Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 17 tháng 01 năm 2025,
Siết chặt quản lý phương tiện kinh doanh vận tải
T.H - 23/11/2020 17:23
 
Phó thủ tướng Trương Hòa Bình mới đây đã yêu cầu xử lý nghiêm chủ doanh nghiệp để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng và truy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước liên quan.
Kiểm tra xử lý nghiêm những vi phạm đối với chủ phương tiện kinh doanh vận tải.
Kiểm tra xử lý nghiêm những vi phạm đối với chủ phương tiện kinh doanh vận tải.

Doanh nghiệp vận tải không vô can

Theo thống kê từ Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 10 tháng năm 2020, toàn quốc xảy ra 11.653 vụ tai nạn giao thông, làm chết 5.456 người, bị thương 8.630 người. So với 10 tháng năm 2019, giảm 2.598 vụ (18,23%), giảm 862 người chết (13,64%) và giảm 2.243 người bị thương (20,63%).

Tuy nhiên, từ tháng 6/2020 đến nay, trên địa bàn cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ô tô kinh doanh vận tải, làm chết và bị thương nhiều người, khiến dư luận bức xúc, bất an.

Nghiêm trọng nhất là vụ tai nạn giao thông ngày 26/7 tại Quảng Bình làm 15 người chết, 22 người bị thương. Ngoài ra, còn có vụ tai nạn giao thông tại Kon Tum ngày 11/7 làm 6 người chết, 35 người bị thương; tại Bình Thuận ngày 21/7 làm 8 người chết, 7 người bị thương. Mới đây, ngày 6/11, một vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại tuyến đường liên thôn Bản Mồ (thị trấn Đồng Văn, huyện Đồng Văn, Hà Giang) khiến 3 du khách người Đà Nẵng tử vong, 4 người khác bị thương…

Tại cuộc họp Thường trực Ủy ban An toàn giao thông quốc gia mới đây, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia chỉ rõ, những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng nêu trên là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự, an toàn giao thông của lái xe, chủ xe như người lái xe điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, sai luồng, tuyến đăng ký, vi phạm nồng độ cồn, chở quá tải, sức khỏe không bảo đảm, buồn ngủ, lái xe không có bằng lái phù hợp loại phương tiện, thiếu ý thức, không tuân thủ quy tắc điều khiển khi đi trên đoạn đường đèo dốc.

Đánh giá một cách thẳng thắn, nguyên nhân cơ bản gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng chính là sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc thực hiện phương án bảo đảm an toàn giao thông theo quy định, quản lý lái xe lỏng lẻo, chạy sai lộ trình, không có thiết bị giám sát hành trình…

“Việc này tuy đã nhắc đi, nhắc lại nhiều lần, nhưng từ đó đến nay, vẫn chưa có một trường hợp chủ phương tiện, doanh nghiệp vận tải nào bị xử lý hình sự do vi phạm quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải, để xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Không thể nói các chủ doanh nghiệp vô can khi để lái xe nghiện ma túy, lái xe không có bằng lái đúng loại xe. Do đó, cần nghiêm túc làm rõ vấn đề này. Cần xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương; làm rõ việc phân công, phân cấp trong tuần tra, kiểm soát của lực lượng chức năng...”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng cũng yêu cầu, xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, bởi tình hình xảy ra như trên có trách nhiệm quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương.

“Tôi đã giao các bộ, ngành, địa phương kiểm tra doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhưng việc này làm chưa quyết liệt, trật tự lòng lề đường, hành lang an toàn giao thông chưa bảo đảm. Đề nghị các cấp, các ngành quyết liệt hơn”, Phó thủ tướng chỉ đạo.

Những giải pháp cấp bách

Để khắc phục, hạn chế tai nạn giao thông nói chung và tai nạn giao thông liên quan đến hoạt động kinh doanh vận tải bằng ô tô nói riêng, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đề ra hàng loạt giải pháp cấp bách.

Liên quan vụ tai nạn thảm khốc ở Hà Giang khiến 3 du khách người Đà Nẵng tử vong và 4 người bị thương, Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an đã chỉ đạo Cục Cảnh sát giao thông phối hợp Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, đánh giá toàn diện hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ôtô, tập trung vào các điều kiện an toàn của xe chở học sinh, xe chở khách du lịch. Từ đó, kiến nghị giải pháp ngăn chặn những điều kiện có khả năng gây mất an toàn; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm của cá nhân, tổ chức là chủ xe, lái xe kinh doanh vận tải hành khách.

Thứ nhất, giao Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) báo cáo về việc kiểm tra các doanh nghiệp có lái xe điều khiển gây tai nạn giao thông từ tháng 1/2019 đến nay; chú trọng xử lý đối với vi phạm của chính phương tiện gây tai nạn giao thông và kiến nghị xử lý cơ quan cấp giấy phép doanh nghiệp vận tải.

Thứ hai, giao Bộ Công an báo cáo xử lý trách nhiệm của chủ phương tiện, chủ cơ sở kinh doanh vận tải có lái xe gây ra tai nạn nghiêm trọng từ tháng 1/2019 đến nay. Yêu cầu lực lượng công an duy trì tuần tra kiểm soát xe tải, xe khách trong khoảng thời gian từ 21 giờ đêm đến 5 giờ sáng; gắn trách nhiệm người đứng đầu đơn vị phụ trách, quản lý các tuyến đường; xử lý nghiêm những cá nhân, tổ chức làm giả giấy khám sức khỏe, giấy phép lái xe.

Đối với các sở GTVT của các tỉnh, thành phố, Bộ GTVT yêu cầu tiếp tục xử lý các vị trí điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ do địa phương quản lý; chú trọng các đoạn tuyến đi qua khu vực đèo dốc, nguy hiểm. Đặc biệt, tổ chức thanh, kiểm tra đối với các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện vi phạm; chú trọng kiểm tra các đơn vị kinh doanh vận tải có phương tiện gây tai nạn; xử lý nghiêm đối với hành vi chủ xe giao phương tiện kinh doanh vận tải cho lái xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện và kiến nghị xử lý trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép kinh doanh vận tải (nếu có sai phạm).

Miễn giảm phí sử dụng đường bộ với các đơn vị kinh doanh vận tải
Chia sẻ khó khăn với các đơn vị kinh doanh vận tải bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, từ ngày 10/8 sẽ giảm 10-30% phí sử dụng đường bộ đối...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư