Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 25 tháng 11 năm 2024,
Sắp hết thời sữa tăng giá phi mã
Hải Yến - 08/11/2013 07:54
 
Từ ngày 20/11/2013, các loại sữa nhập khẩu, bao gồm sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ dưới 36 tháng tuổi; sữa và các sản phẩm dinh dưỡng có chứa sữa động vật dưới dạng bột hoặc dạng lỏng sử dụng cho trẻ em dưới 6 tuổi… đều được đưa vào diện hàng bình ổn giá. Giá bán lẻ sữa chênh giá nhập khẩu tới 500%

Các doanh nghiệp (DN) nhập khẩu và kinh doanh các nhóm hàng trên sẽ đều phải kê khai giá sữa kịp thời với Bộ Tài chính khi điều chỉnh giá.

Từ ngày 20/11/2013, sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ dưới 36 tháng tuổi được đưa vào diện hàng bình ổn giá

Bộ Tài chính cũng đã yêu cầu, trước ngày 25/11, 6 DN nhập khẩu và kinh doanh sữa lớn phải báo cáo rõ việc tăng giá sữa và lý do tăng trong thời gian từ đầu năm đến nay. Đó là Công ty TNHH Mead Johnson Nutrition (Việt Nam), Công ty TNHH Dinh dưỡng 3A (sữa Abbot), Công ty TNHH Sữa Nestle Việt Nam, Công ty TNHH Phân phối Tiên Tiến, Công ty TNHH Friesland Campina Việt Nam và CTCP Thương mại và phát triển Organic Việt Nam.

Thời gian qua, thị trường sữa đã chứng kiến nhiều đợt tăng giá vô tổ chức của nhiều nhãn hiệu sữa nhập khẩu.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, rất nhiều loại sữa ngoại bán trên thị trường, như Nestle, Gallia, Enfa, Abbbot…. Hiện có giá bán cao ngất ngưởng, gấp 5-6 lần giá nhập khẩu.

Theo số liệu từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), trong 6 tháng đầu năm nay, có 5 DN sữa gửi thông báo tăng giá từ 2% đến 16%. Chỉ chưa đầy 3 năm, giá sữa nhập khẩu đã tăng đến 30 lần, một mức tăng khủng khiếp.

Ông Trần Hữu Đức, Giám đốc đối ngoại CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Đồng Tâm (Nutifood) nhận xét, các hãng sữa ngoại chi cho quảng cáo rất lớn và một bộ phận lớn người tiêu dùng thường hay tin vào quảng cáo, nên chấp nhận mua sữa dù giá quá cao. Đây chính là lý do lý giải tại sao, sữa ngoại dễ chiếm lĩnh thị trường.

Theo Bộ Công thương, năm 2012, thị trường Việt Nam tiêu thụ khoảng 65.000 tấn sữa bột, với trị giá khoảng 2.300 tỷ đồng, trong đó, 70% là sữa ngoại nhập. Các thương hiệu sữa bột của các hãng nước ngoài như Abbort, Mead Johnson, Dutch Lady, Nestlé, Dumex, XO… đang chiếm thế thượng phong, với 70% thị phần, 30% còn lại thuộc về các nhà sản xuất trong nước, như Vinamilk, Nutifood và Công ty Thực phẩm dinh dưỡng Hoàng Trung Kha.

Một thị trường với nhu cầu tiêu dùng cao, trong khi nguồn cung trong nước chiếm tỷ lệ nhỏ, nên nhiều năm qua, các DN nhập khẩu sữa đã mặc sức “tung hoành”, đẩy giá sữa tăng phi mã, lợi nhuận bỏ túi, mọi chi phí về truyền thông, quảng cáo được DN đẩy hết lên vai người tiêu dùng.

Theo các chuyên gia ngành thực phẩm, đồ uống, sữa là ngành có mức chi cho các hoạt động quảng cáo lớn thứ 2, chỉ sau ngành hóa mỹ phẩm. Với sức lan tỏa mạnh mẽ từ các kênh quảng cáo, truyền thông, không khó để giải thích tại sao một bộ phận lớn người tiêu dùng ưa dùng hàng ngoại.

Còn hơn 10 ngày nữa, giá sữa nhập khẩu sẽ bị đưa vào vòng quản lý của ngành chức năng. Như vậy, sắp tới doanh nghiệp nhập khẩu sữa không thể cứ muốn tăng giá là tăng.

Giá bán lẻ sữa chênh giá nhập khẩu tới 500%
Quản lý giá sữa không tốt, quy định về ghi nhãn các sản phẩm sữa còn nhiều bất cập, nhiều đầu mối nhập khẩu… là nguyên nhân đẩy giá...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư