Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 20 tháng 04 năm 2024,
Số hóa bản đồ để triển khai nông nghiệp thông minh
Hữu Tuấn - 05/07/2020 13:26
 
Cùng với tập trung ruộng đất, một vấn đề cực kỳ quan trọng để triển khai nông nghiệp thông minh là số hóa bản đồ nông nghiệp.
Giải pháp Smart Agriculture của VNPT thực nghiệm tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.
Giải pháp Smart Agriculture của VNPT thực nghiệm tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Vẫn chỉ là mô hình thử nghiệm

Giải pháp Smart Agriculture của VNPT ra đời từ năm 2018 và được thử nghiệm ở Hà Nội, TP.HCM, Bắc Ninh…, nhưng đến năm 2019, việc hợp tác với đối tác OPTiM (tập đoàn sản xuất các thiết bị IoT, AI và cung cấp giải pháp từ xa, nông nghiệp thông minh hàng đầu Nhật Bản) mới đánh dấu quyết tâm lớn của VNPT trong phát triển nông nghiệp thông minh.

Hà Nam là địa phương VNPT khảo sát để thử nghiệm mô hình mới mà ở đó, Tập đoàn sẽ dùng drone (máy bay không người lái loại nhỏ) bay trên các cánh đồng lớn để chụp ảnh về hiện trạng đất đai, cây trồng. Từ những dữ liệu này, máy chủ sẽ phân tích tình hình thổ nhưỡng, định hướng cách chăm sóc, dự đoán sự phát triển của cây trồng.

Cũng từ những hình ảnh do drone gửi về, máy chủ sẽ tự động phân tích và phát hiện những điểm bị sâu bệnh. Sau đó, chính chiếc drone này sẽ làm nhiệm vụ phun thuốc trừ sâu đúng vào chỗ cây trồng bị sâu bệnh. Cách làm này có thể tiết kiệm đến 99% thuốc trừ sâu. Đặc biệt, phần ruộng đã bị phun thuốc sẽ được đánh dấu và loại ra khi thu hoạch, đảm bảo sản phẩm sạch 100%.

Tuy nhiên, quy mô ruộng đất ở Hà Nam không đủ cho drone bay một vòng để lấy dữ liệu. Vì vậy, VNPT phải hoãn kế hoạch trên và đang tiến hành các thủ tục để thử nghiệm tại An Giang, nơi có các cánh đồng mẫu lớn.

Trước VNPT, năm 2016, FPT cũng dấn thân vào nông nghiệp thông minh. FPT hợp tác với Tập đoàn Fujitsu (Nhật Bản) lập nên Trung tâm Hợp tác nông nghiệp thông minh FPT-Fujitsu tại Hà Nội, giới thiệu kỹ thuật nông nghiệp ứng dụng công nghệ điện toán đám mây - “Akisai”. Trung tâm này áp dụng 2 mô hình sản xuất “Nhà kính - Green house” và “Nhà máy rau - Vegetable factory” trên 2 loại rau là cà chua cỡ vừa và xà lách ít kali. Song 4 năm đã trôi qua, đây vẫn chỉ là mô hình, khi FPT không có những vùng đất đủ rộng để làm nông nghiệp.

Các doanh nghiệp khác như Vingroup, FLC cũng hào hứng bước vào cuộc chơi nông nghiệp thông minh, nhưng tất cả đều mới chỉ dừng lại ở bước “thử nghiệm mô hình”.

Cần tập trung và số hóa ruộng đất

Theo ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, để làm được nông nghiệp thông minh, cần thực hiện chính sách dồn điền đổi thửa để tạo ra các cánh đồng mẫu lớn. Bên cạnh đó, với những ứng dụng công nghệ số hóa, nền nông nghiệp thông minh sẽ kết nối với nông dân thông qua smartphone, qua đó họ có mọi thông tin cần thiết, được giải đáp những kiến thức cần biết.

Đến nay, cả nước đã có khoảng 49.600 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tương đương 8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 thu hút khoảng 80.000 - 100.000 doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Ông Phạm Đức Long, Chủ tịch VNPT cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã triển khai nông nghiệp thông minh, nhưng chủ yếu làm theo kiểu nhà mành, nhà kính. Mô hình này có chi phí đầu tư rất lớn, tới vài tỷ đồng, không phù hợp với đại đa số gia đình nông thôn Việt Nam. Vì vậy, VNPT đã chọn mô hình nông nghiệp thông minh kiểu mới, áp dụng trên những cánh đồng mẫu lớn để giảm chi phí, tăng hiệu quả trên đất.

Theo ông Trần Quang Cường, CEO Nextfarm, khi triển khai giải pháp nông nghiệp thông minh cho các hộ nông dân, Nextfarm nhận thấy, ruộng đất của họ rất manh mún, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Trong bối cảnh đó, sẽ khó có thể công nghiệp hóa nông nghiệp, ảnh hưởng đến hiệu quả đầu tư. “Nông nghiệp thông minh chỉ có thể triển khai được trên các cánh đồng có diện tích từ vài đến vài chục héc-ta, chứ không thể tính theo sào. Vì vậy, tích tụ ruộng đất là câu chuyện sớm muộn cũng phải làm để công nghiệp hóa nông nghiệp”, ông Cường nói.

Cùng với tập trung ruộng đất, một vấn đề quan trọng để triển khai nông nghiệp thông minh là số hóa bản đồ nông nghiệp. Theo đó, nông dân, doanh nghiệp có thể biết được vị trí, chất đất, khí hậu, thời tiết phù hợp với giống cây trồng nào, sản lượng ra sao… Đây chính là cơ sở dữ liệu quan trọng giúp người dân và doanh nghiệp triển khai, quy hoạch cây trồng, vật nuôi cho phù hợp.

Vấn đề là, việc xây dựng bản đồ số trong nông nghiệp sẽ mất nhiều công sức và chi phí. Một bộ, ngành, một doanh nghiệp không thể hoàn thành công việc quan trọng này vì liên quan đến nhiều vấn đề móc xích với nhau. Theo các chuyên gia, cần huy động nguồn lực doanh nghiệp để đầu tư xây dựng bản đồ số nông nghiệp.

Triển khai nhiều giải pháp để xây dựng nền nông nghiệp thông minh
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan xây dựng nền nông nghiệp thông minh hiện đại, cạnh tranh quốc...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư