Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 27 tháng 09 năm 2024,
Sẽ không còn chuyện độc quyền Ngoại hạng Anh?
MInh Quyên - 24/11/2013 09:39
 
Đại diện VNPAYTV nhận định, sau 3 năm nữa, ở mùa giải mới, hiện tượng đẩy giá cao, tranh chấp để mua độc quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh sẽ không tái diễn nữa.
Sau năm 2016, vấn đề tranh chấp, đẩy giá cao để mua độc quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh sẽ không còn tiếp diễn?
Sau năm 2016, vấn đề tranh chấp, đẩy giá cao để mua độc quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh sẽ không còn tiếp diễn? Ảnh minh họa: Internet

Sau 3 tháng mùa giải đầu tiên được khởi tranh, ông Lê Đình Cường – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VNPAYTV cho rằng, cái được lớn nhất của những cuộc tranh cãi nẩy lửa về bản quyền Ngoại hạng Anh trong thời gian vừa qua chính là tạo được áp lực để các doanh nghiệp phải cạnh tranh công bằng.

Ông Lê Đình Cường chính là người đại diện cho Hiệp hội Truyền hình trả tiền (VNPAYTV) nhiều lần ký văn bản gửi lên Bộ TT&TT và Văn phòng Chính phủ đề nghị can thiệp để K+ phải chia sẻ bản quyền Giải bóng đá Ngoại hạng Anh mùa giải 2013 - 2016 cho các đơn vị truyền hình khác hồi giữa năm 2013.

Vấn đề bản quyền Ngoại hạng Anh đã tác động trực tiếp lên nhiều doanh nghiệp, buộc một số doanh nghiệp truyền hình trả tiền đã từng mua độc quyền truyền hình thay đổi quan điểm kinh doanh, ý thức được việc phải chia sẻ nội dung với các doanh nghiệp khác.

Ông Cường nhận định, sau năm 2016, ở mùa giải mới hiện tượng tranh chấp, trả giá cao để mua độc quyền giải bóng đá Ngoại hạng Anh sẽ không tái diễn nữa.

Ông Cường phân tích, nguyên nhân đầu tiên là do nhu cầu của thị trường không đủ lớn. K+ đã bỏ ra tới hơn 30 triệu USD chi riêng cho bản quyền Ngoại hạng Anh, nhưng khi mùa giải chuẩn bị bắt đầu hãng này đã bị tụt mất hơn 50.000 thuê bao, đến khi phát sóng bằng nhiều hình thức khuyến mại K+ đã lấy lại được 30.000 thuê bao bị mất, nhưng từ đó đến nay phát triển rất chậm và chỉ cầm chân ở con số 400.000 thuê bao. Nếu cứ phát triển theo đà này, giả sử mỗi năm K+ phát triển thêm được 100.000 thuê bao mới, sau 3 mùa giải cũng chỉ có thêm 300.000 thuê bao mới. Với giá cước thuê bao 270.000 đồng/tháng, K+ khó có thể lấy lại vốn đã bỏ ra mua bản quyền Ngoại hạng Anh, chưa kể là chi phí khổng lồ để mua bản quyền các giải thể thao, phim truyện và các chi phí kinh doanh khác.

Cũng theo ông Cường, đối tượng mê bóng đá đa phần là giới trẻ, họ thường thích xem ở quán cafe thay vì ở nhà, cho nên cũng không cần phải mua K+ ở nhà. Thêm vào đó, hiện có hai giải đấu bóng đá cũng được hâm mộ không kém gì Ngoại hạng Anh là giải đấu của Đức và Tây Ban Nha, hai giải này được phát trên nhiều hệ thống truyền hình khác, điều này làm giảm sức hấp dẫn của Ngoại hạng Anh trên K+.

Bên cạnh đó, do tốc độ phát triển của công nghệ, truyền hình trên Internet và di động khá phổ biến, tất cả các kênh truyền hình trong nước và quốc tế đều được phát sóng thoải mái nên người xem có thể xem ở bất cứ đâu với giá chi phí thấp, nên không nhất thiết phải ngồi trước màn hình tivi.

"K+ dù đã giảm giá và đi đến thỏa thuận chia sẻ nội dung với một số hệ thống truyền hình khác, nhưng việc tăng trưởng thuê bao cũng không đột biến. K+ có bán hàng cách gì, khuyến mãi cao đến mấy cũng không giải quyết được bài toán thu hồi vốn, cho nên tranh chấp về bản quyền Ngoại hạng Anh không còn là vấn đề lớn trong mùa giải tới", ông Cường nhận định.

Vì sao nhà đài tham chiến giành bản quyền Giải ngoại hạng?
Vì sao các nhà đài Việt Nam đều “tham chiến” tranh giành bản quyền phát sóng Giải Bóng đá ngoại hạng Anh (EPL)? Vì sao các nhà đài đứng ngồi...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư