Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 23 tháng 11 năm 2024,
Sẽ trình Quốc hội nghị quyết công nhận và cho thi hành phán quyết EVIPA tại Việt Nam
Nguyễn Lê - 01/06/2020 14:24
 
Pháp luật Việt Nam chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của Hiệp định EVIPA.
.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày tờ trình tai phiên họp.

Sáng 1/6, tại phiên họp 45B của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã trình bày tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Bộ trưởng cho biết, theo quy định tại Điều 3.57 của Hiệp định, mỗi Bên sẽ công nhận phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo Hiệp định này (“Phán quyết EVIPA”) và cho thi hành các nghĩa vụ tài chính theo Phán quyết đó trên lãnh thổ của mình.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã quy định đầy đủ, cụ thể về cơ chế công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài, nhưng chưa có quy định về thủ tục công nhận và cho thi hành phán quyết theo quy định của Hiệp định EVIPA. Do vậy, trình Quốc hội ban hành văn bản để hướng dẫn áp dụng Điều 3.57 của Hiệp định là phù hợp với quy định tại Khoản 4 Điều 3 Luật Điều ước quốc tế năm 2016 và cần thiết cho việc thi hành kịp thời Hiệp định ngay sau khi có hiệu lực, đồng thời bảo đảm tính khả thi, thống nhất và ổn định của hệ thống pháp luật.

Theo đó, Nghị quyết này quy định về cơ chế công nhận và cho thi hành tại Việt Nam nghĩa vụ về tài chính theo phán quyết chung thẩm của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư được ban hành theo quy định tại Mục B, Chương 3 của Hiệp định.

Nghị quyết quy định, tòa án có thẩm quyền của Việt Nam công nhận và cho thi hành nghĩa vụ về tài chính theo Phán quyết EVIPA như bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án Việt Nam và không xem xét lại giá trị pháp lý của Phán quyết này.

Nghị quyết cũng quy định về cơ chế đặc thù áp dụng trong thời gian 5 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực hoặc thời gian dài hơn sau thời gian này đối với Phán quyết EVIPA có bị đơn là Việt Nam. Theo đó, trong thời gian này, Phán quyết EVIPA có bị đơn là Việt Nam được công nhận và cho thi hành theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về công nhận và cho thi hành phán quyết của trọng tài nước ngoài.

Thẩm tra nội dung Chính phủ trình, Ủy ban Tư pháp nhất trí về sự cần thiết ban hành một Nghị quyết riêng về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý với việc có nghị quyết riêng của Quốc hội về cho công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp đầu tư theo Hiệp định EVIPA. Về cơ bản hồ sơ dự thảo Nghị quyết bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Ban hành Nghị quyết của Quốc hội áp dụng trực tiếp Hiệp định EVIPA
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đồng thời xem xét việc trình Quốc hội phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư