Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sân bay Long Thành: Quốc hội hãy ra đề bài cho Chính phủ
Quang Hưng - 14/11/2014 20:16
 
().Tiếp tục chương trình làm việc Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIII, chiều nay (14/11), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Sân bay Long Thành: Cần nhưng chưa đủ
Bỏ sân golf, sân bay Tân Sơn Nhất vẫn ổn
Xây sân bay Long Thành: Thiên thời - địa lợi - nhân hòa
Đầu tư Sân bay Long Thành cần thiết chứ chưa cấp thiết
  Cảng hàng không quốc tế Long Thành  
  Sân bay Long Thành có khái toán tổng mức đầu tư  giai đoạn 1 khoảng 7,837 tỷ USD (tương đương 164.589 tỷ đồng)  

So với thời điểm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng đọc Tờ trình về chủ trương đầu tư sáng ngày 29/10/2014 tại Hội trường Quốc hội, ý kiến ủng hộ và đồng tình từ phía các đại biểu trong buổi thảo luận tại hội trường chiều nay (14/11) đã nhiều hơn.

Theo Đại biểu Nguyễn Phi Thường (TP. Hà Nội), dự án đầu tư Cảng hàng không quốc tế Long Thành vừa cần thiết, vừa cấp thiết. Theo đại biểu này, dự án cần thiết vì đất nước 90 triệu dân đang trong quá trình phát triển, hội nhập sâu với kinh tế quốc tế, không thể không có dự án cảng hàng không quốc tế quy mô. Lựa chọn địa điểm Long Thành là hợp lý vì dự án sẽ tạo động lực kích hoạt vùng kinh tế trọng điểm Nam bộ.

Đại biểu của TP. Hà Nội cho rằng, dự án cấp thiết vì hàng không quốc tế đang bùng nổ, hàng không Việt Nam phát triển 2 con số. Nếu không có cảng hàng không trung chuyển thì hàng không nội địa không thể phát triển. Trong khi đó, khả năng mở rộng của Tân Sơn Nhất là bất khả thi vì sân bay nằm giữa thành phố. Mở rộng Tân Sơn Nhất phải làm mới hệ thống hạ tầng đô thị phục vụ sân bay; trong khi vùng bay Tân Sơn Nhất bị chồng lấn bởi một số vùng bay khác như sân bay quân sự Biên Hòa.

“Nếu không đầu tư thì vùng kinh tế trọng điểm phía Nam không thể phát triển. Quốc hội có thể ra đề bài cho Chính phủ, lập báo cáo nghiên cứu khả thi, làm rõ chủ trương đầu tư để Quốc hội cho ý kiến vào vào kỳ họp thứ 9 sắp tới”, đại biểu Nguyễn Phi Thường kiến nghị.

Đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (tỉnh Nam Định) thì cho rằng, “trên cơ sở xem xét báo cáo đầu tư và báo cáo giải trình của Chính phủ về dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tôi đồng tình với sự cần thiết nước ta phải xây dựng một cảng hàng không quốc tế có quy mô tầm cỡ trong khu vực nhằm phục vụ chiến lược phát triển vận tải hàng không Việt Nam và đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không hiện tại khi mà cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đã quá tải, không thể nâng cấp và mở rộng được nữa”, đại biểu Nga nói.

Theo vị đại biểu của tỉnh Nam Định, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sau khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ là cú hích, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho vùng Đông Nam Bộ nói riêng và cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, không chỉ trong hiện tại mà trong cả tương lai. Trước mắt, dự án góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế vì khi cảng hàng không quốc tế hoạt động thì lưu lượng vận chuyển hàng hóa và hành khách sẽ nhiều, thúc đẩy các ngành dịch vụ và các ngành kinh tế khác phát triển. “Tôi đề nghị Quốc hội nên thông qua chủ trương đầu tư xây dựng dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và giao Chính phủ lập dự án nghiên cứu khả thi, đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án”, đại biểu Nga nói!

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (tỉnh Lạng Sơn) cũng hoàn toàn ủng hộ dự án đầu tư xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành, tuy nhiên, về phương án chính sách tái định cư cần được tính toán khảo sát kỹ càng. Cùng với việc đầu tư xây dựng dự án, đề nghị Bộ Giao thông vận tải đổi mới mạnh mẽ dịch vụ hàng không để thu hút du khách đến Việt Nam.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (tỉnh Quảng Bình) phân tích, trong xu thế hội nhập mở rộng hội nhập, cảng hàng không quốc tế chiếm vị trí vô cùng quan trọng, là động lực để phát triển kinh tế xã hội. Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành là đầu tư sinh lời, sân bay đủ điều kiện tốt hơn để phát triển nguồn thu, thu hút khách du lịch, mở rộng thị trường, tạo cơ hội thiết yếu, quan trọng để điều chuyển hàng hóa và tăng thêm thu nhập trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) thì trăn trở trong từng câu chữ: “Khi cân nhắc về việc đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành làm hay không làm là điều rất khó khăn. Nếu làm mà không hiệu quả thì có tội với đất nước. Nếu không làm, sau này Sân bay Tân Sơn Nhất quá tải, cơ sở hạ tầng không đáp ứng, kinh tế không phát triển… thì trách nhiệm như thế nào(?)”!

Với tâm trạng như vậy, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành, với 1 người tham gia quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía Nam từ những năm 1990, tôi nghĩ rằng vùng kinh tế này bắt buộc phải có 1 sân bay quốc tế, không thể nào khác được.

“Với tất cả nguồn động lực và chủ trương quy hoạch phát triển vùng đô thị Thành phố Hồ Chí Minh đã được phê duyệt thì các đô thị vùng này, sân bay Long Thành là nối kết toàn bộ các chuỗi đô thị và hệ thống giao thông kết nối cũng theo quy hoạch đã và đang làm hiện nay. Trên tinh thần đó, TP. Hồ Chí Minh về giao thông đối ngoại không đặt ở Tân Sơn Nhất, đấy là vấn đề. Đó là lý do tại sao UBND TP. Hồ Chí Minh phát văn bản đề nghị là nên làm Long Thành, Tân Sơn Nhất không chịu được bởi vì nó không nằm trong hệ thống quy hoạch”, đại biểu Trần Du Lịch nói.

Là một trong số ít ỏi ý kiến không đồng tình với việc đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành vào thời điểm này, đại biểu Đại biểu Huỳnh Nghĩa (TP. Đà Nẵng) cho rằng:

“Về sự cần thiết phải xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, có lẽ trong chúng ta không ai không cảm thấy trăn trở mỗi khi đến sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất, những sân bay này không chỉ nhỏ hẹp về quy mô mà xót xa hơn là sự xuống cấp nghiêm trọng, chất lượng dịch vụ đáng xấu hổ, nhìn sang những sân bay trong khu vực không khỏi cảm thấy chạnh lòng. Do đó, việc xây dựng cảng hàng không xứng đáng, có tầm cỡ trong khu vực không chỉ là đòi hỏi chính đáng về việc tạo cơ sở hạ tầng cho tăng trưởng mà còn là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất và quan trọng nhất, theo đại biểu Nghĩa, là thời điểm xây dựng, nguồn vốn và yếu tố kỹ thuật của dự án.

“Chúng ta có nhiều kinh nghiệm chua xót về việc triển khai nhiều dự án lớn nhưng thiếu các phân tích phòng bị, thiếu các đánh giá khách quan, khoa học nên hiệu quả không như mong đợi. Theo tôi, phải xây dựng cảng hàng không quốc tế long thành nhưng chưa phải là thời điểm hiện nay bởi đây là dự án cần thiết nhưng chưa thật cấp thiết”, đại biểu Huỳnh Nghĩa nói.

Xem chi tiết tờ trình về chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại đây

Xem chi tiết báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư xây dựng dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại đây

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư