Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 27 tháng 11 năm 2024,
Sau IPO, Aramco sẽ chiếm ngôi công ty niêm yết lớn nhất thế giới từ Apple?
 
Ả Rập Xê út đang cân nhắc tạo nên vụ nổ “Big Bang” mới trên thị trường dầu mỏ toàn cầu khi chuẩn bị IPO công ty năng lượng lớn nhất hành tinh, Aramco.
Nếu tiến hành IPO, Aramco nhiều khả năng sẽ là công ty niêm yết lớn nhất thế giới
Nếu tiến hành IPO, Aramco nhiều khả năng sẽ là công ty niêm yết lớn nhất thế giới

Aramco, đối thủ mới của Apple

Trả lời phỏng vấn The Economist, Hoàng tử Mohammed bin Salman cho biết, Ả Rập Xê út đang xem xét kế hoạch bán cổ phần tại Saudi Arabian Oil Co, hay còn gọi là Aramco, công ty năng lượng thuộc sở hữu nhà nước, kiểm soát hơn 1/10 thị phần dầu mỏ trên toàn cầu. Quyết định cuối cùng sẽ được đưa ra trong vài tháng tới.

“Cá nhân tôi rất hào hứng với kế hoạch này. Tôi tin rằng, điều này sẽ thu hút sự quan tâm tới thị trường Ả Rập Xê út và mang lại lợi ích cho Aramco bằng cách thúc đẩy tính minh bạch và chống tham nhũng”, Hoàng tử Salman nói.

Nếu tiến hành IPO, Aramco sẽ trở thành đối thủ của Apple Inc, tranh giành ngôi vị công ty niêm yết lớn nhất trên thế giới. Aramco nắm vai trò quan trọng trong việc cân bằng thị trường dầu mỏ và mỗi quyết định đầu tư của Công ty đều có khả năng tác động tới giá dầu thô, cũng như ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu.

Hiện tại, Aramco kiểm soát kho dự trữ dầu với giá trị thị trường vào khoảng 319 tỷ USD,  gấp 10 lần lượng dầu dự trữ của Exxon Mobil Corp, công ty năng lượng lớn nhất hiện đang niêm yết.

Bên cạnh đó, Aramco có sản lượng 10,25 triệu thùng/ngày trong tháng 12/2015. Trong khi các công ty dầu mỏ niêm yết lớn nhất là AOA Rosneft (Nga) sản xuất hơn 5 triệu thùng/ngày, hay Exxon bơm ra khoảng 4 triệu thùng/ngày.

Danilo Onorino, người quản lý danh mục đầu tư của Dogma Capital SA cho biết: “Chỉ dựa trên giá trị của kho dầu dự trữ và các tài sản ước tính khác, Aramco sẽ có giá trị vào khoảng 2.500 tỷ USD”.

Aramco đã từng có kinh nghiệm với việc cổ phần hóa, khi vào năm 2008, Công ty đã tiến hành niêm yết một công ty con là Rabigh Refining Petrochemical Co tại thị trường chứng khoán nội địa. Công ty có giá trị thị trường vào khoảng 2,3 tỷ USD, nhà máy lọc dầu của công ty này có thể sản xuất 400.000 thùng dầu mỗi ngày.

Việc cổ phần hóa Aramco sẽ là thay đổi lớn nhất trong lịch sử kinh tế của vương quốc dầu mỏ này kể từ khi chính sách quốc hữu hóa bắt đầu vào những năm 1970. Theo Hoàng tử Salman, kế hoạch này có thể so sánh với bước đi của Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đối với nền kinh tế Anh những năm 1980.

“Hành động này sẽ mở ra một kỷ nguyên mới đối với ngành công nghiệp dầu mỏ. Ả Rập Xê út đang bắt đầu sẵn sàng với cuộc chơi thị trường, thay vì kiểm soát mọi thứ”, Bon McNally, nhà sáng lập The Rapidan Group và cựu nhân viên cấp cao Nhà trắng cho biết.

Tham vọng của Hoàng tử trẻ

Hoàng tử Mohammed bin Salman 30 tuổi, là con trai của Quốc vương Salman hiện tại, mới nắm quyền chưa tới một năm. Tuy nhiên, tham vọng hiện đại hóa vương quốc của Hoàng tử Salman là rất rõ ràng, với các kế hoạch đầy bất ngờ.

Hiện tại, Hoàng tử Salman nắm giữ vị trí Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng Chính sách kinh tế và phát triển vương quốc, đồng thời là người đứng đầu Hội đồng tối cao kiểm soát hoạt động của Aramco. Như vậy, Hoàng tử Salman có đủ khả năng để thúc đầy quá trình IPO, mặc dù quyết định cuối cùng vẫn nằm trong tay Quốc vương Salman.

Việc trao khá nhiều quyền lực cho Hoàng tử Salman đã làm đảo lộn quy luật phân quyền đã tồn tại từ bao đời nay nhằm duy trì sự đoàn kết trong hoàng tộc. Vị Hoàng tử này cũng không hề che giấu tham vọng hiện đại hóa vương quốc của mình.

Việc cổ phần hóa Aramco sẽ là thay đổi lớn nhất trong lịch sử kinh tế của Ả Rập Xê út kể từ khi chính sách quốc hữu hóa bắt đầu vào những năm 1970.

Theo các chuyên gia, trong một năm qua, Ả Rập Xê út, một trong những quốc gia mang tính truyền thống nhất trên hành tinh, với cấu trúc trị vì theo kiểu gia đình và bộ tộc từ hàng thế kỷ nay, đã có những động thái thay đổi mạnh mẽ nhất từ trước tới nay.

Áp lực thay đổi có thể đến từ việc thâm hụt ngân sách của Ả Rập Xê út đã chạm mức 15% so với sản lượng đầu ra của nền kinh tế trong năm 2015, khi giá dầu giảm 2/3 so với mức đỉnh vào giữa năm 2014. Quỹ dự trữ của quốc gia này giảm liên tiếp trong 10 tháng, tính tới tháng 11/2015. Theo Cơ quan Năng lượng quốc tế, doanh thu của vương quốc này đã thiệt hại 500 tỷ USD trong năm 2015 vì giá dầu giảm.

Trước mối lo về việc nền kinh tế Ả Rập Xê út rơi vào khủng hoảng, Hoàng tử Salman cho biết, nguồn thu không đến từ dầu mỏ của vương quốc đã tăng 29% trong năm 2015 và quốc gia này đang có các biện pháp để thắt chặt chi tiêu công.

Mặc dù vậy, trước những biến động gần đây của thị trường và những động thái thay đổi chính sách mạnh mẽ của vị Hoàng tử trẻ, giới đầu tư bắt đầu tự hỏi, liệu Ả Rập Xê út có bị buộc phải phá giá đồng tiền của mình, hoặc quay đầu đối với chính sách dầu mỏ hiện tại và đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng để hồi phục giá dầu?.

Những lý do khiến Ả Rập Xê út không chịu cắt giảm sản lượng dầu mỏ
9 tháng sau khi Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) quyết định giữ nguyên hạn ngạch sản lượng, nhằm giữ vững thị phần trên thị...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư