Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Năm, Ngày 28 tháng 03 năm 2024,
Sử dụng soda công nghiệp để sản xuất nước mắm là hành vi gian lận thương mại
Thu Phương - 14/01/2020 18:05
 
Đây là khẳng định của ông Nguyễn Văn Tiến, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về 3 doanh nghiệp vi phạm an toàn thực phẩm, sử dụng soda công nghiệp để tạo nguyên liệu chế biến nước mắm.
.
Một mẫu nước mắm được Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phát hiện vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Vừa qua, người tiêu dùng vô cùng hoang mang khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công an phát hiện, xử lý 3 công ty sản xuất, kinh doanh và chế biến nước mắm không đúng quy định. Các công ty này đã vi phạm vào 2 hành vi: Sản xuất chế biến không có vật che chắn để côn trùng và các động vật đi qua; sản xuất nguyên liệu nước mắm dùng phụ gia không đúng quy định - soda công nghiệp (Na2CO3) là loại không được phép sử dụng trong sản xuất, chế biến thực phẩm.

Na2CO3 hay soda là một hợp chất có nhiều công dụng. Nó giúp cân bằng độ pH trong bể bơi, là thành phần của một số chất tẩy trắng và tẩy rửa. Ngoài ra, Na2CO3 còn là nguyên liệu trong sản xuất giấy, thủ tinh, rayon, xà phòng…

Theo Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, soda công nghiệp không phải là chất cấm, vẫn được bán và lưu hành trên thị trường. Tuy nhiên, đây là soda công nghiệp nên không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm, cụ thể là không được sử dụng trong sản xuất nước mắm.

“Việc 3 doanh nghiệp (theo báo cáo của thanh tra là Công ty TNHH CBTP Hòa Hiệp, Công ty TNHH thực phẩm Tấn Phát, Công ty TNHH MTV Điều Hương) có hành vi sử dụng nguyên liệu là hóa chất công nghiệp soda Na2CO3 để sản xuất nước mắm là hành vi gian lận thương mại”, ông Tiến nhấn mạnh.

Cũng theo ông Tiến, bên cạnh việc xử phạt hành chính, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã niêm phong tất cả sản phẩm và yêu cầu 3 đơn vị có sử dụng soda công nghiệp phải chuyển đổi mục đích sử dụng. Sau quá trình xử lý, các đơn vị này đã chấp hành nghiêm túc, số tiền đã nộp đủ vào kho bạc Nhà nước, đã chấp hành dừng sản xuất, chuyển đổi mục đích sử dụng sản phẩm.

Giải thích lý do chỉ niêm phong sản phẩm và không tiêu hủy, Chánh Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, soda công nghiệp không phải là chất cấm, vẫn được bán trên thị trường nên không thể tịch thu, tiêu hủy.

Hành vi này của các doanh nghiệp chủ yếu là gian lận thương mại. Bởi nếu sản xuất nước mắm, thì phải làm chượp, ủ chượp một thời gian dài mới làm nguyên liệu sản xuất nước mắm được. Nhưng các cơ sở này đã dùng nước của sản xuất bột ngọt của nước này (có tỉ lệ đạm rất nhỏ), cho chảy qua bể chượp chủ yếu là bã, bổi tôm để lấy mùi tanh. Do rất chua nên họ phải dùng soda công nghiệp để khử chua trung hòa vị, sau đó cho chất tạo màu và đun tách thủy phân, cô đặc đạt độ đạm 30-35 độ, từ đó bán cho các cơ sở chế biến nước mắm.

“Khi các đơn vị này đang triển khai thực hiện thì bị phát hiện  và xử lý. Chúng tôi sẽ xem xét sẽ xử lý nghiêm nếu sản phẩm  sai mục đích lọt ra thị trường. Nếu các chỉ số trên ngưỡng sẽ phải xử lý hình sự”, ông Tiến nói.

Sự khác biệt giữa nước mắm truyền thống và nước mắm công nghiệp
Nước mắm truyền thống được làm theo thủ công, còn nước mắm công nghiệp cũng dùng cá, cách ủ nhưng làm theo dây chuyền công nghiệp. Cách hiểu...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư