Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 22 tháng 11 năm 2024,
Sở Du lịch TP.HCM đề xuất cho hơn 5.000 doanh nghiệp du lịch vay tín chấp, lãi suất 0%
Hồng Phúc - 16/06/2021 11:45
 
Sở Du lịch TP.HCM đề xuất cho doanh nghiệp du lịch trên địa bàn (không phân biệt quy mô) vay tín chấp, với lãi suất 0% để trả lương cho người lao động.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM vừa ký văn bản đề xuất một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn đang ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. 

Theo đó, đơn vị này đề xuất UBND Thành phố xem xét trình Hội đồng nhân dân Thành phố chấp thuận chủ trương sử dụng vốn ngân sách Thành phố uỷ thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh TP.HCM thực hiện chính sách hỗ trợ tín dụng theo hình thức tín chấp, với lãi suất 0% cho doanh nghiệp du lịch không phân biệt doanh nghiệp lớn, nhỏ đang gặp khó khăn do ảnh hưởng của Covid-19, để trả lương cho người lao động. 

Trên địa bàn TP.HCM hiện có 5.002 doanh nghiệp du lịch hoạt động, với khoảng 31.500 lao động (552 doanh nghiệp lữ hành với 12.000 lao động, 4.450 cơ sở lưu trú du lịch với 19.500 lao động). 

Số tiền dự kiến của đề xuất hỗ trợ với gói vay lãi suất 0% để trả lương cho người lao động trong 3 tháng là hơn 208.8 tỷ đồng (31.500 người x lương tối thiểu vùng 1 là 4.420 triệu đồng/người x 50% x 3 tháng = 208.845 tỷ đồng). 

.
Số tiền được Sở Du lịch TP.HCM đề xuất hỗ trợ cho 5 điểm tham quan du lịch và nhóm bảo tàng khu di tích là đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn.

Sở Du lịch TP.HCM cũng kiến nghị Thành phố chi hơn 21,7 tỷ đồng để hỗ trợ cho các điểm tham quan du lịch và nhóm bảo tàng khu di tích là đơn vị sự nghiệp công lập trong 5 tháng.

Cụ thể, miễn phí vào 5 điểm tham quan cho khách du lịch vào mùa du lịch cuối năm (từ tháng 8 đến hết năm 2021) bao gồm Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng lịch sử Thành phố, Bảo tàng Thành phố, Bảo tàng Mỹ thuật Thành phố và khu di tích lịch sử địa đạo Củ Chi.

Cùng với đó là hỗ trợ kinh phí chi trả lương cho các đối tượng là người lao động và chi phí thường xuyên chi từ nguồn thu vé tham quan tại 5 đơn vị này.

Sở Du lịch TP.HCM còn đề xuất xem xét hỗ trợ kinh phí từ nguồn ngân sách Thành phố cho công tác đào tạo nguồn nhân lực du lịch trong năm nay, dự kiến 20 lớp với tổng số tiền khoảng 1,2 tỷ đồng. Trong đó, 80% chi từ ngân sách Thành phố.

Đối tượng tham gia đào tạo trong đề xuất này là các quản lý và lao động trực tiếp tại các khu du lịch dịch vụ lữ hành, nhà hàng, lưu trú, hướng dẫn viên du lịch.

Ngoài ra, Sở Du lịch còn đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động Thương binh Xã hội cho phép kéo dài thời gian tạm dừng đóng bảo hiểm hưu trí và tử tuất, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn với các doanh nghiệp và các đối tượng bị ảnh hưởng bởi đại dịch mà không tính lãi suất, lãi phạt chậm nộp.

Đồng thời, xem xét điều chỉnh quy định về quyền lợi bảo hiểm thất nghiệp năm 2021 theo hướng giảm yêu cầu thời gian làm việc tối thiểu từ 12 tháng xuống còn 3 tháng, tăng mức trợ cấp thất nghiệp từ 60% lên 80% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm tự nguyện.

Cùng với đó là đề xuất Bộ Tài chính xem xét giảm thuế VAT từ 10% xuống 5%; kéo dài chính sách giảm 15% tiền thuê đất; tiếp tục gia hạn giảm phí thẩm định hồ sơ cấp phép kinh doanh lữ hành và cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch đến hết năm nay; phối hợp với Ngân hàng nhà nước nghiên cứu đề xuất Chính phủ cho phép doanh nghiệp lữ hành được giảm 80% số tiền ký quỹ trong thời hạn 2 năm.

Theo thống kê, năm 2020, có 179.000 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường, thì có trên 101.700 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 14% so với năm 2019. Đây là lần đầu tiên, Việt Nam có trên 100.000 doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, tạm ngừng hoạt động.

Điều này cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp khó khăn chưa từng thấy, dù Chính phủ đã rất nỗ lực thực hiện nhiều chính sách tiền tệ, tài khoá nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19.

Trong đó, các doanh nghiệp du lịch là một trong những đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, không chỉ bởi du khách quốc tế không thể đến Việt Nam mà còn bởi sự suy giảm trầm trọng của lượng khách trong nước, do các yêu cầu về giãn cách, đóng cửa, dừng hoạt động các khu vui chơi, giải trí, danh thắng, di tích...

Bài viết triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Xem thêm nội dung TẠI ĐÂY!
TP.HCM: Doanh nghiệp lữ hành lo khách tiếp tục hủy tour
Sau khi lượng khách Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 sụt giảm mạnh, các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu tại TP.HCM tiếp tục lo lắng, khách sẽ tiếp...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư