Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Sau gói 1.000 tỷ USD, Thượng viện Mỹ sẽ bàn tiếp kế hoạch chi tiêu 3.500 tỷ USD
Lê Quân - 10/08/2021 14:38
 
Thượng viện Mỹ dự kiến bỏ phiếu dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng trị giá 1.000 tỷ USD vào ngày 10/8 và sau đó lập tức chuyển sang tranh luận về dự luật chi tiêu 3.500 tỷ USD.
Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: AFP
Tòa nhà Quốc hội Mỹ. Ảnh: AFP

Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện, ông Chuck Schumer cho biết vào cuối ngày 9/8 rằng cuộc tranh luận kéo dài một tuần về dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD sẽ kết thúc vào lúc 11 giờ sáng theo giờ ET (tức 15:00 giờ GMT) ngày 10/8 sau khi diễn ra một cuộc bỏ phiếu cùng ngày.

Sau đó, Thượng viện Mỹ sẽ bỏ phiếu để bắt đầu tranh luận về dự luật chi tiêu ngân sách "khủng" lên mức 3.500 tỷ USD mà các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ cấp tiến đang muốn thúc đẩy.

Các tài liệu được công bố trước đó cho thấy dự luật này sẽ tạo tiền đề cho hoạt động luật pháp tại Mỹ vào cuối năm nay, trong đó đưa ra những ưu đãi thuế đối với nền sản xuất "sạch", hỗ trợ miễn phí đối với các trường cao đẳng cộng đồng trong 2 năm, và tạo cơ hội cho hàng triệu lao động nhập cư trở thành công dân Mỹ.

Kế hoạch chi tiêu ngân sách trên cũng dự kiến đưa vào các khoản viện trợ liên bang mới cho các chương trình xã hội, bao gồm chăm sóc sức khỏe tại nhà cho người già.

Đối với dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD, đây là ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự trong nước của Tổng thống Joe Biden. Trong đó, khoảng 550 tỷ USD dành cho đầu tư mới vào lĩnh vực cầu đường và kết nối internet.

"Đây là một ngày rất tốt. Chúng tôi đã đi đến một thỏa thuận sau tất cả các cuộc đàm phán kéo dài và khó khăn", ông Schumer nói về cuộc bỏ phiếu dự luật vào ngày 10/8.

Gói đầu tư cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD được số đông các nhà lập pháp của cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa ủng hộ, bởi nguồn đầu tư theo dự luật này sẽ được chuyển đến tay các bang quê hương của họ. Các cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy người Mỹ nhìn chung ủng hộ dự luật này.

Trong khi đó, các nghị sĩ đảng Dân chủ đang muốn thúc đẩy việc tranh luận và thông qua một dự luật chi tiêu ngân sách, lên mức lịch sử 3.500 tỷ USD trong những ngày tới. Tuy nhiên, dự luật vấp phải sự phản đối kịch liệt của đảng Cộng hòa bởi họ cho rằng quy mô và chi tiêu trong dự luật không hợp lý. Trong khi đó, đảng Dân chủ muốn dự luật được thông qua mà không cần phiếu bầu của đảng Cộng hòa bằng cách áp dụng quy tắc "reconciliation" (hòa giải).

Reconciliation về cơ bản là một cách thức để Quốc hội Mỹ quyết định thông qua một đạo luật về thuế, chi tiêu và trần nợ quốc gia chỉ với số phiếu đạt được là 51 phiếu hoặc 50 phiếu (nếu Phó tổng thống không ra phiếu bầu quyết định) tại Thượng viện. Reconciliation còn giúp tránh nguy cơ xảy ra hiện tượng "Filibuster" - một thủ thuật bao gồm các chiến dịch tổ chức tranh luận, vận động hành lang,… nhằm giúp phe thiểu số ở Thượng viện có thể phản đối một dự luật, hoặc không thông qua quyết định của phe đa số.

Các mục tiêu đầy tham vọng trong dự luật chi tiêu ngân sách 3.500 tỷ USD sẽ được các thượng nghị sĩ đặt lên bàn cần, họ có quyền loại bỏ các điều khoản được cho là trái ngược với các quy tắc của Thượng viện. Tuy nhiên, toàn thể Thượng viện sẽ phải bỏ phiếu để thông qua những quyết định như vậy.

Gói chi tiêu 3.500 tỷ USD dự kiến bao gồm khoản 726 tỷ USD hỗ trợ các trường mầm non cho trẻ từ 3 - 4 tuổi và các trường cao đẳng cộng đồng, 332 tỷ USD cho chương trình hỗ trợ nhà giá rẻ, và 198 tỷ USD cho năng lượng sạch.

Theo một văn bản của đảng Dân chủ, gói chi tiêu 3.500 tỷ USD sẽ được huy động toàn bộ từ nguồn thu tăng thu thuế, khoản tiết kiệm từ các chương trình chăm sóc sức khỏe liên bang, và tăng trưởng kinh tế dài hạn dự kiến. Tuy nhiên, gói chi tiêu này vấp phải nhiều ý kiến từ các chuyên gia kinh tế, những người thường bất bình với những đánh giá tính chính xác của tác động kinh tế từ các chính sách mới của Washington.

Đảng Dân chủ cho biết họ sẽ không đề xuất tăng thuế đối với những người có thu nhập dưới 400.000 USD/năm. Theo đề xuất tăng thuế được chính quyền Tổng thống Biden và các thượng nghị sĩ đảng Dân chủ cân nhắc, đánh thuế sẽ nhằm vào những người có thu nhập cao và đi đôi với việc tăng cường thực thi thuế của Cơ quan thuế vụ Mỹ (IRS). Biện pháp này cũng kêu gọi áp dụng "phí nhập khẩu các sản phẩm/chất gây ô nhiễm carbon".

Dự luật chi tiêu 3.500 tỷ USD cũng sẽ quy định các khoản ứng trước tín thuế trẻ em mới mà những người cấp tiến muốn thực hiện lâu dài. Theo đó, dự luật này sẽ "cứu trợ" những người khai thuế gặp phải giới hạn khấu trừ thuế của chính quyền bang và địa phương theo quy định trong luật thuế năm 2017 do đảng Cộng hòa hậu thuẫn.

Hiện vẫn chưa rõ liệu đảng Dân chủ sẽ gắn việc nâng trần nợ quốc gia vào dự luật chi tiêu ngân sách 3.500 USD hay không, bởi dự luật sẽ tiếp tục được xây dựng và hoàn thiện trong những tuần tới. Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện, ông Mitch McConnell cho biết đảng Cộng hòa của ông sẽ không bỏ phiếu để nâng trần nợ.

"Đảng Dân chủ muốn đảng Cộng hòa giúp họ nâng trần nợ để họ có thể tiếp tục chi những khoản tiền lịch sử mà không có nguồn đầu vào và phiếu ủng hộ từ đảng Cộng hòa", ông McConnell nói.

Trước việc ngày càng nhiều quan chức phe Cộng hòa lo ngại việc nâng trần vay nợ của chính phủ liên bang, Bộ trưởng Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen hôm 9/8 một lần nữa thúc giục Quốc hội nâng trần nợ quốc gia thông qua hành động nhanh chóng của lưỡng đảng. 

Việc thông qua bất kỳ đạo luật lớn nào ở Mỹ trong nhiệm kỳ này đều gặp khó khăn do sự phân quyền mong manh 50 - 50 giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa tại Thượng viện. Tuy vậy, đảng Dân chủ vẫn tuyên bố chiếm đa số nhờ lá phiếu quyết định của Phó tổng thống Kamala Harris.

Nếu được Thượng viện thông qua như dự kiến, dự luật đầu tư cơ sở hạ tầng 1.000 tỷ USD sẽ tiếp tục phải trải qua "cửa ải" tranh luận và bỏ phiếu tại Hạ viện, mà dự kiến sẽ bắt đầu vào cuối tháng 9 sau khi kỳ nghỉ hè kết thúc.

Mỹ có thêm 943.000 việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 5,4%
Số việc làm tại Mỹ trong tháng 7 tăng nhanh nhất trong gần một năm trở lại đây, bất chấp lo ngại rằng biến thể Delta của Covid-19 lây lan nhanh và...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư