Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sẽ triển khai quản lý rủi ro với hành khách xuất nhập cảnh
Quang Hùng (HQ Online) - 11/03/2016 16:50
 
Trước sức ép về lưu lượng hành khách xuất nhập cảnh trên tuyến hàng không ngày càng gia tăng, đòi hỏi lực lượng Hải quan tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dựa trên áp dụng quản lý rủi ro.
 Áp dụng QLRR để kiểm tra, kiểm soát hoạt động XNC. Trong ảnh: Lực lượng Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra, giam sát hoạt động nhập cảnh. Ảnh: Hữu Linh.
Áp dụng QLRR để kiểm tra, kiểm soát hoạt động XNC. Trong ảnh: Lực lượng Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài kiểm tra, giam sát hoạt động nhập cảnh. Ảnh: Hữu Linh.

Qua khảo sát, Ban Quản lý rủi ro Hải quan (Tổng cục Hải quan) cho biết, trung bình 1 năm, Chi cục Hải quan sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh) thực hiện làm thủ tục xuất nhập cảnh, quá cảnh cho hơn 66.000 chuyến bay, với khoảng 11 triệu lượt khách (theo 62 đường bay quốc tế). Quy trình kiểm tra, giám sát hải quan đối với hành lý của người xuất nhập cảnh tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất hiện nay được thực hiện theo Quyết định số 1973/QĐ-TCHQ ngày 4-7-2014 và Quyết định số 1165/QĐ-TCHQ ngày 21/6/2011 của Tổng cục Hải quan.

Theo đó, đối với các chuyến bay nhập cảnh, Hải quan Tân Sơn Nhất thực hiện kiểm tra soi chiếu 100% hành lý của người nhập cảnh (hành lý xách tay và hánh lý ký gửi). Trong khi đó, trung bình mỗi ngày, Đội Hành lý nhập làm thủ tục cho khoảng 17.500 hành khách và 110 chuyến bay. Do vậy, trường hợp hành lý qua soi chiếu có nghi vấn, nếu công chức Hải quan muốn chuyển soi chiếu kỹ lưỡng mức 2 sẽ xảy ra tình trạng ùn tắc, cũng như tạo ra sức ép cho công chức Hải quan thực hiện soi chiếu, đặc biệt là giờ cao điểm (khoảng từ 9 giờ 30 phút đến 12 giờ và từ 16 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút). Mặt khác, việc soi chiếu 100% hành lý xách tay và hành lý ký gửi cùng chuyến đi như trên đi ngược với tạo thông thoáng, cải cách hiện đại hóa.

Đồng thời, đối với các chuyến bay xuất cảnh, trung bình mỗi ngày, Đội Hành lý xuất làm thủ tục cho khoảng 15.000 hành khách và khoảng 100 chuyến bay. Đội Hành lý xuất thực hiện soi chiếu 100% hành lý ký gửi và xách tay và soi chiếu chung cùng an ninh hàng không (từ thời điểm 15-11-2015), đảm bảo 24/24h. Bên cạnh đó, Đội cũng phối hợp với Tổ Kiểm soát ma túy, Tổ Kiểm soát trong việc triển khai các phương án kiểm tra, giám sát các đối tượng trọng điểm và chủ động phối hợp với các hãng hàng không để yêu cầu kiểm tra hành lý tại các quầy thủ tục hàng không. Tuy nhiên do việc bố trí các khâu kiểm tra của an ninh hàng không và Công an cửa khẩu bất hợp lý dẫn đến cảnh lộn xộn, làm mất mỹ quan tại khu vực sân bay vào giờ cao điểm.

Ban Quản lý rủi ro Hải quan dẫn chứng, qua khảo sát việc đánh giá rủi ro tại sân bay quốc tế các nước cho thấy, hoạt động kiểm tra, kiểm soát soi chiếu hành lý xách tay của hành khách xuất cảnh chủ yếu do an ninh cửa khẩu thực hiện, việc thực hiện của cơ quan Hải quan cũng được thông thoáng hơn dựa trên áp dụng quản lý rủi ro và sự phối hợp trao đổi thông tin với an ninh cửa khẩu. Chính vì vậy, với quy định cứng về thực hiện soi chiếu 100% đối với hành lý xách tay như hiện nay sẽ dẫn đến áp lực không nhỏ đối với CBCC, cũng như Chi cục phải đảm bảo nguồn lực thực hiện, trách nhiệm trong việc soi chiếu.

Hiện nay, tại sân bay quốc tế, công chức chuyên trách quản lý rủi ro chủ yếu là kiêm nhiệm và phụ trách theo dõi việc áp dụng quản lý rủi ro để phân luồng kiểm tra đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Trong khi đó, theo quy trình áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra, giám sát đối với hành lý của người xuất nhập cảnh, vai trò của công chức chuyên trách quản lý rủi ro để thực hiện phân tích, xác định trọng điểm hành khách đóng vai trò quyết định. Do vậy để đáp ứng yêu cầu triển khai quản lý rủi ro sâu rộng vào lĩnh vực nghiệp vụ, với khối lượng công việc ngày càng lớn, cần phải nghiên cứu tổ chức một đơn vị chuyên trách quản lý rủi ro (cấp Đội) phù hợp tại các sân bay quốc tế, đảm bảo 24/24h.

Thực hiện chủ trương áp dụng quản lý rủi ro trong quy trình kiểm tra, giám sát hải quan đối với hành lý của người xuất nhập cảnh của Bộ Tài chính, lãnh đạo Tổng cục Hải quan đồng ý giao cho Ban Quản lý rủi ro Hải quan tổ chức lấy ý kiến với các đơn vị liên quan thống nhất phương án áp dụng quản lý rủi ro, xác định trọng điểm kiểm tra, giám sát hải quan đối với tuyến, chuyến bay trọng điểm trong quy trình kiểm tra, giám sát hải quan đối với hành lý của người xuất nhập cảnh. Ban quản lý rủi ro hải quan đề xuất phối hợp với Vụ Tổ chức cán bộ nghiên cứu, khảo sát thực tế các sân bay quốc tế lớn như sân bay quốc tế: Nội Bài và Tân Sơn Nhất đề xuất mô hình đơn vị chuyên trách quản lý rủi ro phù hợp, đáp ứng yêu cầu triển khai áp dụng quản lý rủi ro trong các lĩnh vực nghiệp vụ theo Luật Hải quan 2014.

Mới đây, Ban quản lý rủi ro Hải quan chủ trì buổi họp lấy ý kiến tham gia của các đơn vị vụ, cục: Cục CNTT và thống kê Hải quan, Cục Giám sát quản lý về Hải quan; các Cục Hải quan: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh. Theo đó, các đơn vị cũng thống nhất xây dựng Đề án tổng thể về áp dụng quản lý rủi ro đối với hành khách xuất nhập cảnh gồm: Bổ sung, sửa đổi một số văn bản không còn phù hợp; kiện toàn bộ máy tổ chức; hoàn thiện, xây dựng hệ thống CNTT và thiết lập cơ chế hỗ trợ, phối hợp trao đổi thông tin với các bộ, ngành liên quan (do Ban quản lý rủi ro hải quan chủ trì).

Những thách thức với ngành hải quan khi vào AEC
Ngành hải quan cần tích cực triển khai các bước cải cách, hiện đại hóa, sẵn sàng đối mặt với các thách thức khi gia nhập Cộng đồng kinh tế...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư