Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Samsung, xin cảm ơn!
Nguyên Đức - 26/01/2023 08:44
 
Lại một lần nữa phải nói lời cảm ơn với Samsung, bởi những đóng góp to lớn của nhà đầu tư này với kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt trong việc đưa Việt Nam từ một cứ điểm sản xuất trở thành một cứ điểm chiến lược về R&D trên toàn cầu.
Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong (bìa phải) thăm Nhà máy Samsung Việt Nam
Chủ tịch Tập đoàn Samsung Lee Jae-yong (bìa phải) thăm Nhà máy Samsung Việt Nam

Năm “đặc biệt” của Samsung

Một ngày cuối năm 2022, một sự kiện đặc biệt đã diễn ra trong sự hồ hởi, mong chờ của không chỉ hơn 100.000 nhân viên Samsung Việt Nam, mà còn cả của Chính phủ và các cơ quan chức năng Việt Nam. Đó là Samsung - nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam hiện nay - đã chính thức khánh thành Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D), quy mô 220 triệu USD.

Như vậy là chiến thắng đại dịch, Samsung đã giữ trọn lời hứa với Chính phủ Việt Nam, lời hứa sẽ đầu tư chiến lược cho các hoạt động R&D tại Việt Nam.

Ngay khi Trung tâm R&D mới hoàn tất việc xây dựng, nhân sự của Trung tâm R&D điện thoại di động Samsung Việt Nam (Samsung Vietnam Mobile R&D Center - SVMC), đang được đặt tại trụ sở đi thuê, bắt đầu rục rịch chuyển về “đại bản doanh” mới của mình.

Hồ hởi dọn về “nhà mới”, Nguyễn Văn Thịnh, Trưởng bộ phận Phát triển phần mềm Samsung Việt Nam, cho biết, nếu như lần đầu tiên chuyển văn phòng từ Bắc Ninh lên Hà Nội là sự mừng vui và hạnh phúc, thì lần này là sự hãnh diện và tự hào.

“Là một nhân viên Samsung, tôi rất tự hào khi công ty mình sẽ vận hành Trung tâm R&D mới với trang thiết bị hiện đại bậc nhất. Tôi tin rằng, Samsung R&D Việt Nam sẽ là nơi làm việc lý tưởng, thu hút nhân tài khắp đất nước. Cá nhân tôi cũng rất mong muốn được làm việc với những bạn trẻ đầy tài năng đó”, Nguyễn Văn Thịnh nói.

Sau 15 năm có mặt tại Việt Nam, Samsung không chỉ góp phần quan trọng đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà giờ đây, còn đang bắt đầu “kéo” Việt Nam vào “sân chơi” R&D toàn cầu.

Là người đã gắn bó với Trung tâm R&D điện thoại di động Samsung Việt Nam từ những ngày đầu thành lập, nên Nguyễn Văn Thịnh đã hai lần “chuyển nhà”. Bởi ban đầu, hoạt động R&D được thực hiện tại nhà máy ở Bắc Ninh, sau đó, tới năm 2012, chuyển về văn phòng đi thuê ở Tòa nhà PVI (Hà Nội). Chỉ khi Samsung “chơi lớn”, quyết định lần đầu tiên xây dựng một tòa nhà quy mô lớn ở nước ngoài để phục vụ hoạt động R&D, Thịnh và các đồng nghiệp mới có một “cơ ngơi riêng” hiện đại và tuyệt vời như thế này.

Nguyễn Văn Thịnh cũng vừa đón nhận những kỹ sư mới vào làm việc tại Trung tâm R&D. Đây là những kỹ sư vừa được tuyển dụng thông qua các kỳ thi GSAT (Global Samsung Aptitude Test), được Samsung tổ chức trong năm 2022.

Nhằm tìm kiếm và nuôi dưỡng nguồn nhân lực kế thừa đảm bảo cho quá trình phát triển bền vững tại Việt Nam, từ năm 2011, Samsung Việt Nam thường niên tổ chức tuyển dụng trên quy mô lớn, với tần suất 2 lần trong một năm. Nhưng riêng năm 2022, không phải 2, mà Samsung đã tổ chức tới 3 kỳ tuyển dụng quy mô lớn.

Lần thứ ba, tổ chức hồi cuối tháng 11/2022, là nhằm chuẩn bị cho kế hoạch vận hành Trung tâm R&D mới, cũng như chuẩn bị nguồn nhân lực cho các hoạt động R&D các dự án mới của Samsung SDS…

Ông Choi Joo Ho, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam chia sẻ: “Năm 2022 là một năm đặc biệt với Samsung. Đây không chỉ là năm đầu tiên Samsung tổ chức liên tiếp 3 kỳ thi tuyển dụng quy mô lớn, mà còn là năm Tập đoàn thực hiện các kế hoạch mở rộng đầu tư và phát triển mới của mình”.

Đúng là một năm đặc biệt với Samsung, bởi đã 5 năm kể từ sau khi Samsung Display dốc thêm 2,5 tỷ USD để nâng vốn đầu tư của dự án tại Bắc Ninh lên 6,5 tỷ USD, Samsung không đưa ra thêm khoản cam kết đầu tư lớn nào khác, mặc dù các hoạt động sản xuất - kinh doanh vẫn được đẩy mạnh và hàng năm vẫn duy trì đầu tư bổ sung hàng trăm triệu USD nhằm mục tiêu ổn định vận hành nhà máy, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

Nhưng năm 2022 là một câu chuyện rất khác. Ngay từ đầu năm, Samsung Electro-Mechanics đã tăng vốn đầu tư thêm 920 triệu USD, sau đó tăng tiếp 267 triệu USD. Còn Samsung Complex HCMC - SEHC cũng đã tăng vốn thêm 841 triệu USD…

“Năm 2022, Samsung sẽ đầu tư thêm 3,3 tỷ USD vào Việt Nam”, ông Roh Tae-Moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Điện tử, trong chuyến viếng thăm Việt Nam vào đầu tháng 8/2022 đã chia sẻ với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính như vậy.

Hơn 2 tỷ USD trong số này đã được hiện thực hóa, phần còn lại sẽ sớm được Samsung đầu tư, đưa tổng vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam vượt ngưỡng 20 tỷ USD. Đại kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD vào Việt Nam của Samsung, đã được nhắc đến cách đây ít năm, cuối cùng đã được hiện thực hóa.

Và “món quà” đặc biệt cho Việt Nam

Năm 2023 này sẽ đánh dấu cột mốc 15 năm Samsung đầu tư lớn tại Việt Nam, kể từ khi nhà máy sản xuất điện thoại di động 670 triệu USD ở Bắc Ninh đi vào hoạt động năm 2008. Hơn 1 thập kỷ vừa qua, thật khó để kể hết những đóng góp to lớn của Samsung cho kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt trong thúc đẩy xuất khẩu, tái cơ cấu sản xuất, giải quyết việc làm…

Chỉ một ví dụ: Năm 2021, vượt qua những khó khăn do dịch Covid-19, Samsung Việt Nam đã đóng góp cho Việt Nam trên 65,5 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu. Giữa lúc kinh tế Việt Nam chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch bệnh, những gì mà Samsung làm được, đã góp phần quan trọng tạo động lực để nền kinh tế “vượt bão” thành công.

Nhưng hơn cả các con số, sự xuất hiện của Samsung tại Việt Nam đã từng được các chuyên gia kinh tế đánh giá rất cao. Thậm chí, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên đã từng nói rằng, với Samsung, nên đặt họ ở vị trí như một đối tác chiến lược quốc gia, với hàm ý rằng, sự xuất hiện của Samsung sẽ không chỉ giúp tăng năng lực sản xuất, mà quan trọng hơn, tạo ra các trục ngành kinh tế và “kéo” Việt Nam lên một bước phát triển cao hơn.

Mà đúng như thế, trước khi Samsung đến, không ai nghĩ rằng, Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất thiết bị di động và điện tử lớn hàng đầu thế giới hiện nay. Không riêng Samsung từng bước biến Việt Nam thành cứ điểm sản xuất toàn cầu và kéo Việt Nam bước lên nấc thang cao hơn của chuỗi giá trị, mà nhiều “ông lớn” công nghệ khác, như LG, như Apple, như Intel… cũng vậy!

Nhưng không chỉ là cứ điểm sản xuất, theo chia sẻ của ông Choi Joo Ho, việc hoàn thành Trung tâm R&D mới đây đã thể hiện ý chí của Samsung trong quyết tâm đưa Việt Nam trong tương lai gần sẽ trở thành “cứ điểm chiến lược về R&D” của Samsung trên toàn cầu.

Ông Roh Tae-Moon khi tham dự Lễ khánh thành Trung tâm R&D cũng cho biết, Samsung sẽ nâng cao năng lực chuyên môn và mở rộng lĩnh vực phát triển để nơi đây không chỉ trở thành Trung tâm R&D hàng đầu khu vực Đông Nam Á, mà còn là trung tâm R&D số 1 toàn cầu.

“Samsung cũng sẽ tăng cường lực lượng nghiên cứu của Trung tâm R&D để các sản phẩm và dịch vụ được phát triển tại Việt Nam có thể được đưa đến với người tiêu dùng trên toàn cầu, chứ không chỉ dừng lại ở hoạt động phát triển tập trung vào khu vực Đông Nam Á như hiện nay”, ông Roh Tae-Moon nói.

Đó thực sự là một tin mừng, một món quà lớn cho Việt Nam, đúng vào thời điểm Việt Nam vừa kết thúc hành trình 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), để bước vào một hành trình mới, với những kỳ vọng to lớn hơn về chất lượng dòng vốn, về những đóng góp to lớn hơn của khu vực FDI đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, đặc biệt là trong “nâng chất” nền kinh tế.

“Đã qua rồi cái thời Việt Nam là cơ sở sản xuất giá rẻ cho các công ty toàn cầu”, tờ The Korea Herald của Hàn Quốc đã bình luận như vậy nhân sự kiện Chủ tịch Samsung đích thân sang Việt Nam khánh thành Trung tâm R&D. Tờ báo này thậm chí còn nhận định rằng, Trung tâm R&D mới chính là “đỉnh cao” của cam kết kéo dài hàng thập kỷ của Samsung đối với Việt Nam.

Sau 15 năm có mặt tại Việt Nam, Samsung không chỉ góp phần quan trọng đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu, mà giờ đây, còn đang bắt đầu “kéo” Việt Nam vào “sân chơi” R&D toàn cầu. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong bối cảnh Việt Nam đang coi đổi mới sáng tạo là một trong những động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế và đang nỗ lực xây dựng Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, với kỳ vọng sẽ biến nơi đây thành “cái nôi” nghiên cứu, sáng tạo của khu vực và thế giới…

Có một câu chuyện thú vị được kể. Cách đây ít năm, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Trung (hiện đã nghỉ hưu - PV) đã tới SEVT để trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho công ty này.

Lúc ấy, một bài phát biểu đã được chuẩn bị sẵn. Nhưng sau khi nghe báo cáo về kết quả sản xuất - kinh doanh của SEVT, thì ông bảo, ông không còn… “đủ bản lĩnh” để đọc bài phát biểu ấy nữa. “Bởi vì, những gì Samsung làm được thật tuyệt vời. Chúng tôi xin được thay mặt Việt Nam cảm ơn các bạn. Những gì Samsung đóng góp không bằng khen nào có thể ghi hết được”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Trung đã nói thế.

Lời cảm ơn đó, đến bây giờ, sau hành trình 15 năm Samsung ở Việt Nam, có lẽ, còn sâu sắc hơn nữa. Bởi những gì mà Samsung đã và đang làm được cho Việt Nam, đặc biệt trong năm 2022 vừa qua, là rất lớn.

Vì thế, lại một lần nữa muốn nói rằng: “Samsung, xin cảm ơn!”.

Tầm nhìn về phát triển nhân sự của Samsung tại thị trường Việt Nam
Tại Samsung, con người là yếu tố quan trọng nhất. Vì vậy, các hoạt động hướng đến nhân viên luôn được quan tâm, đầu tư. Đó là bí quyết...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư