Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 28 tháng 09 năm 2024,
Sáng 30/9, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo phát triển kinh tế số Việt Nam
PV - 28/09/2024 10:48
 
Những động lực mới thúc đẩy kinh tế số Việt Nam, những xu hướng mới, cơ hội mới cho các ngành kinh tế và doanh nghiệp khi thương mại hoá 5G sẽ được thảo luận tại Hội thảo “Động lực phát triển kinh tế số Việt Nam” do Báo Đầu tư tổ chức sáng ngày 30/9.

Hội thảo dự kiến sẽ có sự tham gia của nhà hoạch định chính sách, chuyên gia đầu ngành, các tổ chức quốc tế, cùng cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.  

Hội nghị sẽ bao gồm các bài trình bày và các phiên thảo luận, tập trung thảo luận về phát triển hạ tầng số và hệ sinh thái số Việt Nam, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam

Kinh tế số Việt Nam đã đạt được những bước tiến trong thời gian vừa qua. Tỷ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực. Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của Việt Nam cao hơn so với Thái Lan (12,1%), Indonesia (8,3%), Philippines (6,9%), Singapore (17,3%), Malaysia (23,1%).

Việt Nam đặt mục tiêu tỷ trọng giá trị gia tăng của kinh tế số/GDP đến năm 2025 đạt 20%, đến năm 2030 đạt 30%.

Để phát triển kinh tế số ở Việt Nam thời gian tới, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp và hành động nhằm phát triển kinh tế số ở tầm chiến lược như: phát triển hạ tầng số; hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế số; hoàn thiện chính phủ điện tử, tiến tới chính phủ số; nâng cao kỹ năng số và nguồn nhân lực công nghệ thông tin; phát triển doanh nghiệp số; phát triển đột phá kinh tế số ngành, lĩnh vực thông qua các nền tảng số.

Chính phủ định hướng chuyển đổi số năm 2024 là: Phát triển kinh tế số với 4 trụ cột công nghiệp CNTT và Truyền thông, số hóa các ngành kinh tế, quản trị số, dữ liệu số, tạo ra động lực để phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Năm 2024 cũng sẽ là năm Việt Nam thương mại hóa, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp, tạo ra không gian phát triển mới cho các ngành kinh tế. Với tiềm năng ứng dụng và tạo giá trị mới đột phá cho nhiều ngành kinh tế, 5G là 1 hạ tầng số quan trọng với các nền kinh tế, thành tố quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế số, nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam để thu hút nhiều hơn nữa các nhà đầu tư công nghệ cao...

Theo ông Khánh Nguyễn, Phó chủ tịch Tiểu Ban Kỹ thuật số, EuroCham, Việc thương mại hóa 5G tại Việt Nam được dự đoán sẽ là động lực cho sự phát triển và chuyển đổi mạnh mẽ của nền kinh tế số của đất nước.

“Với khả năng kết nối vượt trội và tốc độ truyền tải dữ liệu cao, công nghệ 5G được kỳ vọng sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam bằng cách cải thiện kết nối và thúc đẩy sự bùng nổ của các thiết bị Internet Vạn Vật (IoT), qua đó sẽ thúc đẩy sự đổi mới trong các lĩnh vực như nông nghiệp, sản xuất, chăm sóc sức khỏe và thành phố thông minh. Nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của thương mại điện tử và mở ra các cơ hội kinh tế mới trong các dịch vụ kỹ thuật số và sáng tạo nội dung. Các ngành công nghiệp sản xuất sẽ được hưởng lợi từ các nhà máy thông minh và chuỗi cung ứng được tối ưu hóa, trong khi các dịch vụ công sẽ được cải thiện với những tiến bộ trong chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục. Nhìn chung, 5G sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy nền kinh tế và cơ sở hạ tầng của Việt Nam,” ông Khánh Nguyễn chia sẻ thêm.

“Để đạt được bước đột phá trong nền kinh tế số của Việt Nam, một số điều kiện then chốt là rất cần thiết. Hạ tầng vững mạnh, bao gồm kết nối internet tốc độ cao trên diện rộng, cơ sở hạ tầng số tin cậy như trung tâm dữ liệu và đầu tư vào 5G và các công nghệ mới nổi. Phát triển nguồn nhân lực cũng rất quan trọng, tập trung vào giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM), kỹ năng số, phát triển tài năng và khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Chính sách hỗ trợ của chính phủ có thể giúp bằng cách cung cấp các quy định rõ ràng về kinh tế số, giảm bớt rào cản hành chính, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và đầu tư vào các dịch vụ chính phủ số,” ông nhấn mạnh.

Theo Ngô Thanh Hải, Công ty Luật LNT & Partners, việc ứng dụng công nghệ 5G sẽ mang đến cơ hội cho nhiều doanh nghiệp, song các lĩnh vực có tiềm năng đẩy mạnh quá trình số hóa được củng cố bởi khung nền tảng pháp lý hiện hành của Việt Nam có thể kể đến như: ngân hàng, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ tài chính (Fintech), các doanh nghiệp kinh doanh sàn thương mại điện tử và các doanh nghiệp đưa hoạt động cung ứng hàng hóa, dịch vụ lên sàn thương mại. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn đó một số khó khăn, vướng mắc hiện nay của công cuộc chuyển đổi số quốc gia đòi hỏi có sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, doanh nghiệp, người dân trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội để kinh tế số Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu đề ra.

Hội thảo được kỳ vọng tạo cơ hội để các bên liên quan trao đổi, tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển của ngành, phát triển kinh tế số, cũng như kết nối cơ hội hợp tác giữa các doanh nghiệp.

Các diễn giả dự kiến tham gia thảo luận tại Hội thảo gồm:

1, Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Số, Xã hội số, Bộ Thông tin và Truyền thông

2, Ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông

3, Ông Remi Nguyen, Phó chủ tịch Tiểu ban Kỹ thuật số, EuroCham 

4, Ông  George Choo, Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Viễn thông và Công nghệ (Singapore)

5, Bà Rita Mokbel, Giám đốc Ericsson Việt Nam 

6, Ông Nguyễn Tuấn Huy, Trưởng ban Chuyển đổi số, Tổng công ty viễn thông MobiFone 

7, Ông Eric Yeo, Tổng giám đốc AWS Việt Nam

8, Ông Alejandro Osorio, Giám đốc điều hành, Grab Việt Nam

9, Ông Nguyễn Đình Tuấn, Thành viên Hội đồng thành viên, Tổng công ty viễn thông MobiFone

10, Ông Hoàng Viết Tiến, Phó tổng thư ký, Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA)

Kinh tế số, thương mại điện tử đã len lỏi vào mọi ngóc ngách của cuộc sống
Thương mại điện tử Việt Nam luôn duy trì đà tăng trưởng ấn tượng, giữ được tốc độ tăng trưởng cao và Việt Nam được ghi nhận có tốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư