Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 19 tháng 03 năm 2024,
SGI Captial: Nửa đầu năm 2023, giai đoạn tăng tốc của chu kỳ suy giảm lợi nhuận
Hải An - 26/01/2023 12:57
 
Đỉnh điểm của chu kỳ suy giảm lợi nhuận sẽ là khi suy thoái toàn cầu xảy ra với nhiều tin xấu của doanh nghiệp và thị trường tài chính, tín dụng

Báo cáo của SGI Capital cho biết, thị trường chứng khoán toàn cầu tháng 12/2022 giảm đồng pha khi S&P 500 giảm 5,9%, Euro Stoxx 50 giảm 4,32%, Shanghai Composite giảm 1,97%. Có một số diễn biến mới cần chú ý. 

Chính sách tiền tệ toàn cầu vẫn đang ở giai đoạn thắt chặt khi FED vẫn nâng lãi suất và hút tiền ở tốc độ nhanh, ECB bước vào giai đoạn nâng mạnh lãi suất và bắt đầu lộ trình giảm bảng cân đối, và BOJ bắt đầu nâng lợi tức trái phiếu để kiềm chế lạm phát tại Nhật Bản (đang cao nhất trong 50 năm).

Với chính sách tiền tệ của các NHTW thắt chặt nhằm giảm tiêu dùngđầu tư, qua đó đưa lạm phát về mức mục tiêu 2%. Việc các NHTW giảm lãi suất sẽ chưa sớm xảy ra trước khi triển vọng việc làm xấu đi đáng kể và xuất hiện những biểu hiện rõ ràng hơn của suy thoái.

Năm 2022, lạm phát và lãi suất tăng đã chi phối hoạt động kinh tế và đầu tư toàn cầu. Đây là năm hiếm hoi hầu hết các tài sản rủi ro đều giảm mạnh, đánh dấu sự kết thúc của một chu kỳ 40 năm lãi suất giảm và duy trì ở mặt bằng siêu thấp. Năm 2023, tâm điểm sẽ xoay quanh chủ đề tác động của lãi suất cao lên kinh tế toàn cầu, trong đó các câu hỏi về khả năng xảy ra suy thoái, thời điểm và mức độ suy thoái sẽ quyết định đối sách hành động của các chính phủ và NHTW, qua đó sẽ tác động lên diễn biến các kênh tài sản.

Nhiều chỉ báo sớm đang cho thấy xác suất xảy ra suy thoái kinh tế Mỹ và toàn cầu trong năm 2023 đang tăng cao. Cùng với các chỉ báo theo đường cong lợi suất (Yield Curves), Conference Board Leading Economics Indicators cũng đang cho thấy thời điểm xảy ra suy thoái có thể không còn xa. 

Lịch sử các lần suy thoái kinh tế, thị trường chứng khoán thường không tạo đáy lớn trước khi suy thoái xảy ra, giảm mạnh khi suy thoái bắt đầu, và tạo đáy trước khi suy thoái kết thúc. 

Các dự báo về triển vọng kinh doanh 2023 của doanh nghiệp toàn cầu đang được điều chỉnh giảm, tuy vậy lịch sử cho thấy hầu hết các dự báo vẫn sẽ trễ hơn suy giảm lợi nhuận thực tế khi bước vào suy thoái. Kinh tế Trung Quốc phục hồi hậu COVID và khả năng các NHTW nới lỏng trở lại sẽ giúp giảm ảnh hưởng tiêu cực khi suy thoái toàn cầu xảy ra và cũng là điều kiện cần cho sự bắt đầu của một chu kỳ tăng trưởng mới. 

Thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 12 điều chỉnh đồng pha cùng thế giới ở mức -3,94% nhưng nhẹ hơn nhờ dòng vốn ngoại duy trì và dư nợ margin sau pha giải chấp tháng 10/2022 đã giảm mạnh.

SGI Capital cho rằng, giai đoạn căng thẳng nhất của thị trường tiền tệ đã qua khi lãi suất liên ngân hàng từ mức đỉnh 8% đã giảm về vùng thấp của nhiều năm (dưới 3%). Tuy nhiên, lãi suất tiết kiệm và lãi suất trái phiếu cũng đã giảm nhẹ nhưng chưa đồng đều do LDR của hệ thống ngân hàng vẫn ở mức cao. Tiếp tục quan sát những điểm sáng trong thời gian tới từ việc tỷ giá giảm sâu về gần giá chào mua mở ra cơ hội cho SBV có thể mua vào dự trữ ngoại hối, qua đó hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống ngân hàng.

Sự cải thiện thanh khoản trong hệ thống ngân hàng đã giúp giảm bớt sự căng thẳng và ổn định tâm lý nhưng chưa đủ để tạo nên giao dịch sôi động hơn trên thị trường chứng khoán. Sự thận trọng vẫn bao trùm trong giai đoạn mặt bằng lãi suất thực đang tăng cao, ảnh hưởng tới hoạt động kinh tế nói chung và gần nhất là kết quả kinh doanh quý 4, cũng như triển vọng năm 2023.

Dòng tiền nước ngoài xuất phát từ nhiều quỹ khác nhau và giải ngân mạnh ở vùng VN-Index 1000 điểm trong tháng 12 tiếp tục hỗ trợ thị trường cả về điểm số lẫn tâm lý.

Các thị trường khu vực như Phillipines và Thái Lan cũng đang thể hiện sự mạnh mẽ nhờ kỳ vọng khách du lịch Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường các nền kinh tế phụ thuộc xuất khẩu như Hàn Quốc và Đài Loan không có diễn biến tích cực với quan ngại về nhu cầu suy giảm.

Thị trường Việt Nam, với sức hấp dẫn về định giá thấp sau đợt giảm mạnh quý 4, vẫn đang thu hút dòng tiền ngoại. Tuy nhiên, mức độ mua ròng có thể giảm dần khi VN-Index tiệm cận 1.100 hoặc diễn biến các thị trường thế giới và khu vực xấu đi cùng mối lo về suy thoái toàn cầu.

TTCK tăng và giảm theo hai động lực lớn nhất là lãi suất và triển vọng tăng trưởng lợi nhuận.

Nhưng suy thoái, nếu xảy ra, cũng sẽ khiến chính sách đảo chiều và mang lại những cơ hội đầu tư tốt nhất. Lịch sử cho thấy, TTCK tạo đáy trước kinh kế thực trung bình 6 tháng. 

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư