Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 05 tháng 05 năm 2024,
Sẽ kiểm toán 50 địa phương nào trong năm 2015?
Mạnh Bôn - 03/10/2014 13:15
 
Tuần tới, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội kế hoạch kiểm toán năm 2015. Theo tiết lộ của ông Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng KTNN, năm 2015 sẽ mở rộng đầu mối kiểm toán thu - chi, quản lý ngân sách tại 50 tỉnh, thành phố, tăng đáng kể so với 3 năm qua.
TIN LIÊN QUAN
TIN LIÊN QUAN
Vinaconex ITC đứng trước nguy cơ dừng hoạt động
ITASCO bị kiểm toán nêu ý kiến ngoại trừ
"Kiểm toán vào làm việc, anh em vừa sợ vừa không"
Vung tay quá trán vì người đứng đầu chỉ "rút kinh nghiệm"
Xe công đón Bí thư huyện tận nhà, ngân sách nào chịu?

Năm 2011, KTNN chỉ kiểm toán quản lý thu - chi ngân sách tại 28 đầu mối, năm 2012 và 2013 mở rộng lên 34 và 35 đầu mối. Thưa ông, vì sao năm 2015 lại dự kiến kiểm toán tới 50 đầu mối?

  Sẽ kiểm toán 50 địa phương nào trong năm 2015?  
  Ông Đoàn Xuân Tiên, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước  

Tình trạng sử dụng ngân sách nhà nước hiệu quả kém, vi phạm chế độ, tiêu chuẩn, định mức, không tuân thủ, hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định hiện hành, thậm chí còn để xảy ra lãng phí, thất thoát, tham ô, tham nhũng luôn được dư luận xã hội và Quốc hội đặc biệt quan tâm.

Vì vậy, trong 5 năm trở lại đây, hầu hết các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước đều được kiểm toán ít nhất 2 năm/lần. Trong đó, Hà Nội và TP.HCM trong 3 năm gần đây được kiểm toán liên tục.

Tuy nhiên, số đầu mối được kiểm toán vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi của xã hội, cũng như Quốc hội, vì vậy, năm tới, chúng tôi quyết định nâng số đầu mối kiểm toán lên 50, gấp 1,7 lần số đầu mối được kiểm toán trong 3 năm vừa qua.

Không chỉ kiểm toán các bộ, ngành, địa phương, KTNN còn phải kiểm toán cả doanh nghiệp nhà nước; dự án đầu tư sử dụng ngân sách; tổ chức tài chính - ngân hàng… Ông có nghĩ rằng, KTNN có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ khi mở rộng đầu mối kiểm toán?

Mặc dù nguồn nhân lực có hạn, nhưng trước yêu cầu của quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, lập lại kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, chúng tôi đã đặt ra mục tiêu chắc chắn phải cố gắng thực hiện.

Việc mở rộng đầu mối kiểm toán quản lý, thu - chi ngân sách lên con số 50 vào năm tới chỉ là bước đầu, sau đó chúng tôi tiếp tục mở rộng cho đến khi tất cả các bộ, ngành, địa phương đều được kiểm toán hàng năm.

Việc mở rộng đầu mối có ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo kiểm toán không?

“Một nửa cái bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không còn là sự thật”. Chất lượng của báo cáo kiểm toán được đo bằng sự khách quan, trung thực, từ đó đưa ra đánh giá, nhận định việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước. Nếu báo cáo kiểm toán thiếu chính xác, không phản ánh trung thực thì kết quả kiểm toán không còn ý nghĩa.

Vì vậy, dù có mở rộng đầu mối ra tất cả các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, tổ chức tài chính - ngân hàng thì báo cáo kiểm toán luôn phải bảo đảm là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách; phục vụ việc xây dựng, ban hành, bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; quyết định các cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, báo cáo kiểm toán còn phải phục vụ hoạt động giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, giám sát các dự án, công trình quan trọng quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội…

Nhưng dường như kiến nghị của KTNN trong báo cáo kiểm toán không có “sức nặng”. Minh chứng là, tỷ lệ chấp hành kiến nghị liên quan đến tài chính vẫn còn rất thấp?

Tính đến ngày 31/12/2011, các đơn vị được kiểm toán đã chấp hành 68,9% kiến nghị xử lý tài chính kiểm toán niên độ 2009. Tỷ lệ này năm 2012 là 71,62% (niên độ kiểm toán 2010). Còn năm 2013, thực hiện kiểm toán niên độ 2011, chúng tôi kiến nghị tăng thu ngân sách nhà nước; giảm kinh phí chi thường xuyên; giảm chi đầu tư xây dựng cơ bản; xử lý nợ đọng, cho vay tạm ứng và các khoản phải nộp, hoàn trả ngân sách gần 14.518 tỷ đồng, thì tính đến ngày 31/12/2013 các đơn vị được kiểm toán đã chấp hành 65% số tiền mà KTNN kiến nghị. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến cuối quý II/2014, các đơn vị đã chấp hành 82,5% kiến nghị của KTNN đối với niên độ kiểm toán 2011.

Việc các đơn vị chưa chấp hành 100% kiến nghị xử lý tài chính có nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân cơ bản là một số đơn vị vi phạm gặp khó khăn về tài chính, thiếu nguồn lực, nên không có tiền để nộp vào ngân sách.

Số tiền mà KTNN kiến nghị thu hồi về cho ngân sách mỗi năm một tăng. Vậy có thể hiểu vi phạm về quản lý, sử dụng ngân sách, tiền, tài sản nhà nước ngày càng tăng?

Suy luận như vậy không hoàn toàn chính xác. Bởi kiến nghị xử lý tài chính tăng có nguyên nhân cơ bản là quy mô kiểm toán mỗi năm một tăng, như năm 2015, chúng tôi dự định kiểm toán tình hình thu - chi ngân sách tại 50 tỉnh, thành phố, tăng 15 đầu mối so với năm nay, thì kiến nghị xử lý tài chính tăng (nếu có) cũng là đương nhiên.

Ngoài ra, hoạt động sản xuất, kinh doanh, quy mô của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tổ chức tài chính - ngân hàng mỗi năm một tăng, thì khi kiểm toán phát hiện ra vi phạm tài chính tăng cũng là điều dễ hiểu.

Ông giải thích ra sao về việc có đơn vị lần nào kiểm toán cũng phát hiện vi phạm?

Đúng là có nhiều trường hợp cứ kiểm toán là phát hiện vi phạm. Hy vọng, Luật Ngân sách nhà nước sửa đổi được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 8 sẽ giải quyết cơ bản những vướng mắc này.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư