Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 12 tháng 01 năm 2025,
Shenzhen Component trượt hơn 2% theo nỗi lo khủng hoảng vận tải biển
Lê Quân - 16/06/2021 17:11
 
Các chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc hôm 16/6 đồng loạt giảm điểm khi cuộc khủng hoảng vận tải biển lộ diện ở miền Nam nước này.
Chỉ số Shenzhen Component giảm hơn 2% trong phiên giao dịch chiều 16/6. Ảnh: AFP
Chỉ số Shenzhen Component giảm hơn 2% trong phiên giao dịch chiều 16/6. Ảnh: AFP

Chứng khoán Trung Quốc đại lục giảm điểm nhiều nhất trong các thị trường lớn ở châu Á - Thái Bình Dương, với chỉ số Shenzhen Component giảm 2,014% trong phiên giao dịch chiều 16/6 còn chỉ số Shanghai Composite rớt 0,77%. Tại Hong Kong, chỉ số Hang Seng trượt 0,23%.

Đợt bùng phát dịch Covid-19 gần đây ở thủ phủ Quảng Châu đang có nguy cơ lan khắp tỉnh Quảng Đông. Quảng Đông là một trong những trung tâm vận chuyển hàng đầu của Trung Quốc, đóng góp khoảng 24% tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới. Cảng Thâm Quyến và cảng Quảng Châu là hai cảng biển lớn thứ 3 và thứ 5 trên thế giới theo khối lượng container, theo đánh giá của Hội đồng Vận tải biển Thế giới (WSC).

Việc tăng cường kiểm dịch và các biện pháp phòng chống Covid-19 đã gây ra độ trễ đáng kể tại các cảng vận chuyển trọng điểm của Quảng Đông. Các chuyên gia cảnh báo rằng điều này có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Sự gián đoạn vận tải ở Thâm Quyến và Quảng Châu có hệ lụy vô cùng lớn. Đơn cử, nó sẽ gây ra tác động chưa từng có đối với chuỗi cung ứng", ông Brian Glick, Giám đốc điều hành nền tảng tích hợp chuỗi cung ứng Chain.io đánh giá.

Thành phố Quảng Châu gần đây xác nhận có 96 trong số hơn 100 ca mắc Covid-19 tại tỉnh Quảng Đông trong đợt bùng phát Covid-19 lần này. Ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là một phụ nữ 75 tuổi, được phát hiện vào ngày 21/5.

Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 chiều nay giảm 0,39% trong khi chỉ số Topix vẫn nhích 0,19%. Bộ Tài chính Nhật Bản hôm nay 16/6 công bố, xuất khẩu của nước này trong tháng 5 tăng 49,6% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này vẫn thấp hơn dự báo 51,3% mà các chuyên gia kinh tế đưa ra trong cuộc thăm dò gần đây của Reuters.

Chỉ số Kospi của Hàn Quốc hôm nay tăng hơn 0,58% còn chứng khoán Australia cũng đón sắc xanh với chỉ số S&P/ASX 200 nhích nhẹ 0,18%. Tuy nhiên, chỉ số MSCI khu vực châu Á - Thái Bình Dương (ngoại trừ Nhật Bản) vẫn giảm 0,25%.

Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính đêm qua đồng loạt "đỏ sàn" đợi tin tức từ cuộc họp chính sách kéo dài 2 ngày của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kết thúc vào ngày 16/6. Chỉ số S&P 500 rớt 0,2% còn 4.246,59 điểm, trong khi chỉ số bình quân công nghiệp Dow Jones để mất 94,42 điểm còn 34.299,33. Trong khi đó, chỉ số thiên về công nghệ Nasdaq Composite giảm 0,71% xuống 14.072,86 điểm.

Fed dự kiến sẽ không thực hiện bất kỳ hành động chính sách nào trong cuộc họp lần này, nhưng các nhà giao dịch và giới đầu tư vẫn hồi hộp theo dõi phản ứng của Fed đối với lạm phát và kế hoạch cắt giảm mua vào tài sản.

Trên thị trường tiền tệ, chỉ số đô la Mỹ so với các đồng tiền mạnh khác giảm về 90,533, từ mức trên 90,6 thiết lập trước đó. Đồng yên Nhật tiếp tục trượt giá và giao dịch ở mức 110,06 JPY đổi 1 USD, còn đồng đô la Australia cũng suy yếu và trao tay 1 AUD đổi 0,7694 USD, từ mức 1 AUD/0,772 USD thiết lập đầu tuần.

Dầu mỏ giao dịch theo giờ châu Á chiều nay tăng giá. Giá dầu thô Brent giao kỳ hạn tăng gần 1% và giao dịch ở mức 74,70 USD/thùng, còn giá dầu thô giao sau của Mỹ ghi nhận tăng 0,87% lên 72,75 USD/thùng.

Chứng khoán Nhật Bản tăng điểm mạnh nhất trước thềm Fed họp chính sách
Thị trường chứng khoán Nhật Bản và Australia đều tăng gần 1%, mức tăng mạnh nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong ngày giao dịch 15/6.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư