Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 13 tháng 11 năm 2024,
Sắp có thêm đợt giảm lãi suất cho vay
Hà Tâm - 24/06/2023 09:31
 
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang chuẩn bị họp với các ngân hàng thương mại, vận động các ngân hàng tiết giảm chi phí, giảm mặt bằng lãi vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế.

Vốn ế, ngân hàng hạ sâu lãi suất tiết kiệm để “hãm” huy động vốn

Sau 4 đợt cắt giảm lãi suất điều hành của NHNN từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất huy động trên thị trường đã giảm rất mạnh. Theo khảo sát của Báo Đầu tư, giữa tuần này, lãi suất huy động tại nhóm ngân hàng big 4 kỳ hạn 1 - 2 tháng thấp nhất chỉ còn 3,4%/năm, lãi suất kỳ hạn 6 tháng chỉ từ 5%/năm và kỳ hạn cao nhất chỉ còn 6,3%/năm (kỳ hạn 12 - 18 tháng). Trong đó, lãi suất huy động thấp nhất thuộc về VietinBank. Trước đó, ông Trần Minh Bình, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, ngân hàng này lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 5/2023 và phải “hãm” huy động vốn.

Nhóm ngân hàng TMCP tư nhân cũng công bố giảm lãi suất 0,1-0,3%/năm tùy từng kỳ hạn. Lãi suất tiết kiệm 8%/năm hầu như biến mất.

Theo Phó thống đốc Đào Minh Tú, lãi suất tiền gửi bình quân của các ngân hàng thương mại ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022). Đáng lưu ý, hiện nay, thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào, kể cả các ngân hàng nhỏ. Đây cũng là một trong những lý do khiến lãi suất giảm sâu.

Mặc dù lãi suất giảm nhanh, nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng rất chậm. Tháng 2/2023, NHNN đã giao room tín dụng cho NHTM cả nước là 11%, theo định hướng cả năm 14-15%. Dù vậy, đến ngày 15/6, tín dụng mới chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.

“Hạn mức không thiếu, huy động vốn không thấp, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ sẵn sàng. Doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế cần vốn và đảm bảo khả năng trả nợ chắc chắn sẽ được vay vốn”, Phó thống đốc khẳng định.

Theo NHNN, tín dụng tăng chậm là do khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế rất yếu, bởi nhiều nguyên nhân, có từ ngân hàng, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới. Doanh nghiệp khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng. Sức mua cũng suy yếu dẫn tới nhu cầu vay vốn thấp.

Điều kiện vay sẽ không được nới lỏng 

Hiện nay, lãi suất huy động đang giảm nhanh hơn lãi suất cho vay. Lãi suất các khoản vay mới xoay quanh 10%/năm, song lãi suất với các khoản vay hiện hữu vẫn ở mức 12-13,5%/năm, do giá vốn các ngân hàng huy động cao đầu năm nay vẫn còn tồn kho. Tuy vậy, mặt bằng lãi suất cho vay được dự báo sẽ giảm mạnh hơn và rộng hơn vào quý tới.

Giảm lãi suất cho vay là mong muốn của người dân, doanh nghiệp. Theo quy luật cung cầu, giảm lãi suất sẽ phần nào kích thích nhu cầu về tín dụng. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, giảm lãi suất không phải là tất cả, mà cầu của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định. Hiện nay, khó khăn đang bủa vây doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng, thậm chí Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội cho biết, khoảng 50-60% hội viên đang phải thu hẹp sản xuất, nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh, vốn lưu động không thể tốt như trước đây.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc điều hành Economica Vietnam, chuyên gia kinh tế

Phó thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN sắp làm việc với ngân hàng thương mại, vận động giảm lãi suất huy động, tiết giảm chi phí để giảm lãi vay. "Lãi suất điều hành đã giảm thì các ngân hàng thương mại phải chia sẻ bằng việc chia sẻ lợi nhuận và giảm chi phí điều hành để giảm lãi suất cho vay", ông Tú nói. 

Cùng với việc vận động sự chia sẻ của các ngân hàng thương mại, NHNN cũng cho biết sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng để cho vay các chương trình đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ quá trình cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.

NHNN sẽ điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế nhằm góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng.

Đánh giá cao động thái giảm lãi suất 4 lần liên tiếp của NHNN, ông Trần Đức Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty TNHH Quốc tế Delta cho rằng, mặt bằng lãi vay chắc chắn sẽ giảm xuống, giúp doanh nghiệp, người dân hưởng lợi. Theo ông Nghĩa, hiện nay, tất cả doanh nghiệp có phương án kinh doanh hiệu quả đều tiếp cận được vốn. Vì vậy, đây là lúc doanh nghiệp nên tận dụng cơ hội lãi suất rẻ để vượt qua khó khăn, tìm thị trường, bạn hàng tiềm năng mới.

Thiếu phương án kinh doanh khả thi, thiếu tài sản thế chấp, doanh nghiệp muốn ngành ngân hàng nới lỏng điều kiện, hạ chuẩn vay để có thể dễ bề tiếp cận vốn. Tuy vậy, các ngân hàng cho rằng, bản thân các ngân hàng thương mại cũng không hoàn toàn muốn dùng tài sản thế chấp để làm điều kiện vay, nhưng phần lớn doanh nghiệp không minh bạch về tài chính, nên khó thẩm định và nếu xảy ra nợ xấu thì ngân hàng đứng trước rủi ro lớn.

Đại diện MB cho rằng, ngân hàng và doanh nghiệp phải hiểu và chấp nhận nhau. Ngân hàng thương mại đang cố gắng giảm tối đa lãi suất, còn doanh nghiệp cần cố gắng cung cấp thông tin cho ngân hàng để cải thiện vấn đề tiếp cận vốn vay.

“Ai cũng mong muốn lãi suất cho vay thấp, nguồn cho vay nhiều. Chúng tôi cũng muốn tăng trưởng tín dụng, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn để “ném” tín dụng ra một cách vô lối. Tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng. Đó là bài toán khó”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nói.

Khuyến khích giảm lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng
Thủ tướng nhấn mạnh cần nhất quán, kiên trì, kiên định mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư