Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Siết trái phiếu doanh nghiệp: Giảm rủi ro, tạo lối thoát cho huy động vốn
Thùy Liên - 19/07/2020 10:09
 
Nghị định mới về trái phiếu doanh nghiệp buộc nhà đầu tư và DN phát hành trái phiếu phải chuyên nghiệp hơn, vừa bịt các lỗ hổng trên thị trường, song cũng tạo lối thoát cho DN huy động vốn.
.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi nhiều quy định về điều kiện phát hành trái phiếu so với quy định cũ.

Doanh nghiệp, nhà đầu tư phải chuyên nghiệp hơn

Doanh nghiệp không cần tài sản thế chấp, không bị giám sát dòng tiền… vẫn có thể huy động hàng ngàn tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với thủ tục đơn giản. Thậm chí, có doanh nghiệp huy động vốn trái phiếu nhiều gấp 50-100 lần vốn chủ sở hữu. Còn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư cá nhân khi rót tiền cho doanh nghiệp vay thường chỉ quan tâm lãi suất cao và “bảo lãnh miệng” của đơn vị phân phối, mà không mấy khi quan tâm tới sức khỏe doanh nghiệp, điều kiện thanh toán, nguy cơ rủi ro…

Không thể phủ nhận, trái phiếu doanh nghiệp đang trở thành kênh hỗ trợ vốn đắc lực cho doanh nghiệp. Thống kê của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, giá trị trái phiếu phát hành trong nửa đầu năm 2020 thông qua kênh trái phiếu riêng lẻ đạt 156.327 tỷ đồng, tương đương 53% lượng phát hành của cả năm 2019.

Tuy nhiên, điều kiện phát hành có phần dễ dãi cũng khiến trái phiếu doanh nghiệp trở thành “con dao hai lưỡi” với cả doanh nghiệp, nhà đầu tư. Sự mù mờ, tâm lý tham lam của nhà đầu tư và sự liều lĩnh của doanh nghiệp phát hành đang gây rủi ro cho thị trường.

Đây chính là lý do Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP sửa đổi nhiều quy định về điều kiện phát hành trái phiếu so với quy định cũ, như hạn chế giao dịch trong phạm vi dưới 100 nhà đầu tư không kể nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; dư nợ phát hành không vượt quá 5 lần vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính quý gần nhất; các đợt phát hành phải cách nhau ít nhất 6 tháng…

Theo một số công ty chứng khoán, quy định trên sẽ khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ hạ nhiệt. Đại diện một doanh nghiệp bất động sản cho rằng, các quy định trên khá khắt khe. Đặc trưng của doanh nghiệp bất động sản là cần huy động vốn lớn, hệ số đòn bẩy 5 lần là quá thấp, việc hạn chế thời gian phát hành không quá 2 lần/năm gây khó cho doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, các quy định trên là rất cần thiết, khiến nhà đầu tư và cả doanh nghiệp phát hành phải chuyên nghiệp hơn. Đồng thời, khuyến khích nhà đầu tư tổ chức tham gia thị trường này nhiều hơn bởi họ có khả năng phân tích, đánh giá tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành trái phiếu tốt hơn nhà đầu tư cá nhân.

“Dĩ nhiên, nếu được phát hành trái phiếu ‘xông xênh’ như thời gian qua, thì doanh nghiệp sẽ thích hơn, song quy định quá mở sẽ gây rủi ro cho nhà đầu tư và thị trường. Siết lại điều kiện phát hành trái phiếu doanh nghiệp đòi hỏi doanh nghiệp phát hành phải tính toán chi li hiệu quả, gọi vốn phù hợp với năng lực của mình, từ đó giảm thiểu rủi ro cho nhà đầu tư và cho cả chính mình”, TS. Cấn Văn Lực nhận định.

Phải phát triển thị trường thứ cấp

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp nước ta còn khá nhỏ bé, mới chiếm khoảng 12% GDP, trong khi nhiều nước trong khu vực lên tới 22% GDP. Tuy nhiên, kênh gọi vốn này đang gây lo ngại cho các cơ quan quản lý, Bộ Tài chính nhiều lần lên tiếng cảnh báo. Một trong các lý do dẫn đến tình trạng này là một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư cá nhân đang lao vào trái phiếu, trong khi đa phần thiếu khả năng phân tích, đánh giá rủi ro.

Trưởng phòng quản lý rủi ro của một ngân hàng cho hay, ông từng ký hợp đồng mua trái phiếu doanh nghiệp vì ham lãi cao. Song sau khi nghiền ngẫm hợp đồng dài cả trăm trang, ông mới nhận thấy rủi ro quá lớn và vội vàng chuyển nhượng.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Phó vụ trưởng Vụ Tài chính ngân hàng, Bộ Tài chính khẳng định, việc thay đổi quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp không phải nhằm “siết” hay “nới” thị trường này. Mục đích cuối cùng của cơ quan quản lý là tạo môi trường pháp lý minh bạch, tạo điều kiện cho doanh nghiệp huy động vốn, song cũng đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.   

Tán thành quan điểm này, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc FiinGroup cho rằng, việc “nắn” thị trường đang ở giai đoạn đầu phát triển, quy mô nhỏ là rất cần thiết. Nếu để thị trường phình to, khi có quá nhiều nhà đầu tư cá nhân tham gia rồi mới điều chỉnh thì quá muộn.   

Dù vậy, các chuyên gia kinh tế cho rằng, những giải pháp mà Nghị định 81 đưa ra là chưa đủ để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển lành mạnh và bền vững. Thời gian tới, cần bổ sung thêm nhiều giải pháp cho thị trường này như đẩy mạnh thị trường thứ cấp, doanh nghiệp phát hành phải được xếp hạng tín nhiệm…

Để phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trước hết cần tạo điều kiện phát triển thị trường thứ cấp (mua đi, bán lại) để tăng tính thanh khoản cho thị trường. Tiếp đó, cần sớm có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm để họ có thể đánh giá các công ty, doanh nghiệp phát hành, cũng như từng đợt phát hành, để nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư cá nhân dựa vào đó làm kênh tham khảo quan trọng để ra quyết định đầu tư. Ngoài ra, cần sớm đưa chuẩn quốc tế vào để chuẩn hóa báo cáo tài chính của doanh nghiệp phát hành.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV

Quy định mới về phát hành trái phiếu doanh nghiệp có hiệu lực từ 1/9
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký ban hành Nghị định số 81/2020/NĐ-CP hiệu lực từ 1/9/2020, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư