Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sếp Tập đoàn Thiên Long: "Cam kết không để xảy ra tình trạng thua lỗ trong thời gian tới"
Hồng Phúc - 16/05/2018 16:05
 
Với tốc độ tăng trưởng trung bình 15%/năm, đến 2020, Công ty cổ phần Tập đoàn Thiên Long sẽ cán mốc lợi nhuận sau thuế khoảng 1.000 tỷ đồng. Doanh số này đến từ việc mở rộng đầu tư, chủ động nguyên liệu cùng việc mở rộng thị trường xuất khẩu đang tăng đều đặn 30%/năm.
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Thiên Long sáng 16/05.
Toàn cảnh Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Thiên Long sáng 16/05

Cam kết không thua lỗ

Thiên Long đang ra sức mở rộng chi tiền đầu tư cả về mở rộng nhà máy, máy móc lẫn... khiến các cổ đông lo lắng về doanh thu, lợi nhuận trong ngắn hạn. Trọng điểm cần nhắc đến dự án sản xuất đầu bút vừa bắt đầu cuối 2017 và liên tục đầu tư từng giai đoạn đến 2020 với tổng vốn khoảng 88 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy cho phép Thiên Long có thể chủ động 70% nhu cầu với loại nguyên vật liệu này.

Ông Nguyễn Đình Tâm, tròn một năm “ngồi ghế” Tổng giám đốc Thiên Long chia sẻ, dự án này giúp Công ty vừa giảm sự phụ thuộc sản phẩm nhập khẩu cũng như tăng biên lợi nhuận khi tự sản xuất luôn có mức giá tối ưu hơn.

Ngoài ra, với mức chi đều đặn 10 tỷ đồng/năm cho việc thuê kho bãi cũng ảnh hưởng đến bức tranh tài chính chung của Thiên Long khiến HĐQT Thiên Long đang chuẩn bị phương án huy động vốn qua phát hành cổ phiếu riêng lẻ hoặc ESOP. Thêm vào đó là việc đầu tư mở rộng nhà máy tại Long Thành - Đồng Nai hay chi khoảng 30 tỷ đồng tại Tân Lực - Hà Nội để có mặt bằng sử dụng phát triển văn phòng và thí điểm trưng bày sản phẩm. Việc này đang được xem xét tiếp tục thực hiện tại miền Nam.

Bà Trần Phương Nga, Phó tổng giám đốc tài chính Thiên Long phủ nhận quan điểm cho rằng Công ty chỉ tập trung đầu tư dài hạn và có thể ảnh hưởng đến doanh thu và lợi nhuận trong ngắn hạn.

“Chi phí bán hàng, đầu tư nhân sự, văn phòng... là những khoản đầu tư tạo nguồn thu ngắn hạn. Quý cổ đông yên tâm chúng tôi cam kết không để xảy ra tình trạng thua lỗ trong thời gian tới”, bà Trần Phương Nga nói..

Xuất khẩu sẽ chiếm 25% tổng doanh thu

Theo kế hoạch năm 2017, Thiên Long dự kiến đạt doanh thu thuần khoảng 2.850 tỷ đồng cùng lợi nhuận hợp nhất sau thuế ở mức 290 tỷ đồng, tăng lần lượt khoảng 14,1% và 8,2% so với 2017. Kết quả này phụ thuộc cả vào thị trường xuất khẩu cũng như biến động giá nguyên liệu ảnh hưởng đến chi phí sản xuất.

Kế hoạch kinh doanh 2018 của Thiên Long.
Kế hoạch kinh doanh 2018 của Thiên Long.

Năm 2017, doanh thu xuất khẩu đến hơn 50 quốc gia của Thiên Long đạt hơn 327,7 tỷ đồng với sự tăng trưởng đặc biệt từ 65% - 241% ở một số thị trường như Myanmar, Thái Lan...

5 năm trước, Thiên Long vừa “đặt chân” vào thị trường Philippine đã nhận được hàng loạt lời khuyên nên rời bỏ thị trường này bởi “bát nháo và Thiên Long chưa có tên tuổi tại đây” từ các nhà phân phối. Theo lời ông Tâm, Thiên Long “may mắn” tìm và hợp tác cùng với một nhà phân phối tâm huyết, có kinh nghiệm thị trường dù không sở hữu sức mạnh từ tài chính.

“Khi đó, chúng tôi chỉ bán đúng 1 sản phẩm bút bi mực trơn với cạnh tranh. Đến tháng 4 vừa rồi, Thiên Long và đối tác này đã cán mốc bán 2 triệu cây/tháng. Tôi hỏi họ khi nào bán được 5 triệu cây/tháng. Họ nói cần 2 năm nữa”, Tổng giám đốc Thiên Long chia sẻ.

Từng gia nhập thị trường Trung Quốc nhưng Thiên Long chưa thành công và dự kiến sẽ quay lại khai thác sau 2020.

Ông Trần Huỳnh, Giám đốc Phát triển thị trường Đông Nam Á của Thiên Long cũng chia sẻ, hầu hết các quốc gia Thiên Long hiện diện đều đã có những doanh nghiệp nội địa quy mô tương đương.

Tuy nhiên, sự khác biệt và “rổ” sản phẩm đa dạng (bút, văn phòng phẩm...) giúp ông Cô Gia Thọ, Chủ tịch HĐQT khẳng định sự phát triển của Thiên Long ngoài biên giới còn nhiều tiềm năng bởi cung cấp sản phẩm xứng đáng “đồng tiền bát gạo”.

“Như thị trường Malaysia chúng tôi phải bán sản phẩm màu nước trước thay vì mặt hàng bút viết như thị trường Philippines. Khi họ yêu thích loại này thì mới có thể đưa các loại khác vào rất dễ. Đó là sự đa dạng- yếu tố mà nhiều đối thủ cạnh tranh không có được”, ông Cô Gia Thọ nói và chia sẻ, sức mạnh cạnh tranh của Thiên Long không chỉ hiển diện trong bản thân sản phẩm hay giá cả mà còn nhiều yếu tố khác như hỗ trợ kiến thức đối tác bán hàng.

“Chúng tôi có đội ngũ cùng nhà phân phối phát triển thị trường chứ không phải chỉ xuất đơn hàng, hay để họ tự thân bán hàng. Mặt khác, nhiều công ty xuất khẩu không thể bán dưới thương hiệu của mình trong khi Thiên Long luôn mang cái tên Flexoffice hiện diện”, Chủ tịch Thiên Long nhấn mạnh.

Hiện, doanh thu thị trường nội địa và xuất khẩu của Thiên Long đang tăng lần lượt 12%/năm và 28%/năm. Thiên Long đặt mục tiêu đến cuối 2020, tỷ trọng doanh thu từ xuất khẩu sẽ chiếm từ 20% - 25% thay vì chỉ 15% như 2017.

Ngoài ra, nhóm sản phẩm bút viết đóng góp khoảng 42% trong tổng doanh thu của Thiên Long năm 2017 (tăng 12% so với 2016), trong khi nhóm văn phòng phẩm chiếm 30% (tăng 25% so với 2016) và nhóm dụng cụ mỹ thuật mang lại khoảng 10%, phần còn lại đến từ việc Thiên Long phân phối các sản phẩm không do công ty sản xuất.

“Sự ảnh hưởng cũng như lãi gộp của nhóm bút viết rất cao trong khi nhu cầu đang chững lại cũng là áp lực cho ban lãnh đạo. Chúng tôi sẽ tăng lãi gộp từng nhóm sản phẩm mũi nhọn, cao cấp cũng sự tăng trưởng của nhóm văn phòng phẩm và tiết giảm chi phí hoạt động bán hàng, xuống hơn 25% để giải quyết vấn đề này”, Phó tổng giám đốc tài chính Thiên Long nói.

Ông Cô Gia Thọ bày tỏ sự mong muốn tìm kiếm đối tác chiến lược tham gia vào Thiên Long. Tuy nhiên, có thể điều này đang gặp nhiều trở ngại trong quá trình lựa chọn. Tính đến 31/12/2017, cơ cấu cổ đông của TLG khá cô đặc khi ông Cô Gia Thọ và CTCP Đầu tư Thiên Long An Thịnh (do ông Thọ đại diện sở hữu) nắm đến 58.02% trong khi các cá nhân, tổ chức nước ngoài khoảng 27.81%. Riêng “anh em nhà KIDO” là ông Trần Kim Thành, Phó Chủ tịch HĐQT Thiên Long và ông Trần Lệ Nguyên, Thành viên HĐQT độc lập chỉ nắm 0,12%.

Thép Hòa Phát được cấp vào tuyến metro trọng điểm đầu tiên tại Hà Nội
Tập đoàn Hòa Phát đã hoàn thành việc cấp lô hàng 2.000 tấn thép thanh đầu tiên từ D10 đến D40, mác thép B500B, tiêu chuẩn Anh Quốc, vào dự án...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư