Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Chủ Nhật, Ngày 13 tháng 10 năm 2024,
Start-up “xóa cờ chơi lại”, vươn lên thành kỳ lân hậu Covid-19
Tú Ân - 02/08/2021 15:28
 
Covid-19 là một biến cố mang tính bước ngoặt với start-up, giữa lằn ranh sống chết, start-up vẫn có cơ hội vươn lên trở thành kỳ lân nếu biết đi đúng hướng.

Cơ hội trong khủng hoảng

Báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư công nghệ Việt Nam 2020 mới đây cho thấy, đại dịch Covid-19 đã khiến tổng số vốn đầu tư vào start-up tại Việt Nam giảm khoảng 48%, số lượng thương vụ đầu tư vào start-up giảm khoảng 17%.

Từ đầu năm 2021 đến nay đã có khoảng 78.300 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 11,9%, nhưng có 59.800 doanh nghiệp ngừng kinh doanh, tăng 23%. Covid-19 đã giáng cú đấm mạnh vào các start-up non trẻ, buộc hàng loạt start-up phải tạm ngừng hoạt động.

Tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Khởi nghiệp thời khủng hoảng Covid-19”, ông Hùng Trần, co-founder Got It cho biết, những doanh nghiệp đang làm ăn yên ổn trở nên lao đao vì đại dịch không phải hiếm gặp. Tuy nhiên, cũng có những start-up lại tăng trưởng mạnh nhờ sản phẩm và công nghệ phù hợp với những thay đổi mà đại dịch gây ra với thói quen người dùng.

Chính vì vậy, ông Hùng Trần cho rằng, các founder cần phải xác định được giá trị cốt lõi của mình, cũng như lựa chọn được những công nghệ phù hợp với xu thế trong tương lai xa, thay vì chỉ giải quyết vấn đề trước mắt.

Theo ông Lê Bá, Tân, Phó tổng giám đốc Viettel Networks, các doanh nghiệp vừa phải tìm giải pháp để cầm cự, nhưng cũng cần tìm hướng đi cho trung hạn và dài hạn. Đối với các start-up mới, việc giải quyết nỗi đau mà Covid-19 gây ra sẽ chỉ mang tính thời điểm, việc chuẩn bị cho thị trường thời hậu Covid-19 mới là mục đích mà các start-up mới nên hướng tới.

Dẫn câu chuyện của Viettel, ông Tân cho biết, trước khi đại dịch nổ ra, Viettel đã nhìn thấy thực tế doanh thu viễn thông có xu hướng sụt giảm. Số hóa không chỉ là xu hướng, mà còn là chìa khóa để đảm bảo tăng trưởng. Viettel vẫn tìm ra hướng phát triển với những sản phẩm mới, đáp ứng sự thay đổi về nhu cầu của khách hàng trong đại dịch. Hướng mà Viettel nhắm tới là tự động hóa, robotics đón đầu làn sóng 5G, lĩnh vực mà ở Việt Nam còn khá mới mẻ.

“Những mảng như 5G, Cloud, IoT, Data Analytics… đang được đẩy mạnh, nên những start-up có giải pháp trong lĩnh vực này dễ có cơ hội hợp tác hơn”, ông Tân cho biết.

Còn ông Trần Quang Hưng, đại diện Quỹ đầu tư Vinacapital Ventures cho rằng, blockchain dù đang gây tranh cãi, nhưng là một hướng đi mà các start-up có thể nghiên cứu. Thực tế, xu thế chuyển đổi số là tất yếu và các công cụ chuyển đổi số sẽ được chấp nhận nếu chứng minh được hiệu quả.

Không đầu tư “đốt tiền” cho start-up mới

Câu chuyện mà các quỹ đầu tư và start-up quan tâm là xu hướng bơm tiền lấy tăng trưởng, khách hàng, thị phần có tiếp diễn hay không cũng được đặc biệt quan tâm, khi mà khoảng 50% khoản đầu tư mạo hiểm vào các doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam đã mất đi trong thời gian qua.

Dẫn trường hợp cụ thể  là mô hình không gian làm việc chung Up Co-working Space, ông Trần Quang Hưng nhận xét: “Tôi có cảm giác rằng, gần một nửa số start-up ở Up Co-working Space đang đi tìm việc khác, trong đó có cả những công ty khởi nghiệp khá lớn. Đó không hẳn là do dịch, mà do mô hình nhận đầu tư rồi đốt tiền đã không còn phù hợp. Các founder có thể nhận ra điều đó và tìm cơ hội mới. Tuy nhiên, cũng có những dấu hiệu tích cực trong lĩnh vực chuyển đổi số, với những start-up hoạt động hiệu quả. Sử dụng các công nghệ mới, trong đó có blockchain, nhiều start-up đã giải được nỗi đau cũ bằng những giải pháp hoàn toàn mới, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả. Đây là tiền đề quan trọng cho một start-up có thể trở thành kỳ lân”.

Đầu tư cho tăng trưởng bền vững đang là sự lựa chọn của các quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong bối cảnh mới. Vinacapital Ventures cho biết, đã thành lập một quỹ đầu tư mới nhằm rót vốn cho các start-up. Quỹ sẽ chỉ tập trung vào thúc đẩy những công nghệ mới, thay vì “đốt tiền” lấy tăng trưởng. Bên cạnh đó, họ cũng sẵn sàng bù đắp những điểm còn thiếu, chẳng hạn như văn phòng, hỗ trợ kỹ thuật, hay các mối quan hệ để start-up có thể tập trung vào phát triển sản phẩm.

Ông Lê Bá Tân cũng tiết lộ, Viettel đang đầu tư 2 phòng nghiên cứu IoT hiện đại nhất Đông Nam Á tại Hà Nội và TP.HCM. Các phòng nghiên cứu này sẽ sẵn sàng hỗ trợ hoàn toàn miễn phí cho những ý tưởng khởi nghiệp mà Hội đồng đánh giá cao về tiềm năng ứng dụng cũng như ý nghĩa với xã hội, doanh nghiệp. Đối với các start-up muốn được hỗ trợ, họ chỉ cần chứng minh được tiềm năng, hiệu quả thì sẽ nhận được sự hỗ trợ hoàn toàn miễn phí từ Viettel trên 4 lĩnh vực then chốt như AI, IoT, Cloud và Big Data. Việc xây dựng các phòng lab này không chỉ để tri ân xã hội, mà còn vì chính bản thân Viettel. Khi các giải pháp trở nên có giá trị, Viettel cũng sẽ có khách hàng.     

Start-up cần chuẩn bị gì trước khi có nhu cầu gọi vốn
Chuẩn bị những tài liệu liên quan và chủ động gửi đến những nhà đầu tư nằm trong mục tiêu là cách giúp start-up có thể tối ưu hóa thời gian,...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư