Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 26 tháng 04 năm 2024,
SoftBank và GIC nhăm nhe đầu tư 300 triệu USD vào VNPay
Hữu Tuấn - 24/07/2019 08:30
 
Theo DealStreetAsia, Quỹ SoftBank Vision Fund và GIC Pte (Singapore) đã đề nghị đầu tư tới 300 triệu USD vào VNPay, một trung gian thanh toán của Việt Nam.
Nếu thương vụ thành công, VNPay sẽ là Trung gian thanh toán nhận vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam
Nếu thương vụ SoftBank và GIC đầu tư vào VNPay thành công, VNPay sẽ là Trung gian thanh toán nhận vốn đầu tư lớn nhất tại Việt Nam
Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019:
- Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 6/8/2019.
- Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá/Going for breakthrough”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 sẽ bàn thảo các cơ hội M&A trong kỷ nguyên mới, những thay đổi cần có để thị trường M&A Việt Nam thực sự bứt phá, đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.
- Diễn đàn có các hoạt động chính: Hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; Vinh danh Thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 – 2019; Tiệc tối kết nối đầu tư; Phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt – Anh); Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.

Nguồn tin của tờ DealStreetAsia cho biết, SoftBank Vision Fund có thể đầu tư tới 200 triệu USD vào VNPay. Cùng thời điểm,  trong GIC cũng đã đề nghị rót 100 triệu USD.

Một nguồn tin khác xác nhận rằng cả SoftBank Vision Fund và GIC đều bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia vòng gọi vốn cho VNPay có thể lên tới 200 triệu USD.

Với những khoản đầu tư này, VNPay được định giá khoảng 1 tỷ USD, đưa trung gian thanh toán này vào nhóm các kỳ lân mới nổi của Việt Nam, sau VNG.

Trước đó, DealStreetAsia hồi tháng 4/2019 cho biết, GIC đang tìm cách dẫn đầu một vòng cấp vốn cho VNPay với khoản đầu tư hơn 50 triệu USD. UBS lúc đó được cho là sẽ tư vấn cho cho giao dịch này.

VNPay được thành lập năm 2007, hiện cung cấp dịch vụ thanh toán cho hơn 40 ngân hàng, năm công ty viễn thông và hơn 20.000 hàng quán tại Việt Nam. VNPay có một ứng dụng ngân hàng di động, ví điện tử có tên là VnMart, nền tảng thanh toán mã QR, và các dịch vụ khác cho phép thanh toán hóa đơn, vé điện tử và tiếp thị di động.

Trước đó, VNPay đã được tập đoàn SEA mua lại 45,18% cổ phần hồi tháng 8/2017. SEA (tiền thân là Garena) có trụ sở tại Singapore. Năm 2016, Tencent đã đầu tư 500 triệu USD để sở hữu 40% Garena . Sau đó, Garena đổi tên thành SEA, từ game mở rộng thêm các mảng thương mại điện tử, dịch vụ web, tiêu biểu như ví điện tử Air Pay (2014), ứng dụng mua sắm Shopee (2015) hoạt động tại Việt Nam. Game vẫn là mảng phát triển chính của SEA. Theo thống kê, 90% doanh thu hiện nay của Sea là dịch vụ giải trí số.

Trong năm 2017, Sea đã thâu tóm 2 startup có tiếng tăm tại Việt Nam là giaohangtietkiem.vn chuyên về giao hàng và foody.vn về giao hàng và bình chọn địa điểm ăn uống. Việc bỏ ra giá 64 triệu USD mua lại 82% foody.vn giúp Sea sở hữu kênh truyền thông có gần 10 triệu like Facebook và hàng triệu người dùng ứng dụng, đồng thời nắm trong tay cơ sở dữ liệu 300-500.000 khách hàng trẻ tuổi khoảng từ 22 – 30. 

Trước đó, đầu năm 2019, một Trung gian thanh toán khác là Momo công bố thông tin công ty nhận vốn "khủng" chưa từng có trong giới công nghệ tài chính (fintech) Việt Nam, đến từ nhà đầu tư Warburg Pincus. Theo Crunchbase, số vốn đầu tư mới nhất rót vào Momo trị giá 100 triệu USD.
Vốn châu Á "đại náo" làng công nghệ
Lĩnh vực công nghệ đang thu hút vốn ngoại một cách mạnh mẽ, với sự hiện diện của hàng loạt đại gia nước ngoài đến từ châu Á như Trung...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư