Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Dồn dập đổ vốn vào start-up y tế
Tú Ân - 10/10/2021 08:40
 
Công nghệ y tế, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe đang là “mỏ vàng”, nên các start-up trong lĩnh vực này liên tiếp nhận được các khoản đầu tư lớn…



Start-up y tế hút vốn

Diễn biến căng thẳng của đại dịch Covid-19 gần 2 năm qua là một trong những lý do khiến các nhà đầu tư dồn dập đổ vốn vào các start-up trong lĩnh vực công nghệ y tế, dược phẩm, chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam.

Mới đây, Doctor Anywhere công bố hoàn tất vòng gọi vốn 65,7 triệu USD do Asia Partners điều phối với sự tham gia của các nhà đầu tư như Novo Holdings, Philips và OSK-SBI Venture Partners. Start-up này hoạt động tại Việt Nam từ giữa năm 2019. Giai đoạn đầu, chỉ có khoảng 200 ca thăm khám qua ứng dụng, thì nay tăng lên 300 - 400 ca/ngày, cao nhất đạt hơn 500 ca/ngày.

Medigo - ứng dụng giao thuốc kết hợp tư vấn của dược sĩ, bác sỹ cũng mới nhận khoản đầu tư 1 triệu USD từ Quỹ Touchstone Partners.

Cùng thời điểm, start-up y tế Medici nhận vốn đầu tư vòng hạt giống từ Insignia Ventures. Start-up này đang hợp tác với hơn 50 phòng khám và bệnh viện, có mặt tại hơn 30 tỉnh, thành phố với hơn 100.000 hồ sơ y tế điện tử trên nền tảng, tăng trưởng doanh thu hằng quý đạt 100% và tăng trưởng người dùng hằng tháng đạt 20%.

Tháng 8/2021, chuỗi Phòng khám Nhi đồng 315 đã hoàn tất vòng gọi vốn Series A. Ứng dụng Med247 - phòng khám đa khoa kết hợp ứng dụng số hóa của chuỗi này đã có 95.000 lượt truy cập để khám, chữa bệnh kể từ khi ra mắt.

Trước đó, start-up AiHealth - ứng dụng kết nối tìm bác sĩ, đặt lịch khám và mua thuốc trực tuyến - đã nhận vốn đầu tư từ Singapore. Start-up công nghệ y tế Docosan Việt Nam - phần mềm đặt lịch độc quyền của Docosan giúp các bác sĩ dễ dàng quản lý việc đặt lịch khám tại các cơ sở y tế - đã huy động được hơn 1 triệu USD trong vòng gọi vốn từ Quỹ đầu tư mạo hiểm AppWorks.

“Giải mã” làn sóng mới

Đánh giá khách quan, thị trường công nghệ y tế tại Việt Nam còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức. Lĩnh vực y tế đòi hỏi kiến thức chuyên sâu, khó tiếp cận và khó thay đổi thói quen người dùng. Trong khi đó, hạ tầng y tế tại Việt Nam chưa hoàn thiện, việc số hóa trong hoạt động điều hành, quản trị và khám chữa bệnh còn chậm. Mặc dù vậy, công nghệ y tế vẫn là lĩnh vực được các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn bởi nhiều nguyên nhân.

Ông Ngô Thanh Sơn, Phó tổng giám đốc VMED Group đánh giá, giáo dục và y tế là 2 lĩnh vực mà các nhà đầu tư trong nước và ngoài nước đều rất muốn tham gia. Theo xu hướng chung, nguồn vốn lớn đổ vào start-up y tế tại Việt Nam ngày càng tăng là điều dễ hiểu. Đặc biệt, trong bối cảnh nền kinh tế nói chung và thị trường đầu tư nói riêng chịu tác động tiêu cực bởi Covid-19, các start-up công nghệ y tế vẫn có thể duy trì hy vọng, thậm chí có bước đột phá mạnh mẽ.

Lạc quan hơn, ông Lê Ngọc Hải, CEO Doctor Anywhere Việt Nam nhấn mạnh, không cần tới những tác động của Covid-19, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe tại Việt Nam đã là “mảnh đất vàng” cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Theo ông Hải, với dân số gần 97 triệu người và hơn 1.000 bệnh viện trên toàn quốc, tiềm năng ứng dụng công nghệ trong thăm khám sức khỏe ở Việt Nam là rất lớn. Ứng dụng công nghệ số tại các cơ sở thăm khám vừa giúp điều trị bệnh, vừa góp phần cải cách hành chính, giảm tải giấy tờ, quản lý hồ sơ bệnh án... giúp nâng cao tiện ích cho cả nhân viên y tế và người bệnh.

Từ góc nhìn của nhà đầu tư, ông Philipp Breschan, CEO Siemens Healthineers tại Việt Nam cho rằng, Covid-19 đặt ra nhiều bài toán lớn, buộc các quốc gia phải thay đổi, cập nhật xu hướng y tế trong thời đại số. Kể cả khi Covid-19 đã được kiểm soát, việc ứng dụng kỹ thuật số sẽ tiếp tục tăng nhanh, bởi lẽ các bệnh nhân, đơn vị cung cấp dịch vụ y tế và người dân đều nhận thấy những lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe tại nhà, từ xa…

Theo ông Breschan, tại Việt Nam, Chính phủ khuyến khích tận dụng các dịch vụ viễn thông trong ngành y tế, giúp người dân tiếp cận nhiều hơn với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các giải pháp thông minh đang được khuyến khích mạnh mẽ, như sử dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data), trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây, giúp giảm bớt tình trạng quá tải của các bệnh viện công. Ngoài ra, hạ tầng viễn thông của Việt Nam cũng phát triển mạnh. Việt Nam là nước thứ 5 trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G… Đây là những điều kiện thuận lợi để phát triển công nghệ y tế.

Báo cáo của các quỹ đầu tư quốc tế cũng đánh giá, Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm khởi nghiệp mới ở ASEAN. Với dân số trí thức trẻ, độ phủ Internet và tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh cao cùng sự ủng hộ của Chính phủ, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững vị thế là điểm đến hấp dẫn với cả nhà đầu tư và công ty công nghệ.

Start-up sách nói Việt nhận vốn đầu tư 1,1 triệu USD từ quỹ ngoại
Ứng dụng sách nói Fonos vừa nhận được 1,1 triệu USD từ vòng gọi vốn hạt giống (seed funding).
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư