Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 25 tháng 04 năm 2024,
Sớm có những quyết sách thúc đẩy năng suất lao động quốc gia
Kỳ Thành - 07/08/2019 06:44
 
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, cải thiện và thúc đẩy tăng năng suất lao động là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp.
TIN LIÊN QUAN

Nhằm tìm ra các giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam, sáng nay (7/8) tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) tổ chức Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia”.

Tại Hội nghị “Cải thiện năng suất lao động quốc gia”, các nội dung chính sẽ được các đại biểu tập trung thảo luận như: năng suất lao động và các giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam; khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo với năng suất lao động; mô hình kinh tế mới và tác động đến năng suất lao động; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đóng góp cho việc nâng cao năng suất lao động quốc gia; năng suất lao động dưới góc độ của lãnh đạo, quản lý các doanh nghiệp

Cải thiện năng suất lao động đang được xem là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam
Cải thiện năng suất lao động đang được xem là vấn đề sống còn đối với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam

Theo Tổng cục Thống kê, với mức tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08%, năng suất lao động toàn nền kinh tế theo giá hiện hành năm 2018 ước tính đạt 102,2 triệu đồng/lao động (tương đương 4.521 USD/lao động); tính theo giá so sánh, tăng 6% so với năm 2017. Bình quân giai đoạn 2016-2018, năng suất lao động tăng 5,77%/năm, cao hơn so với mức tăng bình quân 4,35%/năm của giai đoạn 2011-2015. Tính chung giai đoạn 2011-2018, năng suất lao động tăng bình quân 4,88%/năm.

Tuy nhiên, mức năng suất lao động của Việt Nam hiện nay vẫn rất thấp so với các nước trong khu vực, đáng chú ý là khoảng cách chênh lệch tuyệt đối vẫn tiếp tục gia tăng. Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, quy mô nền kinh tế Việt Nam không lớn; quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động tuy theo hướng tích cực nhưng còn chậm; máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu; chất lượng nguồn nhân lực hạn chế... là những yếu tố khiến cho năng suất lao động của Việt Nam còn có khoảng cách so với các nước trong khu vực ASEAN.

 
08/07/2019 08:11

Khai mạc Hội nghị

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng chủ trì Hội nghị.

Đại biểu đại diện cho các Đại sứ quán, các bộ, ngành, các tổ chức hiệp hội trong nước, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và các nhà kinh tế cũng sẽ tham dự và có nhiều ý kiến đóng góp cho Hội nghị này.

Toàn cảnh hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia
Toàn cảnh hội nghị Cải thiện năng suất lao động quốc gia
 
08/07/2019 08:28

Tăng năng suất lao động là một giải pháp mang tính “chìa khóa”

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trải qua chặng đường 30 năm đổi mới với nhiều thành tựu quan trọng, đất nước đã thay da, đổi thịt, phát triển mạnh mẽ lên một tầm cao mới, sánh ngang với nhiều quốc gia tiến bộ trên thế giới.

“Chúng ta đang ở thời khắc chuẩn bị bước sang một kỷ nguyên phát triển mới, kỷ nguyên của phát triển nhanh, bền vững trên nền tảng công nghệ và đổi mới sáng tạo, hướng tới mục tiêu xây dựng một quốc gia cường thịnh”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Tuy nhiên, trên chặng đường phát triển đó, Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, vừa phải tập trung giải quyết những tồn tại, điểm nghẽn cố hữu của nền kinh tế, vừa phải ứng phó với những vấn đề phát sinh của thời đại.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu khai mạc Hội nghị

Theo người đứng đầu Ngành Kế hoạch và Đầu tư, tại thời điểm hiện nay, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Tiểu ban Kinh tế - Xã hội phục vụ Đại hội Đảng lần thứ XIII đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt trong việc xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2025, trong đó, đặc biệt nhấn mạnh các cấp, các ngành, các cơ quan tập trung nghiên cứu những vấn đề lớn, định hướng lớn, giải pháp trọng yếu để đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững, trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, có mức thu nhập trung bình cao.

“Trong rất nhiều các giải pháp đề ra, tăng năng suất lao động là một giải pháp mang tính “chìa khóa” để thực hiện thành công mục tiêu chiến lược trong 10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay.

Ngay từ khi bắt tay vào công cuộc đổi mới, Đảng ta đã nhận định nước ta là một nước nghèo và kém phát triển, nền kinh tế kém hiệu quả, năng suất lao động thấp. Để cải thiện tình trạng năng suất lao động thấp, tại Đại hội Đảng lần thứ VII, Đảng đã khởi xướng chính sách trả công lao động theo năng suất lao động nhằm khuyến khích sự vươn lên, tăng năng suất lao động, phát triển sản xuất của các thành phần kinh tế.

Kể từ khi “Đổi mới”, Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành, các thành phần kinh tế đã triển khai rất nhiều giải pháp, từ vĩ mô đến vi mô, nhằm không ngừng cải thiện năng suất lao động trong từng ngành, lĩnh vực, từng tổ chức kinh tế, góp phần quan trọng trong việc gia tăng tốc độ và giá trị năng suất lao động xã hội của toàn nền kinh tế, thông qua triển khai quyết liệt các giải pháp; nhiều thể chế, pháp luật, chính sách được ban hành nhằm nâng cao năng suất lao động.

 
07/08/2019 08:37

Năng suất lao động của Việt Nam còn thấp

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tính đến năm 2018, chỉ số năng suất lao động xã hội của nước ta đạt 102,2 triệu đồng/1 lao động, tương đương 4.521 USD/1 lao động (theo giá hiện hành), cao hơn gần gấp đôi so với năm 2011, tăng bình quân 4,88%/năm giai đoạn 2011-2018, riêng giai đoạn 2016-2018 tăng bình quân 5,77%/năm, giúp Việt Nam trở thành quốc gia có tốc độ tăng năng suất lao động cao trong khu vực ASEAN (Singapore là 1,4%/năm; Malaysia là 2%/năm; Thái Lan là 3,2%/năm; Indonesia là 3,6%/năm; Phillipines là 4,4%/năm).

Tuy nhiên, xét ở khía cạnh giá trị so sánh với các nước trong khu vực, năng suất lao động của nước ta vẫn ở mức thấp. Nếu tính theo giá trị sức mua tương đương (PPP) năm 2018, năng suất lao động nước ta đạt 11.142 USD thì chỉ bằng 7,3% năng suất lao động của Singapore; 19% của Malaysia; 37% của Thái Lan; 44,8% của Indonesia; 55,9% của Phillipines.

Điều này cho thấy nền kinh tế Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn trong thời gian tới để có thể bắt kịp mức năng suất lao động của các nước. Việc cải thiện năng suất lao động của nước ta là nhiệm vụ cốt lõi, cấp thiết và có ý nghĩa hết sức quan trọng, ý nghĩa sống còn nhằm thúc đẩy tăng trưởng, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, tránh tụt hậu, thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước trên thế giới.

Theo kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, phát triển khoa học và công nghệ có tác động quan trọng tới nâng cao năng suất lao động. Sự phát triển thành công của các nước Đông Á đều dựa trên nền tảng khoa học công nghệ, điển hình như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Trung Quốc... đều là các quốc gia có đầu tư rất lớn vào vấn đề năng suất quốc gia, thông qua việc xây dựng và thực hiện các kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia, phù hợp với xu hướng quốc tế và bối cảnh của mỗi nước.

 
08/07/2019 08:43

4 nhân tố chủ yếu tác động đến năng suất lao động

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu 4 nhân tố chủ yếu tác động đến năng suất lao động:

Một là, quá trình cơ cấu lại nền kinh tế đã thu được một số kết quả, nhưng dịch chuyển cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động còn chậm và chưa thực sự hợp lý.

Hai là, các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo ở nước ta đã có bước phát triển nhưng năng lực và tiềm lực còn ở mức hạn chế. Xếp hạng các chỉ số của nước ta so với các nước trên thế giới mới chỉ ở mức trung bình hoặc trung bình thấp.

Ba là, đất nước ta đã trải qua thời kỳ dân số vàng, lực lượng lao động đông đảo về số lượng nhưng chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu nhân lực chất lượng cao, có kiến thức, kỹ năng trong nhiều lĩnh vực, nhất là lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao. Trong khi đó, tốc độ già hóa dân số đang diễn ra nhanh, không chỉ tạo áp lực về gánh nặng phúc lợi xã hội mà còn đặt ra thách thức đối với lực lượng lao động đang làm việc trong nền kinh tế trước yêu cầu cao về chất lượng, kiến thức và kỹ năng.

Bốn là, số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh song hiệu suất, hiệu quả quản trị doanh nghiệp còn thấp, doanh nghiệp khu vực FDI có năng suất lao động cao nhưng chậm lan tỏa đến khu vực doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nhà nước có lượng tài sản lớn nhưng hiệu quả sử dụng còn hạn chế, khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chiếm tỷ trọng lớn trong tổng số doanh nghiệp song phần lớn có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa, năng lực liên kết yếu.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, cần đặc biệt lưu ý mối quan hệ tương hỗ giữa năng suất lao động và tăng trưởng GDP, năng suất cao thì tăng trưởng GDP cao và ngược lại, tăng trưởng GDP cao thì năng suất lao động sẽ cao.

Với năng suất cao hơn, tăng việc làm có chất lượng hơn sẽ tạo ra “lợi ích theo cấp số nhân”. Tăng năng suất lao động phải gắn chặt với tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao sức cạnh tranh, sức chống chịu của nền kinh tế.

Do đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các đại biểu thảo luận tập trung vào các giải pháp, cả trong ngắn hạn và dài hạn, giải pháp tổng thể, đồng bộ cả ở cấp vĩ mô và vi mô, xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, của doanh nghiệp và cá nhân người lao động trong việc tăng năng suất lao động.

 
08/07/2019 08:50

Mỗi một người lao động cần phải trở thành hạt nhân của đổi mới sáng tạo

Nêu một số đề xuất thảo luận về mặt giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dúng nhấn mạnh, cần có sự vào cuộc và nỗ lực vượt bậc của toàn hệ thống chính trị, huy động tổng lực các cơ quan trung ương thuộc các ngành, lĩnh vực, các ủy đảng, chính quyền, đoàn thể trong việc xây dựng và thực thi quyết liệt các giải pháp tăng năng suất lao động, coi đây là nhiệm vụ chính trị hàng đầu trong việc thực hiện Chiến lược và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.

Việc sớm thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia là rất cần thiết, trong đó, hình thành bộ máy, cơ quan chuyên sâu về năng suất lao động thực hiện nhiệm vụ điều phối, phối hợp các động lực tăng năng suất quốc gia của Việt Nam.

Về phía doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh sự chủ động trong các giải pháp nâng cao hiệu quả quản trị doanh nghiệp hướng tới mục tiêu nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy các sáng kiến kinh doanh, ứng dụng các mô hình quản trị doanh nghiệp tốt, hiện đại. Doanh nghiệp cần xác định chiến lược kinh doanh phù hợp, phát triển những sản phẩm mới có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao; tập trung đầu tư nâng cao năng lực khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào sản xuất, quản trị doanh nghiệp để nâng cao năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Đối với người lao động, cần tăng cường trau dồi kiến thức, tay nghề, kỹ năng nghề nghiệp, mỗi một người lao động cần phải trở thành hạt nhân của đổi mới sáng tạo, phát huy sáng kiến, cần cù, chịu khó trong công việc, vừa khẳng định được năng lực cá nhân, tăng năng suất, tăng thu nhập vừa khẳng định được giá trị văn hóa và con người Việt Nam trong thời đại mới.

 
08/07/2019 09:05

8 nguyên nhân khiến năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn khu vực và thế giới

Trình bày tại Hội nghị, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) thực hiện Báo cáo “Năng suất lao động và giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng năng suất lao động của Việt Nam” nhằm phân tích, đánh giá về thực trạng và chỉ ra các yếu tố ảnh hưởng đến năng suất lao động của Việt Nam, đồng thời đề xuất các giải pháp chủ yếu nâng cao năng suất lao động của Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

Theo TS. Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, có nhiều nguyên nhân khiến cho mức năng suất lao động (NSLĐ) của Việt Nam thấp hơn các nước trong khu vực và trên thế giới, trong đó tập trung vào một số nguyên nhân chủ yếu như:

Thứ nhất, quy mô nền kinh tế Việt Nam còn nhỏ. Với xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế nhỏ, việc thu hẹp khoảng cách tương đối về thu nhập bình quân và NSLĐ của Việt Nam với các nước trong thời gian qua là một thành tựu đáng ghi nhận nhưng chưa đủ để thu hẹp khoảng cách tuyệt đối về giá trị NSLĐ so với các nước trong khu vực.

Thứ hai, quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực nhưng còn chậm.

Các ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành dịch vụ mang tính chất động lực hay huyết mạch của nền kinh tế như tài chính, ngân hàng, du lịch của nước ta còn chiếm tỷ trọng thấp.

Trong khi đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là ngành dẫn dắt tăng trưởng NSLĐ nhưng tập trung cao ở những sản phẩm xuất khẩu dựa trên nền tảng công nghệ thấp đến trung bình. Còn ngành công nghệ cao tập trung ở khu vực có vốn đầu tư nước ngoài lại hoạt động ở khâu lắp ráp, nhập khẩu linh kiện, có giá trị trong nước tương đối thấp. Đồng thời, ngành công nghệ cao chủ yếu tận dụng lao động chi phí giá rẻ, chưa có nhiều tác động lan tỏa đối với khu vực trong nước nên chưa tạo đột phá về tăng trưởng NSLĐ.

Đó là chưa kể, chuyển dịch cơ cấu lao động tuy diễn ra khá nhanh nhưng lao động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản hiện nay còn lớn, đa số lao động trong khu vực này là lao động giản đơn, công việc có tính thời vụ, không ổn định nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, dẫn đến NSLĐ thấp.

Đến năm 2018, nước ta vẫn còn tới 20,5 triệu lao động làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, trong khi NSLĐ khu vực này chỉ đạt 39,8 triệu đồng/lao động, bằng 38,9% mức NSLĐ chung của nền kinh tế; bằng 30,4% NSLĐ khu vực công nghiệp, xây dựng và bằng 33,7% NSLĐ các ngành dịch vụ.

Thứ ba, máy móc, thiết bị và quy trình công nghệ còn lạc hậu.

Thứ tư, chất lượng nguồn nhân lực hạn chế.

Điều này thể hiện rõ ở tỷ lệ lao động đã qua đào tạo còn thấp, cơ cấu đào tạo thiếu hợp lý, thiếu hụt lao động có tay nghề cao, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động còn lớn.

Thứ năm, trình độ tổ chức, quản lý và hiệu quả sử dụng các nguồn lực còn nhiều bất cập.

Thứ sáu, quá trình đô thị hóa, tích tụ công nghiệp diễn ra chậm. Tỷ lệ dân số thành thị năm 2018 mới đạt khoảng 35,7%, trong giai đoạn 2011- 2018 tăng bình quân 3,1%/năm, đồng nghĩa với việc lượng cung về lao động cho khu vực công nghiệp và dịch vụ thấp; lao động chủ yếu làm việc trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản khó có điều kiện để thúc đẩy tăng NSLĐ như khu vực công nghiệp và dịch vụ.

Thứ bảy, có những “rào cản” từ thể chế. Trong những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực thực hiện cải cách và hoàn thiện thể chế kinh tế, góp phần tạo thêm động lực cho nền kinh tế. Tuy nhiên, vẫn còn một số “điểm nghẽn” về thể chế trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đã ảnh hưởng tới quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng.

Thứ tám, khu vực doanh nghiệp chưa thực sự là động lực quyết định tăng trưởng NSLĐ.

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, tiềm lực về vốn hạn hẹp, khả năng đầu tư công nghệ hạn chế, kinh nghiệm quản lý sản xuất yếu và kém năng lực cạnh tranh. Thực tế quy mô doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp của cả nước.

Trình độ công nghệ của doanh nghiệp còn lạc hậu, doanh nghiệp tham gia các hoạt động liên quan đến sáng tạo còn hạn chế, trong khi qua nghiên cứu cho thấy, những doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) có mức NSLĐ cao hơn 19,3% so với các doanh nghiệp còn lại. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ doanh nghiệp chi cho các hoạt động R&D ở Việt Nam vẫn còn thấp.

Theo Ngân hàng Thế giới (2015), Việt Nam chỉ có 15,7% doanh nghiệp chi tiêu cho các hoạt động R&D.

 
07/08/2019 09:20

Đề xuất sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia

Ông Nguyễn Bích Lâm phân tích, cải thiện và thúc đẩy tăng NSLĐ là một trong những vấn đề cốt lõi đối với nền kinh tế Việt Nam hiện nay. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và cạnh tranh gay gắt, NSLĐ chính là yếu tố quyết định tới năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của từng doanh nghiệp.

Nâng cao NSLĐ là vấn đề sống còn đối với tất cả các quốc gia đang phát triển, trong đó có Việt Nam vì nó đồng nghĩa với phát triển nhanh, bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình và đuổi kịp các quốc gia trong khu vực.

Đưa ra nhiều đề xuất về chính sách, khuyến nghị cho các doanh nghiệp và người lao động, ông Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh 2 khuyến nghị: Thứ nhất, Chính phủ cần sớm thành lập Ủy ban Năng suất Quốc gia. Thứ hai, phát động phong trào tăng năng suất trong tất cả các khu vực của nền kinh tế.

 
08/07/2019 09:48

Sẽ có Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Trình bày tham luận với chủ đề “Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo góp phần tăng năng suất lao động”, ông Hà Minh Hiệp, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng  (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng, cần xây dựng Kế hoạch tổng thể năng suất quốc gia dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ
Ông Hà Minh Hiệp

Dự thảo Kế hoạch đưa ra 3 mục tiêu trước mắt Việt Nam cần đạt được, đó là:

(1)    Thúc đẩy năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;

(2)    Phát triển những ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;

(3)    Nâng cao năng suất lao động của nền kinh tế dựa trên nền tảng khoa học, côngn nghệ và đổi mới sáng tạo.

Các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của kế hoạch này gồm nâng cao năng suất lao động cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thúc đẩy năng suất lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp lớn trong nước; thúc đẩy năng suất nội ngành theo hướng chuyển dịch công đoạn có giá trị gia tăng thấp sang công đoạn có giá trị gia tăng cao trong chuỗi giá trị; phát triển nguồn nhân lưc chất lượng cao; phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh CMCN 4.0; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; cải thiện khuôn khổ thể chế về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Theo báo cáo của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, năng lực đổi mới sáng tạo của Việt Nam vẫn đang còn một khoảng cách tương đối xa để tiệm cận với các quốc gia đi đầu về đổi mới sáng tạo.

Do đó, theo Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam cần xây dựng tiềm lực về R&D (nghiên cứu và phát triển) và tiếp tục đẩy mạnh triển khai Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”, đầu tư vào cơ sở hạ tầng một cách có trọng tâm, trọng điểm và phát triển công nghệ của tương lai.

 
08/07/2019 10:20

Đề xuất khuyến khích các thử nghiệm thể chế để mở đường cho các ngành kinh tế mới

Phát biểu tại Hội nghị, TS. Nguyễn Thắng, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) chia sẻ, ý kiến tham luận của ông mang tính tiếp nối các nội dung như bài trình bày của Bộ Khoa học và Công nghệ.

Tiến sĩ Nguyễn Thắng
Tiến sĩ Nguyễn Thắng

Theo ông Thắng, các mô hình kinh doanh mới dựa trên nền tảng kỹ thuật số đang phá vỡ cơ cấu cũng như phương thức sản xuất kinh doanh truyền thống trong nhiều ngành của nền kinh tế. Dẫn chứng về điều này, ông Thắng nêu ví dụ, Amazon, Alibaba là những doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử có lịch sử phát triển khiêm tốn hơn nhiều so với những doanh nghiệp sản xuất khác, nhưng lại đang là những doanh nghiệp lớn nhất thế giới.

Do đó, các mô hình kinh doanh mới này cần được khuyến khích phát triển, cụ thể cần ưu tiên thúc đẩy ứng dụng điện toán đám mây, thúc đẩy thương mại điện tử, đẩy nhanh quá trình số hóa trong kết nối nội bộ Nhà nước, giữa nhà nước với doanh nghiệp và với người dân để hướng tới Chính phủ số hiệu quả.

Đặc biệt, cần khuyến khích các doanh nghiệp thuần Việt cung cấp các dịch vụ này, đồng thời khuyến khích các thử nghiệm thể chế để mở đường cho các ngành kinh tế mới, các mô hình kinh doanh sáng tạo.

 
07/08/2019 10:38

Theo Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio, nền kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh mẽ, có cơ hội để có những bước nhảy vọt để tăng trưởng bền vững, trở thành quốc gia phát triển.

“Chính phủ Nhật Bản tin rằng, Việt Nam sẽ tận dụng cơ hội lịch sử này để trở thành quốc gia mạnh hơn. Sự phát triển của Việt Nam đảm bảo cho sự phát triển của toàn châu Á. Vì vậy, Nhật Bản muốn tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác với Việt Nam”, Đại sứ nói.

Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio
Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Umeda Kunio

Tuy nhiên, Đại sứ Umeda Kunio lưu ý, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số vấn đề, trong đó có năng suất lao động.

Do đó, Nhật Bản đưa ra một số đề xuất với Việt Nam nhằm cải thiện năng suất lao động, thông qua việc thành lập cơ quan thực thi hiệu quả, thiết lập mục tiêu năng suất và giám sát, xây dựng chiến dich nâng cao nhận thức về năng suất và sử dụng công cụ để nâng cao năng suất.

“Người Việt Nam rất chăm chỉ và tài năng, Việt Nam có cơ hội để cải thiện mạnh mẽ năng suất lao động bằng những chính sách lâu dài và phù hợp”, ông Umeda Kunio nói.

 Đại sứ cũng khẳng định, Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo đã 3 lần trao đổi với các nhà lãnh đạo của Việt Nam về cải thiện năng suất lao động và Chính phủ Nhật Bản cam kết sẽ giữ lời hứa của Thủ tướng Abe.

 
08/07/2019 10:49

Dưới góc độ đơn vị giáo dục đào tạo, cung cấp nhân lực, GS-TS. Raymond Gordon, Hiệu trưởng Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam đề xuất Chính phủ tiếp tục nghiên cứu và thi hành các chính sách thuận lợi cho phát triển giáo dục, đầu tư giáo dục tại Việt Nam, hỗ trợ các tổ chức hoạt động trong lĩnh vực giáo dục quốc tế đầu tư và phát triển tại Việt Nam.

Về phương diện đào tạo, cần trang bị các giá trị kỹ năng mà giảng viên, phụ huynh và sinh viên thấy cần thiết; bổ sung các kỹ năng làm việc vào chương trình trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Đề xuất đẩy mạnh sự thích hợp và giá trị của việc làm thông qua việc đào tạo liên thông, vị Hiệu trưởng này ví dụ, học sinh được phép học một phần hoặc thậm chí toàn bộ chương trình cao đẳng kinh doanh như một phần của chương trình trung học phổ thông để thay thế các môn học chính quy.

Bên cạnh đó, cần củng cố sự thống nhất của Khung trình độ quốc gia Việt Nam và Khung trình độ quốc gia bậc cao đẳng. "Đó là củng cố giá trị lộ trình bản lề liên thông giữa các cấp trung học phổ thông, cao đẳng nghề, cao đẳng và đại học", ông Raymond nói.

Sử dụng một Khung trình độ quốc gia thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình học tập suốt đời, cho phép người học linh hoạt để liên tục tham gia vào các khóa học trong suốt quá trình học tập.

 
08/07/2019 11:05
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu kết luận Hội nghị
 
08/07/2019 12:15

Chúng ta có một niềm tin là chúng ta đang đi đúng hướng 

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, Hội nghị hôm nay có tính chuyên sâu, thảo luận thẳng thắn các vấn đề được người dân rất quan tâm.

Thủ tướng cho biết, chỉ số năng suất lao động tại Việt Nam chưa cao do xuất phát điểm thấp. Tuy nhiên, tốc độ tăng năng suất của Việt Nam đang nhanh nhất khu vực, giúp thu hẹp khoảng cách với các nước. Tiềm lực để tăng năng suất trong mỗi người dân còn nhiều.

Người đứng đầu Chính phủ dẫn ra các đánh giá của một số tổ chức quốc tế cho biết chỉ số của Việt Nam đều được cải thiện qua các năm. Điển hình như IMF đánh giá chỉ số TFP từ 2013 đến nay đã tăng đáng kể. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam cũng liên tục tăng trong 5 năm qua.

“Chúng ta có một niềm tin là chúng ta đang đi đúng hướng”, ông nói.

Thủ tướng cho biết, chỉ số GDP, cơ sở để tính năng suất lao động, cũng đang chưa được tính toán đầy đủ. Do đó, sắp tới Chính phủ sẽ tính lại GDP với các khu vực chưa được quan sát hết, khi đó chỉ số năng suất sẽ cải thiện.

Bên cạnh đó, nguyên nhân khiến năng suất lao động chưa cao một phần vì các điểm nghẽn về thể chế kinh tế. Đó là chính sách về quyền tài sản, quyền sở hữu trí tuệ, thị trường lao động, tính cạnh tranh, tiền lương chưa được vận hành linh hoạt theo tín hiệu thị trường…

Ngoài ra, trình độ, kỹ năng nguồn nhân lực còn thấp, thiếu hụt nguồn nhân lực kỹ năng cao, đặc biệt là nhân lực những ngành mới, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nút thắt về cơ sợ hạ tầng, đất đai, tài chính, tiếp cận nguồn lực… cũng được chỉ ra là một điểm nghẽn.

Ngoài những “nút thắt” truyền thống như thể chế, cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực, Thủ tướng chỉ ra thêm một vấn điểm nghẽn nữa là đổi mới sáng tạo, đó là nền tảng và năng lực khoa học của Việt Nam chưa cao, động cơ sáng tạo và đổi mới còn thiếu và yếu.

 
07/08/2019 12:59

6 định hướng lớn - 6 nhiệm vụ trọng tâm

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra 6 định hướng lớn để tăng năng suất trong thời gian tới.

Thứ nhất, cần tiếp tục cải cách thể chế, đặc biệt là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nâng cao năng lực quản trị Nhà nước, quản trị nền kinh tế. Mọi người dân đều được trao cơ hội phát triển mình, đóng góp vào sự phát triển đất nước.

Thứ hai, tiếp tục thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động. Từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ, từ lao động giản đơn sang phức tạp, từ khu vực có giá trị gia tăng thấp lên cao.

Thứ ba, cải cách khu vực tài chính ngân hàng, để dòng vốn chảy vào khu vực có năng suất cao nhất. Phân bổ nguồn lực theo tín hiệu thị trường.

Thứ tư, cần cải cách mạnh mẽ hơn khu vực doanh nghiệp Nhà nước, khơi thông các nguồn lực của xã hội, hỗ trợ khu vực tư nhân, hợp tác xã trở thành động lực của nền kinh tế, thúc đẩy và khuyến khích khởi nghiệp.

Thứ năm, ưu tiên các dự án FDI có chọn lọc, có tính lan tỏa, những ngành có giá trị gia tăng cao, công nghệ tốt, thúc đẩy năng suất lao động trong nước.

Thứ sáu, cần tiếp tục hội nhập kinh tế quốc tế, theo hướng thương mại tự do, tận dụng các dòng chảy thương mại để cải thiện năng suất lao động của quốc gia. “Hội nhập bên ngoài để cải cách bên trong tốt hơn”, Thủ tướng nói.

Từ đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu 6 nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới để thúc đẩy tăng năng suất lao động.

Thứ nhất, cần thúc đẩy cải cách mạnh mẽ hơn nữa nền tảng về thể chế để mọi nguồn lực được huy động và tận dụng.

Thứ hai, tập trung hiệu quả của thị trường lao động ở cả phía cung và cầu. Qua đó, mọi người dân đều có thể tham gia thị trường lao động, có được việc làm, phát huy được thế mạnh của mình.

Thứ ba, khuyến khích cơ chế đủ mạnh thu hút những người tài năng trong và ngoài nước.

Thứ tư, xây dựng một cơ chế cán bộ mở trong cơ quan Nhà nước, chọn lọc được cán bộ giỏi và người tài năng.

Thứ năm, năng suất lao động có tương quan chặt chẽ trình độ giáo dục, kỹ năng. Do đó, cần chú trọng đào tạo kỹ năng chuyên môn người lao động, ưu tiên định hướng đào tạo các tài năng cá biệt, khuyến khích người tài.

Thứ sáu, lao động phải được trang bị vốn và công nghệ mới, phát huy năng lực. Đầu tư vào công nghệ sẽ được Chính phủ ưu tiên. Đầu tư cho lao động chất lượng cao và phát triển ứng dụng khoa học công nghệ sẽ đi song hành với nhau, để phát huy hiệu quả.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư sớm thể chế hóa cuộc họp, đề xuất Thủ tướng ra một văn bản có cơ sở pháp luật để triển khai ở các bộ ngành.

Phát động phong trào cải thiện năng suất lao động quốc gia, Người đứng đầu Chính phủ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, các tầng lớp nhân dân nỗ lực, cố gắng hơn nữa, tham gia các nhiệm vụ, giải pháp để tăng năng suất.

“Tăng năng suất để tạo ra một cuộc bứt phá mới, đưa đất nước Việt Nam vượt lên, phát triển nhanh, bền vững”, Thủ tướng nói.

 
07/08/2019 13:06

Cụ thể hóa thành những quyết sách để tham mưu cho Chính phủ

Phát biểu đáp từ ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, những chỉ đạo sâu sát, cụ thể và phát động Phong trào “năng suất lao động quốc gia” của Thủ tướng Chính phủ chính là cam kết rõ nét và mạnh mẽ nhất của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc nâng cao năng suất lao động quốc gia của Việt Nam.

Đánh giá cao các báo cáo, tham luận tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, từ những ý kiến tham luận của các đại biểu và đặc biệt là ý kiến chỉ đạo quý báu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ lĩnh hội, quán triệt, cụ thể hóa các ý kiến chỉ đạo bằng những quyết sách, từ đó tham mưu cho Chính phủ nhằm cải thiện năng suất lao động Việt Nam.

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư