Thứ Năm, Ngày 03 tháng 04 năm 2025,
Sửa đổi, bổ sung một số quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư
T.T - 01/04/2025 19:03
 
Chính phủ ban hành Nghị định số 71/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP). Nghị định số 71/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 18 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP về thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP theo hướng rút ngắn thời gian.

Cụ thể, thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án PPP được tính kể từ ngày có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hoặc kể từ ngày đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ hoặc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm tra đối với trường hợp thuê tư vấn thẩm tra, cụ thể như sau:

a) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ: thời gian thẩm định rút ngắn từ không quá 45 ngày xuống còn không quá 30 ngày;

b) Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, Hội đồng nhân dân câp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: không quá 14 ngày (quy định cũ là không quá 30 ngày);

c) Đối với dự án thuộc trường hợp chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng: không quá 10 ngày.

Trường hợp dự án có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyết định thời gian thẩm định phù hợp.

Bên cạnh đó, Nghị định số 71/2025/NĐ-CP cũng rút ngắn thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP đã được quy định tại khoản 1 Điều 26 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP.

Theo quy định mới, thời gian thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án PPP được tính kể từ ngày có quyết định thành lập Hội đồng thẩm định hoặc kể từ ngày đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định nhận đủ hồ sơ hợp lệ hoặc kể từ ngày nhận được báo cáo thẩm tra đối với trường hợp thuê tư vấn thẩm tra, cụ thể như sau:

a) Dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ: thời gian thẩm định rút ngắn từ không quá 90 ngày xuống còn không quá 30 ngày;

b) Dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: không quá 14 ngày (quy định cũ là không quá 60 ngày), đối với dự án quy định tại các khoản 2a, 2b và 2c Điều 11 của Luật PPP: không quá 10 ngày.

Trường hợp dự án có yêu cầu đẩy nhanh tiến độ, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quyết định thời gian thẩm định phù hợp.

Quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP trên phạm vi 2 tỉnh trở lên

Về trình tự quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Điều 12 Luật PPP (được sửa đổi tại khoản 5 Điều 3 Luật số 57/2024/QH15) bổ sung quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, trong đó có quy định phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP thuộc phạm vi quản lý của hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên từ Thủ tướng Chính phủ cho các địa phương.

Do vậy, Nghị định số 71/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 21 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP về việc quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP trên phạm vi từ hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên.

Cụ thể, đối với dự án PPP thực hiện tại địa bàn hai đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 hoặc điểm b khoản 4a Điều 12 của Luật PPP, Thủ tướng Chính phủ phân cấp cho Bộ trưởng bộ quản lý ngành có ý kiến thống nhất về việc giao một cơ quan làm cơ quan có thẩm quyền. Việc quyết định chủ trương đầu tư dự án PPP được thực hiện như sau:

a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của các địa phương nơi thực hiện dự án trao đổi, thống nhất về việc đề xuất thực hiện dự án, bao gồm các nội dung: tên dự án, quy mô, địa điểm, loại hợp đồng dự án PPP, sơ bộ tổng mức đầu tư, vốn nhà nước trong dự án PPP và phân chia trách nhiệm cân đối, bố trí ngân sách của từng địa phương;

b) Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm b khoản 4 Điều 12 của Luật PPP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của các địa phương nơi thực hiện dự án báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, đồng thuận đối với nội dung quy định tại điểm a khoản này.

Căn cứ văn bản đồng thuận của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của các địa phương nơi thực hiện dự án thống nhất với bộ quản lý ngành về việc giao một địa phương làm cơ quan có thẩm quyền;

c) Đối với dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định tại điểm b khoản 4a Điều 12 của Luật PPP, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của các địa phương nơi thực hiện dự án thống nhất với bộ quản lý ngành về việc giao một địa phương làm cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp dự án có yêu cầu sử dụng vốn nhà nước tham gia dự án PPP thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh của các địa phương báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trước khi thống nhất với bộ quản lý ngành về việc giao một địa phương làm cơ quan có thẩm quyền;

d) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được bộ quản lý ngành thống nhất là cơ quan có thẩm quyền của dự án theo quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản này tổ chức chuẩn bị dự án, trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư theo quy định tại điểm b khoản 4 hoặc điểm b khoản 4a Điều 12 của Luật PPP;

đ) Trường hợp kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm được bố trí từ nguồn ngân sách địa phương của từng địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh thống nhất, báo cáo Hội đồng nhân dân cấp tỉnh việc phân chia thành các dự án thành phần bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư; hỗ trợ xây dựng công trình tạm đồng thời với nội dung quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản này để từng địa phương thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công."

UBND cấp tỉnh phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư không quá 10 ngày

Nghị định số 71/2025/NĐ-CP cũng bổ sung điểm c khoản 6 Điều 21 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP quy định thời gian phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư dự án kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Theo đó, dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh: không quá 10 ngày; đối với dự án thuộc trường hợp chỉ cần lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng: không quá 05 ngày làm việc.

Tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong việc huy động vốn và thu xếp tài chính

Nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhà đầu tư trong việc huy động vốn và thu xếp tài chính của toàn bộ dự án PPP, Nghị định số 71/2025/NĐ-CP sửa đổi khoản 4 Điều 76 Nghị định số 35/2021/NĐ-CP theo hướng bỏ quy định cơ quan ký kết hợp đồng chỉ thanh toán tối đa 50% giá trị khối lượng đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công trong dự án PPP (khi doanh nghiệp dự án đã hoàn thành công trình thuộc tiểu dự án); thay vào đó, bổ sung quy định thanh toán đối với tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công như sau:

Trường hợp dự án PPP có tiểu dự án sử dụng vốn đầu tư công theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 70 của Luật PPP, việc thanh toán đối với công trình, hạng mục công trình hoàn thành của tiểu dự án thực hiện theo tiến độ, giá trị, khối lượng hoàn thành được thống nhất giữa cơ quan ký kết hợp đồng và nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án tại hợp đồng dự án.

Nghiên cứu rút ngắn quy trình thẩm định dự án PPP không kéo dài quá 2 tuần
Văn phòng Chính phủ có văn bản số 996/VPCP-CN truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính về dự thảo Nghị định...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư