Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
SCIC chào bán lô cổ phần Viresco: Càng ế, càng... tăng giá
Kỳ Thành - 11/07/2022 11:44
 
Sau nhiều lần chào bán đấu giá lô cổ phần tại Công ty cổ phần Địa ốc Vĩnh Long (Viresco) và đều thất bại, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) vẫn tiếp tục nâng giá lô cổ phần này.

 

Giá khởi điểm tăng lên sau mỗi lần chào bán bất thành

Hơn 1,937 triệu cổ phần, tương đương 73,03% vốn điều lệ tại Viresco sẽ được chào bán cạnh tranh vào ngày 18/7/2022, theo thông báo chính thức từ SCIC. Đây là lô cổ phần đã được SCIC nhiều lần chào bán đấu giá, nhưng chưa thành công.

Trong các đợt thoái vốn tại Viresco thời điểm năm 2015 và 2016, giá khởi điểm mà SCIC đưa ra khá “mềm”, chỉ cao hơn khoảng 20% so với mệnh giá. Mặc dù giá khởi điểm thấp, lượng cổ phần chào bán đảm bảo tỷ lệ chi phối hoàn toàn tại doanh nghiệp, nhưng các phiên đấu giá này không nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.

Tại đợt chào bán đấu giá tháng 5/2020, với giá khởi điểm 24.700 đồng/cổ phiếu, đã có 2 nhà đầu tư chào mua số cổ phần nói trên. Đáng chú ý, mặc dù nhà đầu tư tổ chức đã chào giá tới 27.300 đồng/cổ phiếu, song vẫn bị “nẫng tay trên” bởi nhà đầu tư cá nhân với giá chào mua 30.600 đồng/cổ phiếu.

Tính đến thời điểm 31/3/2022, Viresco có 46 cổ đông, trong đó có 3 cổ đông lớn, gồm: SCIC (nắm giữ 73,03% vốn điều lệ), Công ty TNHH Nhà hàng thương mại và Thiết kế xây dựng Như Thủy (nắm giữ 10,18% vốn điều lệ) và Công ty cổ phần Cảng Vĩnh Long (nắm giữ 7,62% vốn điều lệ).

Bất ngờ là, cá nhân này đã vi phạm quy chế đấu giá. Bởi vậy, SCIC phải tiếp tục chào bán lại lô cổ phần Viresco trong tháng 8/2020 với giá tham chiếu bằng đúng mức mà nhà đầu tư cá nhân đã bỏ giá. Đợt chào bán tiếp tục bất thành do chỉ có 1 nhà đầu tư đăng ký tham gia.

Sau đó gần 2 năm, SCIC lại chào bán lô cổ phần nói trên với mức giá khởi điểm được “tâng” lên thành 75,3 tỷ đồng, tương đương 38.851 đồng/cổ phiếu.

Viresco tiền thân là Công ty Kinh doanh nhà Vĩnh Long, thành lập năm 1993, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, xây dựng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh lân cận.

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tháng 10/2004, Công ty Kinh doanh nhà Vĩnh Long được chuyển đổi thành Công ty cổ phần Địa ốc Vĩnh Long theo quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long.

Quỹ đất lớn có thật sự tiềm năng?

Báo cáo tài chính các năm qua của Viresco cho thấy, mặc dù kinh doanh bất động sản và dịch vụ xây lắp được xác định là các ngành nghề kinh doanh cốt lõi, nhưng thực chất, đến 90% doanh thu của Công ty là từ kinh doanh bất động sản.

Trong giai đoạn 2016 - 2019, doanh thu của Viresco tăng từ gần 29 tỷ đồng (năm 2016) lên 35 tỷ đồng (năm 2019); lợi nhuận sau thuế tăng tương ứng từ 2,3 tỷ đồng lên hơn 10 tỷ đồng.

Trong 2 năm đại dịch Covid-19 bùng phát (2020 - 2021), Viresco vẫn duy trì hoạt động kinh doanh khá hiệu quả. Năm 2020, doanh thu của Công ty đạt 37 tỷ đồng, lãi sau thuế 15,7 tỷ đồng. Năm 2021, ảnh hưởng của dịch bệnh khiến doanh thu giảm xuống còn 19,4 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận vẫn đạt tới 9,4 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là nhờ chi phí giá vốn hàng bán khá thấp, Viresco lại không phải chịu chi phí lãi vay.

Tuy nhiên, bước sang quý I/2022, tình hình kinh doanh của Viresco có dấu hiệu giảm sút với doanh thu chỉ còn 37 triệu đồng, lỗ 325 triệu đồng. Dù kết quả kinh doanh không quá nổi bật, nhưng điểm sáng là Viresco có tình hình tài chính lành mạnh, sở hữu quỹ đất tiềm năng.

Báo cáo tài chính quý I/2022 của Viresco thể hiện, tổng tài sản của Công ty tại ngày 31/3/2022 đạt 52,2 tỷ đồng. Trong đó, quyền sử dụng đất tại khóm 2, phường 3 (TP. Vĩnh Long) và quyền sử dụng đất khu xã Long Phước (huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long) được ghi nhận vào hàng tồn kho với tổng giá trị 20,5 tỷ đồng.

Đây đều là những khu đất có quy mô lớn, như khu đất tại khóm 2, phường 3 (TP. Vĩnh Long) với tổng diện tích hơn 22.690 m2 đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài. Khu đất ở Long Phước (liên doanh với Công ty cổ phần Cảng Vĩnh Long, tỷ lệ góp vốn 50%) hơn 56.032 m2 đã có Giấy chứng nhận sử dụng đất với thời hạn sử dụng đến năm 2054.

Ngoài ra, Viresco còn nắm trong tay khu đất Dự án Khu nhà ở Bình Minh đang thực hiện, rộng 14.279 m2 và khu đất không được nêu rõ tên với diện tích 8.411 m2 là đất trồng cây lâu năm, trồng lúa và chưa thực hiện dự án.

Về cơ cấu nguồn vốn, ngoài vốn điều lệ 26,5 tỷ đồng, Viresco còn có 2,3 tỷ đồng quỹ đầu tư phát triển và gần 10 tỷ đồng lãi sau thuế chưa phân phối.

Đặc biệt, Viresco không có vay và nợ thuê tài chính. Tuy nhiên, với đặc thù ngành bất động sản, thì đây cũng có thể xem là điểm yếu của Viresco khi không sử dụng công cụ đòn bẩy để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, qua đó nhanh chóng thu hồi dòng tiền để tái đầu tư.

Cũng bởi vậy, quỹ đất của Viresco dù lớn, nhưng vẫn mới chỉ ở dạng “tiềm năng”, khiến các nhà đầu tư chưa thật sự hào hứng với lô cổ phiếu này.n

Bốn dự án nhà ở xã hội nào ở Vĩnh Long chưa đủ điều kiện được bán?
Tuy chưa đủ điều kiện được bán nhưng đã có một số đối tượng đăng tin rao bán nhà ở xã hội hình thành trong tương lai tại 4 dự án trên địa...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư