Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
SHB muốn khóa room ngoại xuống 10%, trình kế hoạch phát hành trái phiếu quốc tế
Thanh Thủy - 19/04/2021 17:43
 
Chưa tới 3 ngày nữa sẽ diễn ra cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của SHB, tài liệu họp đang được SHB dần công bố tới các cổ đông.

Vào ngày 22/4 tại Hà Nội,  Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2021 của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) sẽ diễn ra. Các tờ trình gửi đến cổ đông phải đến thời gian này gần đây mới được cập nhật dù đường dẫn đến trang Tài liệu đại hội đã được công bố từ ngày 2/4/2021. Một số tài liệu luôn có trong các kỳ họp đại hội thường niên như báo cáo của Tổng giám đốc, Hội đồng quản trị hay phương án phân phối lợi nhuận đều chưa cập nhật.

Những ngày đầu tháng 3/2021, phía SHB từng đưa thông tin về kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mức tăng trưởng lợi nhuận là 70%. Đến thời điểm hiện tại, văn bản về phương án kinh doanh năm 2021, vốn thường nằm trong báo cáo của tổng giám đốc, vẫn chưa được công bố.

Theo cập nhật mới nhất, một trong các nội dung được SHB trình cổ đông là đề xuất hạ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa từ mức 30% theo quy định xuống 10%. Lý do  bởi nhà băng này muốn giữ lại một phần tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài nhằm thu hút các nhà đầu tư chiến lược do SHB lựa chọn có năng lực phù hợp và hỗ trợ mang lại lợi ích tốt nhất, tờ trình của Chủ tịch HĐQT Đỗ Quang Hiển nêu.

SHB mong muốn chốt room ngoại chỉ còn ở mức 10% để tìm kiếmvà lựa chọn đối tác chiến lược. Tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài là không quá 20%. Tỷ lệ 20% vốn điều lệ cũng là giới hạn tối đa mà một tổ chức được phép sở hữu tại một ngân hàng Việt Nam. Hiện tỷ lệ sở  hữu nước ngoài tại SHB chỉ khoảng 4%. Khi hạ room xuống 10%, dư địa mua cổ phần của các nhà đầu tư ngoại thực tế vẫn còn khá lớn.

Trước SHB, Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) cũng từng có một thời gian dài tự hạ room ngoại, bỏ ngỏ khả năng tìm kiếm nhà đầu tư nước ngoài tiềm năng. Tuy vậy, sau nhiều năm, đến tháng 3/2020, MBBank đã trích một phần room ngoại để thực hiện đợt chào bán riêng lẻ cổ phiếu cho 8 nhà đầu tư tài chính.

Tại kỳ họp năm nay, SHB cũng sẽ trình cổ đông thông qua phương án phát hành trái phiếu quốc tế theo chương trình Euro Medium Term Note (EMTN) và kế hoạch niêm yết trái phiếu quốc tế tại Sở Giao dịch Chứng khoán Singapore sau khi hoàn tất các đợt phát hành.

Giá trị phát hành tối đa là 500 triệu USD. Trái phiếu không có đảm bảo, không kèm chứng quyền, không chuyển đổi, có thể gồm cả trái phiếu tăng vốn cấp 2 (được mua lại sau 5 năm 1 ngày). Dự kiến, đợt đầu tiên được phát hành từ năm 2021 đến khi hoàn tất việc phát hành trái phiếu. SHB sẽ phát hành 300 triệu USD trái phiếu với hạn từ 3-5 năm. Trái phiếu sẽ được niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Singapore sau đó.

Tháng 8/2019, SHB cũng từng lấy ý kiến cổ đông về phương án phát hành trái phiếu ra nước ngoài. Giá trị phát hành công bố khi đó cũng là 500 triệu USD với thời gian dự kiến vào quý IV/2019 và năm 2020. Tuy nhiên, phương án chưa được thực hiện. Theo số liệu cập nhật đến cuối năm 2020, nguồn vốn SHB huy động từ kênh trái phiếu là 6.250 tỷ đồng và đều bằng đồng nội tệ (VND).

Bùng nổ giao dịch hàng chục triệu cổ phiếu SHB trong một phút, sắc xanh áp đảo cả ba sàn
Sắc xanh trở lại mạnh mẽ dù khối ngoại vẫn giữ vị thế bán ròng. SHB gây bất ngờ khi tăng trần phiên thứ 2 liên tiếp với chục triệu cổ...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư