Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Bảy, Ngày 11 tháng 01 năm 2025,
“Sóng” nổi trên sàn chứng khoán, khối ngoại bất ngờ mua ròng gần 2.050 tỷ đồng
Thanh Thủy - 07/07/2021 21:01
 
Đây là phiên mua ròng mạnh nhất của các nhà đầu tư nước ngoài từ ngày 9/4. Dòng tiền của khối ngoại không dồn vào một giao dịch đột biến nào mà tìm đến nhiều cổ phiếu bluechip.

Xanh vỏ đỏ lòng, cổ phiếu vốn hóa lớn kéo VN-Index dao động mạnh

Biên độ giao dịch  của VN-Index trong phiên giao dịch ngày 7/7 xấp xi 54 điểm. Chỉ số sàn HoSE ghi nhận một phiên giao dịch nhiều cảm xúc khi khoảng chênh giữa mức cao nhất và thấp nhất bất ngờ được nới rộng. VN-Index có thời điểm rơi sâu xuống 1.335 điểm (giảm 21 điểm) lúc 9h30 nhưng cũng nhanh chóng hồi phục về mức giá phiên ATO chỉ nửa tiếng sau đó nhờ lực cầu bắt đáy gia tăng. Tiếp tục tăng đều trong phiên chiều, VN-Index hồi phục và đóng cửa ở mức 1.388 điểm, tăng tới  33,76 điểm, tương đương mức tăng 2,49% so với phiên hôm qua.

Dù chưa thể lấy lại những gì đã mất trong phiên đỏ lửa liền trước, đây đã là sự hồi phục mạnh của chỉ số này. Tuy nhiên, sự hồi phục trên không rải đều đến mọi cổ phiếu. Số lượng mã chứng khoán giám giá vẫn áp đảo (226 mã tăng /147 mã giảm).

Nhóm VN30 là động lực lớn nhất khiến VN-Index giảm sâu và bật nhanh trong phiên hôm nay. Với 26 mã tăng và 4 mã giảm, VN30-Index tăng 50,35 điểm (+3,38%). Trong khi, VNMID-Index giảm 0,09%, VNSML-Index cũng chỉ tăng 0,04%.

Nhiều cổ phiếu vốn hóa lớn thậm chí đã tăng mạnh hơn mức giảm hôm qua như MSN, TCH… Top 3 cổ phiếu kéo VN-Index tăng trong phiên hôm nay là VHM, GAS và TCB. Trong khi ở phiên trước, VHM và TCB lại chính là các yếu tố kéo tụt chỉ số. Mức tăng 6,1% của VHM đóng góp tới gần 6,1 điểm trong tổng mức tăng 34 điểm của chỉ số hôm nay. Giá trị vốn hóa của Vinhomes hồi phục lên xấp xỉ 385 nghìn tỷ đồng. Cổ phiếu VIC cũng có một phiên tăng giá giúp Vingroup vẫn giữ vị trí á quân trong bảng xếp hạng vốn hóa nhưng chưa thể tạo ra khoảng cách cách biệt với Vinhomes.

Nhóm cổ phiếu ngành bán lẻ hút dòng tiền và tăng giá ấn tượng. Cổ phiếu của Thế giới di động (MWG), PNJ và FPT Retail (FRT) đồng loạt tăng kịch biên độ. Nhóm cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng hồi phục đáng kể, phần lớn tăng trên 3%. Cá biệt, cổ phiếu LPB chạm trần.

Không hồi phục mạnh như VN-Index, nhưng chỉ số sàn HNX và UPCoM cũng đóng cửa trong sắc xanh. Tình trạng xanh vỏ đỏ lòng diễn ra tại hai sàn này khi số lượng mã chứng khoán giảm giá vẫn cao áp đảo. HNX-Index đóng cửa tăng 0,41% lên 319,8 điểm. UPCoM-Index cũng nhích nhẹ 0,08% lên 89,14 điểm.

Phiên tăng điểm hôm nay giúp sàn chứng khoán Việt Nam nằm trong số ít các sàn chứng khoán châu Á đóng cửa trong sắc xanh. Ngược lại diễn biến phiên hôm qua, chỉ số Nikkei 225 của Nhật bản giảm 0,96%. Sàn chứng khoán Singapore, Malaysia, Thái Lan cùng đóng cửa trong sắc đỏ.

Dòng tiền ngoại giải ngân mạnh vào cổ phiếu vốn hóa lớn, mua ròng kỷ lục qua khớp lệnh

Trong phiên hôm nay, dòng tiền khối ngoại đã bất ngờ trở lại mạnh mẽ. Các nhà đầu tư ngoại mạnh tay giải ngân vào một loạt cổ phiếu vốn hóa lớn với giá trị mua ròng trên trăm tỷ đồng, gồm VHM (311 tỷ đồng), MBB (242 tỷ đồng),  HPG (226 tỷ đồng), VNM (184 tỷ đồng), STB (123 tỷ đồng), MSN (120 tỷ đồng) và SSI (hơn 101 tỷ đồng). Các cổ phiếu trên đều nằm trong nhóm cổ phiếu hồi phục mạnh, chủ yếu tăng giá trên 3%. Một số cổ phiếu khác bị bán ròng mạnh như VND, CTG hay VPB.

Dù vậy, lực bán vẫn yếu hơn nhiều lực mua. Tổng cộng, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 2.048,54 tỷ đồng. Riêng trên HoSE, khối ngoại mua ròng 2.081 tỷ đồng với 3.742 tỷ đồng được giải ngân và 1.648 tỷ đồng thu về từ bán cổ phiếu.

Giá trị mua ròng của khối ngoại đạt mức cao nhất kể từ phiên giao dịch ngày 9/4. Tuy nhiên, nếu không tính các giao dịch mua thỏa thuận, đây là phiên mua ròng lớn nhất của các nhà đầu tư nước ngoài.

Giao dịch sôi động của nhóm nhà đầu tư này đóng góp đáng kể vào thanh khoản thị trường hôm nay với giá trị giao dịch trên ba sàn đạt 31.838 tỷ đồng. Riêng trên sàn HoSE, thanh khoản phiên hôm nay giảm 7,2%, chỉ đạt 26.596 tỷ đồng. Tuy nhiên, xét riêng giao dịch khớp lệnh, giá trị giao dịch lại tăng tới hơn 13,6%.

Trong phiên, cổ phiếu TCB được sang tay nhiều nhất với giá trị chuyển nhượng lên tới 2.081 tỷ đồng. Nhiều cổ phiếu khác cũng đạt mức giao dịch trên nghìn tỷ như HPG, MBB, STB, VPB, CTG,… Giao dịch nhóm VN30 đạt 16.276 tỷ đồng, tương đương hơn nửa tổng thanh khoản trên cả ba sàn.

Một số công ty chứng khoán lỗi cục bộ, SSI giao dịch bình thường trở lại từ phiên chiều

Bước sang phiên giao dịch thứ ba kể từ khi vận hành hệ thống giao dịch mới, dù không còn tình trạng nghẽn chung nhưng xuất hiện lỗi cục bộ từ hệ thống một số công ty chứng khoán. Theo phản ánh của nhiều nhà đầu tư, ánh hệ thống của SSI, VNDirect, VPS, TCBS hay FPTS gặp tình trạng khó đăng nhập hệ thống, chậm phản hồi vào đầu phiên. Đây đều là các công ty chứng khoán có quy mô thị phần lớn và đầu tư nhiều vào công nghệ.

Theo thông báo gửi đến các khách hàng, Chứng khoán SSI cho biết các hệ thống giao dịch của SSI ghi nhận lệnh chậm và không cập nhật chính xác trạng thái lệnh. Công ty chứng khoán này đã quyết định tạm dừng nhận lệnh để khắc phục dứt điểm sự cố. Sau khi phát hiện lỗi, đội ngũ công nghệ của SSI đã nhanh chóng nhận diện nguyên nhân và lên phương án khắc phục. Các kênh giao dịch được mở lại từ đầu phiên chiều 7/7.

chứng khoán SSI đã mở lại các kênh giao dịch sau khi khắc phục sự cố
Chứng khoán SSI đã mở lại các kênh giao dịch sau khi khắc phục sự cố
Chứng khoán châu Á vật lộn tìm hướng đi
Các chỉ số chứng khoán chính của châu Á vật lộn tìm hướng đi trong ngày giao dịch 6/7 sau quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Australia.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư