc. Và nay, những ngày cuối năm 2022, chính thức hoàn thành Dự án để đưa vào hoạt động.

Đó cũng chính là lời hứa mà Samsung đã cam kết với Chính phủ Việt Nam ngay từ khi bắt đầu triển khai xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị di động đầu tiên tại Bắc Ninh: đầu tư chiến lược cho các hoạt động nghiên cứu và triển khai (R&D) tại Việt Nam.

Thực tế, ngay từ khi bắt đầu đầu tư lớn vào Việt Nam (năm 2008), Samsung đã xác định đầu tư nghiêm túc và bài bản cho các hoạt động R&D. Ban đầu, hoạt động R&D được thực hiện tại nhà máy ở Bắc Ninh, sau đó, tới năm 2012, “chuyển” sang Trung tâm R&D điện thoại di động Samsung Việt Nam (Samsung Vietnam Mobile R&D Center - SVMC), đặt tại trụ sở đi thuê (Tòa nhà PVI). Đầu năm 2020, Samsung đã thực sự “chơi lớn” khi quyết định xây “đại bản doanh” cho hoạt động R&D của mình tại Việt Nam.

Đây cũng là lần đầu tiên, Samsung triển khai xây dựng một tòa nhà riêng ở nước ngoài để phục vụ hoạt động R&D. Samsung, có thể nói, cũng là doanh nghiệp nước ngoài đầu tiên xây dựng hẳn một tòa nhà quy mô lớn để phục vụ các hoạt động R&D tại Việt Nam. Ngoài Samsung, một số doanh nghiệp nước ngoài khác cũng bắt đầu có các hoạt động R&D tại Việt Nam, nhưng đều ở quy mô nhỏ, chứ chưa thực sự ở tầm chiến lược như Samsung.

Việt Nam, đã từ lâu, luôn mong muốn đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực R&D, bởi đó là hoạt động đầu tư mang tính “thượng nguồn”. Khi các hoạt động R&D được thúc đẩy tại Việt Nam, cũng có nghĩa Việt Nam đã thành công trong việc chuyển hướng chiến lược sang hợp tác đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ nguồn…

Bởi thế, việc Samsung chính thức đưa Trung tâm R&D quy mô lớn đi vào hoạt động không chỉ mang ý nghĩa chiến lược đối với các hoạt động đầu tư tại Việt Nam của Samsung, mà còn có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam, cũng như quan hệ hợp tác song phương Việt Nam - Hàn Quốc.

Ngày hôm qua (22/12) là cột mốc quan trọng đánh dấu 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc. Còn ngày 31/12/2022 là vừa tròn 35 năm, Việt Nam thu hút đầu tư nước ngoài. Trung tâm R&D mới của Samsung, chính vì thế, như là một “món quà lớn” cho những ngày kỷ niệm đặc biệt này.

Từ cứ điểm sản xuất đến cứ điểm chiến lược về R&D

Samsung, sau khi đầu tư nhà máy thiết bị di động 670 triệu USD tại Bắc Ninh vào năm 2008, đã liên tục mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Đến nay, Samsung vẫn vững vàng ở vị trí nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam, với 6 nhà máy tại 3 tổ hợp công nghệ cao ở Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, tổng vốn đầu tư vào cuối năm ngoái là 18,2 tỷ USD.

Hiện tại, hơn 50% thiết bị di động của Samsung trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam.

Dấu ấn đầu tư của Samsung tại Việt Nam lại một lần nữa đậm nét hơn khi trong chuyến thăm Việt Nam vào đầu tháng 8/2022, ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử, đã chia sẻ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính rằng, trong năm 2022, sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam.

Trên thực tế, vào thời điểm đó, một phần của cam kết đầu tư này đã được hiện thực hóa, bao gồm 1,187 tỷ USD cho nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên và 841 triệu USD cho Samsung Complex HCMC (SEHC). Với việc có thêm các khoản đầu tư này, đến nay, tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đã vượt 20 tỷ USD.

Như vậy, “đại kế hoạch” đầu tư khoảng 20 tỷ USD vào Việt Nam, được nhắc tới ít năm trước đây, đã được hiện thực hóa và Samsung sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất. Qua đó, Samsung tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho kinh tế - xã hội Việt Nam.

Tại cuộc gặp với Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại Hàn Quốc mới đây, Phó chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Samsung Electronics Han Jong-hee cũng đã một lần nữa nhấn mạnh kế hoạch đầu tư mở rộng tại Việt Nam.

Thậm chí, quan trọng hơn, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Roh Tae-Moon còn cho biết, Samsung cũng đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết để bắt đầu sản xuất linh kiện bán dẫn tại Việt Nam. Đó là một thông tin rất có ý nghĩa, bởi bán dẫn là lĩnh vực thế mạnh thứ ba của Samsung, bên cạnh thiết bị di động, điện tử gia dụng, mà Việt Nam đang mong muốn Samsung đẩy mạnh đầu tư.

Khi hàng loạt kế hoạch đầu tư được triển khai, Samsung đã thực sự biến Việt Nam trở thành “cứ điểm sản xuất” của mình. Hiện tại, hơn 50% thiết bị di động của Samsung trên toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam.

Nhưng không chỉ là cứ điểm sản xuất, theo ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, việc hoàn thành Trung tâm R&D đã thể hiện ý chí của Samsung trong quyết tâm đưa Việt Nam vượt qua vai trò là “cứ điểm sản xuất” để trở thành “cứ điểm chiến lược về R&D” của Samsung trên toàn cầu.

Sẽ có nhiều hoạt động R&D đáng chú ý được Samsung thực hiện tại Việt Nam, không chỉ trong lĩnh vực phát triển sản phẩm, mà còn ở các lĩnh vực nghiên cứu công nghệ tương lai như trí tuệ nhân tạo (AI), mạng 5G…

Một tương lai mới, một chặng đường phát triển mới tại Việt Nam đang mở ra với Samsung. Chắc hẳn, sẽ còn có các hoạt động chiến lược khác được Samsung đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới.

Rất hứa hẹn, bởi nhiều nguồn tin cho biết, ông Lee Jae Yong, Chủ tịch Tập đoàn Samsung sẽ tới Việt Nam trong dịp này. Rất có thể, sẽ có thêm những cam kết mới được đưa ra. Chí ít, sự có mặt của Chủ tịch Lee Jae Yong tại Việt Nam cũng góp phần quan trọng khẳng định vị trí chiến lược trong “bản đồ” đầu tư của Samsung trên toàn cầu.

Giữ vững cam kết đầu tư lâu dài, Samsung tiếp tục tuyển dụng lớn nhân sự
Samsung vừa tổ chức kỳ thi GSAT thứ 3 trong năm 2022, nhằm bổ sung nhân lực chất lượng cao cho các nhà máy tại Việt Nam, đặc biệt là Trung tâm R&D, sẽ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư