Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Tư, Ngày 16 tháng 10 năm 2024,
Start-up y dược dồn dập nhận vốn lớn
Tú Ân - 24/07/2022 09:00
 
Nếu năm 2021, các start-up y tế mới khởi động việc hút vốn với một số thương vụ của Doctor Anywhere, Medici, Med247, AiHealth..., thì 6 tháng đầu năm 2022 dồn dập diễn ra các thương vụ rót vốn lớn.

Thỏi nam châm hút vốn ngoại

Khởi đầu năm 2022, EastBridge Partners, tập đoàn đầu tư lớn của Hàn Quốc có quy mô vốn 1 tỷ USD, đã hoàn tất thương vụ đầu tư 30 triệu USD vào USM Healthcare (Việt Nam). USM Healthcare là nhà phát triển và sản xuất stent mạch vành duy nhất ở Việt Nam, cùng với ống thông bóng và vật tư y tế. USM Healthcare cho biết sẽ sử dụng số tiền thu được để mở rộng năng lực sản xuất và nghiên cứu phát triển.

Vào tháng 2/2022, Quỹ đầu tư tư nhân Quadria Capital đầu tư 90 triệu USD vào chuỗi siêu thị mẹ và bé của Con Cưng. Quadria cho biết, khoản đầu tư sẽ giúp Con Cưng mở rộng mạng, danh mục sản phẩm và nâng cấp nền tảng ứng dụng công nghệ AI tích hợp “All-in-One” nhằm cung cấp các sản phẩm và dịch vụ cá nhân hóa cho hơn 5 triệu bà mẹ và trẻ em Việt Nam. Đặc biệt, Quadria sẽ hợp tác, tận dụng mạng lưới các công ty trong danh mục đầu tư như Bệnh viện FV, để giúp Con Cưng thâm nhập vào phân khúc sức khỏe và dinh dưỡng, cũng như phát triển hơn nữa các sản phẩm và dịch vụ lấy bà mẹ và trẻ em làm trung tâm.

Đầu tháng 3/2022, Jio Health, start-up trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Việt Nam công bố hoàn tất vòng gọi vốn Series B trị giá 20 triệu USD do quỹ đầu tư Heritas Capital, có trụ sở tại Singapore dẫn đầu và các nhà đầu tư Fuchsia Ventures, Kasikorn Bank Group, Monk's Hill Ventures. Đây là start-up sử dụng công nghệ hiện đại để cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo yêu cầu với chi phí phải chăng. Qua ứng dụng trên smartphone, nền tảng này giúp hỗ trợ các y, bác sỹ thăm khám và chăm sóc bệnh nhân mọi lúc mọi nơi một cách thuận tiện hơn. Với khoản đầu tư này, Jio Health sẽ mở rộng hệ thống phòng khám thông minh và hệ sinh thái đa kênh ra các thị trường chính tại Việt Nam, dự định tiến sang các thị trường trong khu vực trong những năm tới.

Cùng thời điểm, POC Pharma đã gọi vốn được 10,3 triệu USD trong vòng Series A do quỹ Alven dẫn đầu, cùng Picus Capital, FEBE Ventures và FJ Labs. Nguồn vốn mới sẽ được POC Pharma sử dụng để đẩy nhanh việc triển khai các giải pháp tiếp thị kỹ thuật số cho ngành dược phẩm, đồng thời mở rộng thị trường sang các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á, Nam Á, Trung Đông và châu Phi.

Có thể thấy, lĩnh vực công nghệ y tế - dược phẩm đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bên cạnh Fintech và thương mại điện tử. Đó là cơ hội lớn cho các start-up của Việt Nam, bởi theo dự báo, năm 2022, Việt Nam sẽ chi tiêu khoảng 22,7 tỷ USD cho y tế, chăm sóc sức khỏe. Trong khi đó, tại Việt Nam, số lượng start-up lĩnh vực này chỉ chiếm 2% trong tổng số hơn 4.000 start-up công nghệ y tế tại châu Á. Điều đó cho thấy cơ hội và tiềm năng rất lớn trong khởi nghiệp lĩnh vực này.

Giàu tiềm năng, nhưng không ít thách thức

Tiềm năng, cơ hội lớn, nhưng khởi nghiệp trong lĩnh vực y tế, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe chưa bao giờ là dễ dàng, bởi nó là đan xen của rất nhiều lĩnh vực như công nghệ, y tế - dược phẩm, dịch vụ, quản trị kinh doanh, vận chuyển…

Ông Vũ Thanh Long, CEO của eDoctor chia sẻ, lúc đầu cứ nghĩ rằng làm start-up y tế tức là ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực y tế thì không khó, nhưng thực tế lại khác. Càng đi sâu sẽ thấy là công nghệ chỉ đóng vai trò rất khiêm tốn. Muốn góp phần cải thiện dịch vụ y tế ở Việt Nam, cần có một giải pháp tổng thể. Để thay đổi thì phải bắt đầu thay đổi cách tư duy.

Ở khía cạnh gọi vốn, ông Long cho rằng, việc gọi vốn trong một ngành đặc thù như thế này là cực kỳ khó khăn. Các quỹ đầu tư thường phải điều chỉnh, có cơ chế riêng và thực sự tâm huyết. Bên cạnh đó, đây là ngành khó để kiếm lợi nhanh, mà phải mất một quá trình dài. Start-up y tế phải đối mặt với rất nhiều thách thức và khó trở thành kỳ lân.

Còn ông Nguyễn Trần Đông, CEO Công ty cổ phần Công nghệ iSofH nhận định, những thách thức, khó khăn của những người trẻ muốn khởi nghiệp để đưa công nghệ phục vụ cho y tế, chăm sóc sức khỏe bao gồm: không có kiến thức chuyên môn và thấu hiểu về ngành; chưa có cơ hội được tiếp cận với các vấn đề lõi, dẫn đến việc sản phẩm không tạo ra được gốc rễ của vấn đề; không tìm được thị trường phù hợp. Từ đó, sản phẩm của các start-up ra thị trường có thể không đúng với nhu cầu hoặc không tìm được khách hàng cần thiết.

Ở góc nhìn khác, theo ông Lê Ngọc Hải, CEO Doctor Anywhere, ngoài start-up, các bệnh viện và cơ sở y tế Việt Nam cũng đã chú trọng và đầu tư nhiều hơn đến việc áp dụng công nghệ cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Chính vì vậy, cạnh tranh sẽ lớn hơn, miếng bánh thị trường sẽ nhỏ lại, nhưng đây sẽ là động lực để doanh nghiệp phát triển, đồng thời thúc đẩy niềm tin của thị trường vào dịch vụ khám bệnh từ xa.

Theo nhận định của ông Luke Treloar, Giám đốc bộ phận Tư vấn chiến lược và phụ trách lĩnh vực y tế và đời sống của KPMG Việt Nam, trong dài hạn, khám bệnh từ xa sẽ trở thành nhân tố thay đổi toàn bộ cuộc chơi, nhất là sau khi Covid-19 đã thay đổi cái nhìn của mọi đơn vị trong hệ sinh thái y tế số Việt Nam về tầm quan trọng của dịch vụ này. Nhà nước cần số hóa toàn bộ dữ liệu y tế của người dân, sau đó mở rộng kho thông tin để hệ sinh thái y tế số tiếp cận. Điều này cần phải đi kèm với một hành lang pháp lý y tế và bảo mật thông tin hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi của người dùng.

Công ty nghiên cứu thị trường Fitch Solutions chỉ ra, chi tiêu y tế tại Việt Nam dự kiến đạt 23 tỷ USD năm 2022. Trong khi đó, nghiên cứu của Công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI ) dự báo, ngành dược phẩm Việt Nam có thể đạt quy mô 16,1 tỷ USD vào năm 2026.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư