Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
SCF tài trợ Đà Nẵng xây dựng thành phố thực phẩm thông minh
Hoài Thanh - 22/02/2019 13:55
 
Quỹ Nghiên cứu Tư vấn Việt - Bỉ (SCF) hỗ trợ không hoàn lại cho TP Đà Nẵng thực hiện Dự án xây dựng chiến lược phát triển thành phố thực phẩm thông minh.

Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng vừa phối hợp Viện Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ kết quả phân tích hệ thống thực phẩm và tiến hành xây dựng chiến lược phát triển thành phố thực phẩm thông minh. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án hỗ trợ không hoàn lại của Quỹ Nghiên cứu Tư vấn Việt - Bỉ (SCF).

Đà Nẵng kiểm tra xuất xứ thực thẩm bằng điện thoại thông minh.
Đà Nẵng kiểm tra xuất xứ thực thẩm bằng điện thoại thông minh.

Theo đánh giá của PGS. TS Trần Thị Định, chuyên gia của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, lợi thế của Đà Nẵng là chính sách về công tác đảm bảo ATVSTP trong thời gian gần đây có nhiều đột phá. Tuy nhiên, điều cần khắc phục là các mắt xích trong chuỗi thực phẩm còn hạn chế, việc truy xuất nguồn gốc thực hiện chưa đồng bộ, tiếp đó là sự cạnh tranh giữa chợ chính thống và chợ tự phát cũng như gia tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường do chất thải và phụ phẩm.

"Trên lĩnh vực đánh bắt, tiêu thụ hải sản, phần lớn nhật ký ghi chép hoạt động thu mua, cung cấp nhằm mục đích đối phó với cơ quan chức năng, quản lý thu chi tài chính chứ chưa chú trọng vào công tác kê khai để phục vụ cho việc truy xuất nguồn gốc,  xác định độ an toàn của hải sản xuất phát từ vùng đánh bắt" TS. Định nhìn nhận.

Tiến sĩ Thái Thị Minh - Giám đốc Khu vực của Rikolto, một tổ chức phi chính phủ quốc tế có trụ sở chính tại Bỉ cho rằng, hệ thống thực phẩm nông sản tiêu thụ trên thị trường Đà Nẵng xuất phát từ nhiều nguồn, phần lớn là từ các tỉnh Nam Bộ, Tây Nguyên và cả từ Trung Quốc. Chính vì vậy, Đà Nẵng phải tăng cường thanh tra và kiểm soát chuỗi giá trị rau quả để đảm bảo tất cả các loại rau trên thị trường được sản xuất an toàn.

"Thành phố cần nhanh chóng thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc cho chuỗi giá trị hải sản, thịt lợn và rau củ quả. Bên cạnh đó, công tác kiểm soát dịch bệnh, ô nhiễm môi trường do chất thải chăn nuôi của Đà Nẵng cũng cần phải hướng đến chuyên nghiệp. Trong tương lai gần, Đà Nẵng cần hoàn thiện vùng chăn nuôi tập trung, hoàn thiện và phát triển chăn nuôi gắn với hệ thống giết mổ, chế biến" TS. Minh gợi ý.

Ông Nguyễn Tấn Hải - Trưởng ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Đà Nẵng, với vị trí là một thành phố du lịch, dịch vụ, việc sản xuất thực phẩm phục vụ nhu cầu người dân và du khách của Đà Nẵng hiện tại hầu như phụ thuộc vào các tỉnh bạn và nhập khẩu từ nước ngoài. Chính vì vậy công tác quản lý ATTP cho dù bước đầu đã có những thuận lợi về cơ chế, chính sách nhưng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức.

"Việc thực hiện nghiên cứu dự án phân tích chuỗi giá trị thực phẩm và xây dựng chiến lược thành phố thực phẩm thông minh đến năm 2025, tầm nhìn sẽ là nền tảng cho việc xây dựng chính sách, định hướng quản lý, lấy người tiêu dùng làm trọng tâm, an toàn thực phẩm làm trọng điểm", ông Hải cho hay.

Thành phố Đà Nẵng tăng cường an toàn thực phẩm là tin vui đối với du khách khi chọn Đà Nẵng là điểm đến.
Thành phố Đà Nẵng tăng cường an toàn thực phẩm là tin vui đối với du khách khi chọn Đà Nẵng là điểm đến.

Đại diện Quỹ Tư vấn Việt - Bỉ, bà Krista Verstraelen - Giám đốc Quỹ cho rằng , dự án phân tích chuỗi giá trị thực phẩm và xây dựng chiến lược thành phố thực phẩm thông minh đến năm 2025, tầm nhìn 2030 cho thành phố Đà Nẵng là một trong 10 dự án phát triển song phương mà Bỉ và Việt Nam đang triển khai.

"An toàn thực phẩm là mối quan tâm hàng đầu của mọi quốc gia. Đây cũng sẽ là cầu nối để Việt Nam, Đà Nẵng phối hợp với các cơ quan, đặc biệt là các trường đại học, các trung tâm nghiên cứu của Bỉ xây dựng chiến lược thành phố thực phẩm thông minh trong tương lai. Chúng tôi cam kết sẽ cùng các ngành chức năng mang lại hiệu quả bước đầu cho Đà Nẵng", bà Krista Verstraelen chia sẻ.

Được biết, UBND thành phố Đà Nẵng vừa ban hành Kế hoạch về việc thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn trong năm 2019. Kế hoạch đặt mục tiêu 100% cơ sở sản xuất rau, cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ký cam kết thực hiện sản xuất rau an toàn, cam kết chăn nuôi an toàn và 90% các cơ sở kinh doanh nông sản, thủy sản tại các chợ đầu mối thực hiện kê khai nguồn gốc, xuất xứ. Bên cạnh đó, trong năm 2019, các quận huyện  phấn đấu có 100% số cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn thành phố được cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.

Đà Nẵng duyệt 18 tỷ đồng thực hiện Đề án phát triển Du lịch năm 2019
Đề án phát triển Du lịch thành phố Đà Nẵng năm 2019 tập trung chủ yếu vào việc nâng cấp chất lượng hình thành sản phẩm du lịch sinh thái, làng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư