Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 24 tháng 04 năm 2024,
Số doanh nghiệp phải bán vốn nhà nước sẽ rất nhiều
Mạnh Bôn - 29/04/2016 08:20
 
Hôm nay (29/4), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị với cộng đồng doanh nghiệp. “Đây là hội nghị rất quan trọng để tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, nâng cao hiệu quả, nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp”, ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho biết.

Tình hình sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp trong quý I năm nay thế nào, thưa ông?

Trong quý I/2016, với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp tiếp tục được đẩy mạnh. Số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa trong 3 tháng đầu năm tuy không nhiều (cổ phần hóa được 30 đơn vị), nhưng chất lượng đã được nâng lên do Chính phủ quyết tâm đưa một số tập đoàn, tổng công ty vào danh sách cổ phần hóa trong năm nay.

Cụ thể, Tập đoàn Công nghiệp cao su sẽ hoàn tất các thủ tục cổ phần hóa trong năm nay, để đến quý I/2017 tiến hành phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO). Tổng công ty Phát điện 3 (thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam) và MobiFone cũng nằm trong danh sách cổ phần hóa trong năm nay.

.
Ông Đặng Quyết Tiến, Phó cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính)

Nhìn lại quá trình sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước trong giai đoạn vừa qua, ông đánh giá thế nào?

Thực hiện chủ trương tái cơ cấu doanh nghiệp, các cơ chế, chính sách về sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn 2011 - 2015 tiếp tục được hoàn thiện theo hướng nâng cao chất lượng cổ phần hóa, ngăn chặn thất thoát vốn, tài sản nhà nước, qua đó tạo môi trường pháp lý đầy đủ và thuận lợi để triển khai thực hiện.

Kết quả là, trong giai đoạn 2011 - 2015, đã sắp xếp, cổ phần hóa được 558 doanh nghiệp nhà nước, trong đó, cổ phần hóa 478 đơn vị. Có thể nói, kết quả sắp xếp, cổ phần hóa đạt 93% kế hoạch là thành công. Hơn nữa, việc sắp xếp, cổ phần hóa đã từng bước làm thay đổi tư duy, phương thức quản lý, quản trị tại doanh nghiệp; nâng cao tính công khai, minh bạch, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; tăng cường sự giám sát của Nhà nước và xã hội đối với hoạt động của doanh nghiệp, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà nước nắm cổ phần chưa nhiều. Nguyên nhân là thị trường chứng khoán trồi sụt bấp bênh; thoái vốn tập trung vào doanh nghiệp lớn, việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành của các tập đoàn, tổng công ty gặp khó khăn do chưa kêu gọi được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài tham gia.

Vậy theo ông, tinh thần sắp xếp, cổ phần hóa trong giai đoạn tới sẽ theo hướng nào?

Tiếp tục thực hiện chủ trương đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn tại những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm hoặc không cần giữ cổ phần chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả. Hoàn thiện thể chế định giá đất đai, tài sản hữu hình và tài sản vô hình (tài sản trí tuệ, thương hiệu,...) trong cổ phần hóa theo nguyên tắc thị trường. Tách bạch nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và nhiệm vụ chính trị, công ích; tách chức năng chủ sở hữu tài sản, vốn của Nhà nước và chức năng quản lý nhà nước, chức năng quản trị kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước; sớm xóa bỏ chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước của các bộ, UBND cấp tỉnh đối với vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp.

Với tinh thần này, mục tiêu đặt ra là đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thành việc sắp xếp doanh nghiệp nhà nước, nhưng thực hiện có lộ trình, không nóng vội, gắn cổ phần hóa với niêm yết cổ phiếu.

Tới đây, Bộ Tài chính sẽ sửa một số cơ chế để làm sao khi tiến hành IPO thì hồ sơ IPO đồng thời cũng là hồ sơ đăng ký lưu ký và đăng ký niêm yết trên thị trường chứng khoán, ít nhất cũng phải đăng ký niêm yết trên sàn UPCoM.

Cụ thể, trong giai đoạn tới sẽ cổ phần hóa thêm bao nhiêu đơn vị nữa, thưa ông?

Chúng tôi đang chờ Thủ tướng ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định 37/2014/QĐ-TTg về tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp nhà nước để công bố danh sách doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, danh sách doanh nghiệp mà Nhà nước nắm giữ vốn với tỷ lệ tối đa là bao nhiêu, còn lại phải cổ phần hóa và bán vốn hết. Dự kiến, số doanh nghiệp phải bán vốn nhà nước thì rất nhiều, nhưng số doanh nghiệp cổ phần hóa không nhiều lắm, chỉ khoảng 500 đơn vị.

Thu về gần 1.500 tỷ đồng từ thoái vốn nhà nước ngay tháng đầu năm
Trong tháng Một, Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 7 phiên đấu giá cổ phần, trong đó có 5 phiên IPO của các doanh nghiệp Nhà nước, 1...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư