Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 30 tháng 04 năm 2024,
Sau vụ du khách trốn ở lại Hàn Quốc: "Loại nhầm còn hơn bỏ sót"
Hải Hà - 30/01/2016 19:29
 
Vụ việc nhóm du khách trốn ở lại Hàn Quốc, sau khi tự ý tách đoàn không theo lịch trình du lịch tại đảo Jeju vừa qua, khiến các công ty kinh doanh lữ hành quốc tế có những biện pháp siết chặt quản lý du khách để tránh sự việc tương tự.

Ông Lưu Đức Kế, Giám đốc Công ty Hanoitourist, một trong những đơn vị đối tác lớn của Tổng cục Du lịch Hàn Quốc tại Việt Nam (KTO) nhận định, vụ việc xảy ra tại đảo Jeju là thực sự nghiêm trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ đối tác cũng như hoạt động du lịch của Việt Nam - Hàn Quốc.

Ông Kế cho biết thêm, ngay sau khi xảy ra vụ việc, Hanoitourist đã chỉ đạo bộ phận tư vấn và nhận hồ sơ phải sàng lọc kỹ càng các điều kiện về nhân thân, lý lịch, khả năng tài chính… của khách hàng. Đội ngũ nhân viên này sẽ bị quy trách nhiệm nếu bỏ sót những khách có dấu hiệu khả nghi.

Đảo Jeju (Hàn Quốc), nơi vừa xảy ra vụ việc nhóm du khách Việt Nam trốn ở lại
Đảo Jeju (Hàn Quốc), nơi vừa xảy ra vụ việc nhóm du khách Việt Nam trốn ở lại

Cẩn thận hơn, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Công ty TransViet cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện chủ trương loại nhầm còn hơn bỏ sót”.

Theo đó, TransViet rà soát hồ sơ xét duyệt, lưu ý những hồ sơ của khách hàng có nguy cơ cao trốn ở lại như người trẻ, đi du lịch một mình, hộ chiếu của những người ít ra nước ngoài hay hộ chiếu trắng. “Kể từ khi vụ việc xảy ra, những hồ sơ nghi ngờ sẽ được trình lên cấp trên để quyết định có nhận hồ sơ đó hay không”, ông Đạt nói.

Quá trình này được ông Đạt nhận định là cần thiết, bởi trong số 4 công ty gồm Công ty cổ phần Đầu tư - Vận tải - Du lịch Hoàng Việt; Công ty cổ phần Thương mại và Lữ hành quốc tế Thế giới mới; Công ty TNHH Du lịch và Thể thao Việt Nam và Công ty cổ phần Hanoi Redtours thì số khách không tuân theo lịch trình lần lượt là 32 người; 4 người ; 8 người và 1 người. “Rõ ràng số người có cơ hội bỏ trốn liên quan mật thiết tới mức độ kiểm soát chặt chẽ của các công ty du lịch”, ông Đạt khẳng định.

Ông Đạt cũng cho biết thêm, ngay từ đầu TransViet đã từ chối bán tour theo chuyến bay charter của chính chuyến bay này, bởi theo kinh nghiệm khoảng 4-5 năm trước, những chuyến bay charter flight mở trực tiếp từ Sài Gòn sang Jeju (Hàn Quốc) đã được mở ra, nhưng tỷ lệ bỏ trốn cao khiến các hãng hàng không Hàn Quốc đã phải tạm dừng.

Được biết, đây là chuyến bay lần đầu tiên Vietjet Air tổ chức bay thẳng từ Hà Nội sang Jeju, do Công ty Wooriclub Travel (Hàn Quốc) thuê chuyến cho tour du lịch tại đảo này từ ngày 11-17/1. Điều đáng nói là trong số 155 khách trên chuyến bay thì có tới 21 hành khách bị từ chối nhập cảnh ngay khi đến Sân bay Jeju.

Không đưa ra bình luận về vụ việc này, nhưng đại diện KTO tại Việt Nam cho biết, phía Hàn Quốc đang điều tra và chưa có kết luận chính xác. Mặc dù các cơ quan chức năng Hàn Quốc không phạt các công ty du lịch khi có trường hợp khách bỏ trốn, tuy nhiên, vị đại diện này cũng cho biết, các cơ quan xuất nhập cảnh và lãnh sự sẽ thắt chặt và có những quy định khác.

Bày tỏ lo ngại của mình, ông Đạt cho biết: “Những chuyến bay thẳng từ Việt Nam đến JeJu được xem là khá hiếm hoi. Sự việc này có thể khiến những chuyến bay thẳng như thế này khó có cơ hội mở trở lại trong tương lai gần”.

Cũng theo ông Đạt, những tổn thất trong hoạt động kinh doanh có thể đến trong tương lai khi chính sách sàng lọc du khách của Đại sứ quán Hàn Quốc sẽ siết chặt hơn với du khách Việt Nam. “Thêm vào đó, những ảnh hưởng về mặt tâm lý khi trải qua nhiều thủ tục tài chính, chứng minh nghề nghiệp, hợp đồng lao động… khiến những du khách Việt Nam sẽ thấy mình không được tôn trọng, trong khi những đối tượng có ý định bỏ trốn có thể sẽ thông thạo và làm trơn tru các thủ tục này”, ông Đạt nói.

Không chỉ ngành du lịch, mà lĩnh vực xuất khẩu lao động của Việt Nam cũng “mất điểm” với các đối tác Hàn Quốc, khi tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn đang ở mức 32%, đứng đầu danh sách 15 quốc gia có lao động đang làm việc tại Hàn Quốc. Vì vậy, các công ty xuất khẩu lao động cũng cần sớm có biện pháp chống việc lao động bỏ trốn.

Những thị trường xuất khẩu lao động có nguy cơ bị thu hẹp
Nhiều thị trường xuất khẩu lao động lớn của Việt Nam có nguy cơ bị thu hẹp trong năm 2016 do tỷ lệ lao động bất hợp pháp gia tăng.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư