Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sẽ mở rộng ưu đãi thuế Thu nhập doanh nghiệp
Hồng Vân (HQ Online) - 23/08/2015 09:58
 
Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Luật về thuế và tiến hành xin ý kiến các bộ, ngành liên quan, trong đó có 9 nội dung về thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN).
 Dự kiến doanh nghiệp sẽ được bù trừ lãi từ chuyển nhượng BĐS với lỗ từ sản xuất kinh doanh khi tính thuế TNDN. Ảnh: Hồng Vân
Dự kiến doanh nghiệp sẽ được bù trừ lãi từ chuyển nhượng BĐS với lỗ từ sản xuất kinh doanh khi tính thuế TNDN. Ảnh: Hồng Vân

Tạo thuận lợi

Theo Bộ Tài chính, KT-XH nước ta 6 tháng đầu năm 2015 tiếp tục đà phục hồi nhưng chưa bền vững với tốc độ tăng trưởng giữa các khu vực ngày càng khác biệt, một phần do giá dầu và giá một số hàng hóa giảm. Mặt khác, cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ chính thức được thành lập vào cuối năm 2015. Việt Nam cũng đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán để có thể sớm kết thúc việc cam kết Hiệp định đối tác chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Như vậy, nền kinh tế nước ta sẽ tiếp tục đối mặt với không ít khó khăn khi năng lực cạnh tranh còn thấp, thương hiệu sản phẩm chưa cao và uy tín DN chưa có nhiều cải thiện. Bên cạnh đó, tình hình cung, cầu trên thị trường thế giới còn nhiều biến động phức tạp gây áp lực cạnh tranh cho XK của Việt Nam. Việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản trong nước thể hiện nhiều bất cập làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống nông dân.

Bộ Tài chính nhận định: Để tiếp tục hỗ trợ cộng đồng DN vượt qua khó khăn, thách thức, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật liên quan nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển KT-XH năm 2015 và những năm tới, đáp ứng yêu cầu thực tế, cần thiết phải có những giải pháp tài chính đồng bộ, trong đó có giải pháp về thuế.

Việc Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, bổ sung các Luật về thuế hướng tới mục tiêu trước hết là đảm bảo mục tiêu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với xu hướng phát triển; phù hợp với các cam kết quốc tế, với cam kết tại các thỏa thuận và Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc tham gia hoặc đang trong quá trình đàm phán để ký kết, tham gia; qua đó góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của DN Việt Nam và tăng việc làm cho người lao động. Đồng thời, việc sửa các Luật về thuế lần này cũng tập trung sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập so với thực tế, đảm bảo tính nhất quán của chính sách, tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Những sửa đổi, bổ sung này cũng hỗ trợ ngành Tài chính thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý thuế theo hướng đơn giản, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo thuận lợi cho người nộp thuế, phù hợp với xu thế cải cách hệ thống thuế cũng như phòng chống gian lận thương mại, chống thất thu ngân sách Nhà nước (NSNN).

Cho phép bù trừ hai chiều

Một trong số những nội dung đáng chú ý về thuế TNDN được Bộ Tài chính đề xuất lần này là bổ sung quy định miễn thuế đối với khoản hỗ trợ trực tiếp từ NSNN. Theo Bộ Tài chính, quy định tại Luật thuế TNDN hiện hành có nêu: Trường hợp DN nhận được các khoản hỗ trợ đều phải kê khai, nộp thuế TNDN. Tuy vậy, trên thực tế, một số khoản hỗ trợ trực tiếp từ NSNN dành cho các DN như khoản hỗ trợ đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; khoản hỗ trợ quỹ phúc lợi, quỹ khen thưởng... đều là các khoản hỗ trợ trực tiếp của Nhà nước cho DN với mục đích xã hội, không vì mục đích kinh tế. Do đó, nếu tính các khoản này vào “thu nhập khác” và nộp thuế thì chưa phù hợp về bản chất vì khoản này được NSNN hỗ trợ sau đó lại kê khai nộp về NSNN. Như vậy, việc bổ sung quy định các khoản hỗ trợ mà DN nhận được từ NSNN là khoản thu nhập được miễn thuế sẽ phù hợp với thực tế và giải quyết được các vướng mắc phát sinh.

Nội dung khác sẽ có tác động lớn đó là dự kiến quy định DN được bù trừ lãi từ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) với lỗ từ sản xuất kinh doanh. Theo giải trình của Bộ Tài chính, trước năm 2004, tổ chức, cá nhân có hoạt động chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực hiện kê khai, nộp thuế chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật thuế Chuyển quyền sử dụng đất. Từ 01-01-2004, tổ chức có thu nhập từ chuyển nhượng BĐS phải kê khai, nộp thuế TNDN đối với phần thu nhập đó nhưng phải kê khai, nộp thuế riêng, không được bù trừ với thu nhập từ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt trong giai đoạn 2004-2008, thu nhập từ chuyển nhượng BĐS còn áp dụng theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Quy định này trong giai đoạn đó là phù hợp với thực tế nhằm động viên kịp thời số thu thuế vào NSNN và hạn chế việc đầu cơ BĐS vì khi đó lĩnh vực BĐS đang phát triển, lợi nhuận thu thường là lợi nhuận siêu ngạch. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, thị trường BĐS trầm lắng, thậm chí có giai đoạn “đóng băng”, do đó, đầu tư vào lĩnh vực BĐS không còn nhiều lợi nhuận, thậm chí lỗ. Trước tình hình đó, Luật thuế TNDN số 32/2013/QH12 có hiệu lực từ 01-01-2014 đã cho phép DN được bù trừ lỗ từ chuyển nhượng BĐS với lãi từ sản xuất kinh doanh. Song, Luật này chưa quy định trường hợp ngược lại nên DN có lãi từ chuyển nhượng BĐS vẫn phải kê khai, nộp thuế riêng, không được bù trừ với thu nhập từ sản xuất kinh doanh.

Hơn thế nữa, thời gian vừa qua, các bộ, ngành, tổ chức tín dụng đang nỗ lực tìm giải pháp để giảm nợ xấu trong đó có việc xử lý tài sản bảo đảm tiền vay là BĐS. Tuy nhiên, quy định về bù trừ nêu trên phần nào gây khó khăn cho việc xử lý nợ xấu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng bởi DN đang không có tiền trả nợ ngân hàng, chỉ có tài sản bảo đảm tiền vay là BĐS, nay phải bán đi để trả nợ, nếu có lãi lại phải nộp thuế ngay mặc dù hoạt động sản xuất kinh doanh đang bị lỗ. Nhiều trường hợp DN nộp thuế xong thì số tiền còn lại không đủ để trả ngân hàng.

Bộ Tài chính cho rằng, nếu cho phép DN được bù trừ lãi từ chuyển nhượng BĐS với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh thì sẽ không còn vướng mắc về thứ tự ưu tiên thanh toán khi bán tài sản bảo đảm tiền vay vì việc bù trừ lãi lỗ là thực hiện trên sổ sách của DN, còn khoản tiền có được do bán tài sản bảo đảm vẫn dùng để trả nợ ngân hàng. Nếu sau khi bù trừ mà còn thu nhập, DN có tài sản bảo đảm sẽ kê khai, nộp thuế TNDN cùng với thu nhập từ hoạt động sản xuất kinh doanh, chứ không phải nộp ngay trong vòng 10 ngày kể từ thời điểm chuyển nhượng BĐS. Đồng thời, nếu cho phép DN được bù trừ lãi từ chuyển nhượng BĐS với lỗ từ hoạt động sản xuất kinh doanh cũng góp phần giảm thủ tục hành chính vì DN không cần phải hạch toán riêng thu nhập từ chuyển nhượng BĐS (trừ các DN đang trong thời gian hưởng ưu đãi thuế TNDN) và cũng không phải kê khai, nộp thuế riêng trong vòng 10 ngày kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế đối với khoản thu nhập này.

Ngoài 2 nội dung lớn trên, dự thảo của Bộ Tài chính cũng nêu ra các quy định về miễn thuế đối với các tổ chức tài chính vi mô hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận; bổ sung chính sách thuế đối với DN xã hội; bổ sung quy định về khống chế chi phí lãi tiền vay không được trừ vào chi phí đối với khoản vay vượt quá nhiều lần vốn chủ sở hữu chính sách thuế TNDN đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ...

Dự kiến, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các Luật về thuế sẽ được trình Quốc hội khóa XIII cho ý kiến vào kỳ họp thứ 10.

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế TNDN
Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế Thu nhập doanh nghiệp có hiệu lực từ ngày 1/1/2014.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư