Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Sáu, Ngày 29 tháng 03 năm 2024,
Sốt ruột vì thu, chi ngân sách đạt rất thấp
Nguyễn Lê - 15/06/2021 11:05
 
Thu từ cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước đạt kết quả rất thấp, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cũng rất thấp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh.
.
Công tác đánh giá, dự báo kết quả thu NSNN còn chưa tích cực, theo đánh giá của Ủy ban Tài chính - Ngân sách. 

Thu từ cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đạt kết quả rất thấp, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp, Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện NSNN 5 tháng, dự báo 6 tháng đầu năm 2021 và các giải pháp trong 6 tháng cuối năm 2021.

Kéo dài 4-5 năm qua nhưng chưa có giải pháp mạnh

Sáng 15/6, trình bày báo cáo này trong phiên họp thứ 57 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tài chinh - Ngân sách Đinh Văn Nhã nêu rõ, trong điều kiện thực hiện “mục tiêu kép” - vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển sản xuất kinh doanh - thì tổng thu NSNN 5 tháng đạt xấp xỉ 50% dự toán, thu NSNN 6 tháng ước đạt trên 55% dự toán đã cho thấy sự cố gắng, nỗ lực lớn của các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra nhận thấy có một số vấn đề nổi lên, như công tác đánh giá, dự báo kết quả thu NSNN còn chưa tích cực, làm cho việc lập dự toán thu NSNN năm 2021 chưa sát với thực tế. Việc lập dự toán thu NSNN năm 2021 dựa trên cơ sở thực hiện nhiệm vụ thu NSNN đến tháng 9/2020 khi dự báo thu NSNN năm 2020 bị hụt thu khá cao, do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lũ.

Vì vậy, khi nền kinh tế bắt đầu phục hồi từ quý IV năm 2020 đến tháng 4 năm 2021, nhiều khoản thu đạt cao so với dự toán, dù góp phần tăng thu NSNN nhưng cũng cho thấy kết quả này chưa phản ánh đúng mức dự báo về tác động của đại dịch Covid-19 đối với sự phát triển và tăng trưởng của nền kinh tế .

Đáng chú ý, thu từ cổ phần hóa, sắp xếp lại DNNN đạt kết quả rất thấp. Theo báo cáo của Chính phủ thì đến nay, ngân sách địa phương mới phát sinh thu 41 tỷ đồng, ngân sách Trung ương chưa thu được trong tổng số 40 nghìn tỷ đồng dự toán.

Cơ quan thẩm tra nhấn mạnh, đây là vấn đề đã kéo dài 4-5 năm qua nhưng chưa có giải pháp mạnh để đẩy nhanh tiến độ thực hiện mục tiêu theo Nghị quyết của Trung ương.

Vấn đề tiếp theo được cơ quan thẩm tra nhấn mạnh là tình trạng nợ đọng thuế tiếp tục tăng cao . Do vậy, Chính phủ cần có biện pháp quyết liệt để xử lý nghiêm và ngăn chặn tình trạng trốn lậu thuế, chống tình trạng chuyển giá. Đồng thời, sớm có biện pháp để quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh trên nền tảng số, đặc biệt là đối với các nhà cung cấp ở nước ngoài; hướng dẫn kịp thời để tháo gỡ khó khăn về chính sách hoàn thuế cho các dự án đầu tư mới và tiền nộp thuế đối với các dự án sử dụng vốn ODA...

Khó khăn nhiều năm chưa được khắc phục

Về chi ngân sách, cơ quan thẩm tra lưu ý, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công rất thấp (6 tháng đạt 34,15% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm 2020), nhất là vốn ngoài nước (ước đạt xấp xỉ 18,39% kế hoạch);  nhiều bộ, địa phương giải ngân rất thấp .

"Ủy ban Tài chính - ngân sách thấy rằng, chi đầu tư phát triển đạt thấp, ngoài nguyên nhân khách quan do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại (giá nguyên vật liệu tăng, nhất là giá thép xây dựng, công trình tạm ngừng thi công  do đại dịch Covid-19...) thì nguyên nhân chính nhiều năm chưa được khắc phục là do khó khăn trong tổ chức thực hiện (công tác đấu thầu ; giải phóng mặt bằng ; phân bổ, giao vốn, điều chỉnh vốn chậm)", Phó chủ nhiệm báo cáo.

Ủy ban Tài chính - ngân sách đề nghị Chính phủ chỉ đạo rút kinh nghiệm, khắc phục những vướng mắc trên; khẩn trương có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, sửa đổi cơ chế, chính sách (nếu có) để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19; thực hiện nghiêm quy định của Luật Đầu tư công, Luật NSNN, các Nghị quyết của Quốc hội trong việc phân bổ, quản lý, sử dụng vốn đầu tư phát triển nguồn NSNN năm 2021; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, nâng cao hiệu quả trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công. Đồng thời, có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi nền kinh tế.

Cơ quan giúp Quốc hội "gác cửa" ngân sách cũng đề nghị xác định rõ nguyên nhân chính dẫn đến tồn tại, hạn chế trong công tác thu, chi NSNN những tháng đầu năm 2021.

Thực tế giám sát cho thấy, công tác hoàn thiện thể chế còn rất chậm, nhất là đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, thể chế về thu NSNN chưa được sửa đổi, bổ sung kịp thời theo yêu cầu Nghị quyết của Quốc hội; công tác tổ chức thực hiện ở một số Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa quyết liệt trong xử lý, thiếu chế tài xử lý nghiêm các vi phạm trong việc triển khai giao dự toán, phân bổ vốn và giải ngân vốn đầu tư công, Phó chủ nhiệm Đinh Văn Nhã nhấn mạnh. 

Thường vụ Quốc hội chuẩn bị xem xét nhiều vấn đề về ngân sách
Theo chương trình dự kiến, ngày 27/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành phiên họp thứ 56.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư