Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Ba, Ngày 23 tháng 04 năm 2024,
Sữa IDP - món hời của nhà đầu tư tài chính
Anh Hoa - 23/07/2020 09:30
 
Quy mô Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) khá nhỏ so với Vinamilk, Dutch Lady, TH Milk, nhưng lại là món hời cho các nhà đầu tư tài chính.
Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) sở hữu nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: Đức Thanh
Công ty cổ phần Sữa quốc tế (IDP) sở hữu nhiều tiềm năng phát triển. Ảnh: Đức Thanh

Những thương vụ trao tay

Phiên họp bất thường của IDP mới đây thông qua hai nội dung quan trọng về nhân sự Hội đồng Quản trị và việc chào mua công khai với nhà đầu tư khác.

Cụ thể, các cổ đông IDP đã thông qua nội dung cho Công ty cổ phần Blue Point mua đến 90% cổ phần mà không cần chào mua công khai. Thời gian thực hiện sau khi IDP đăng ký và trở thành công ty đại chúng, dự kiến trong tháng 12/2020.

Blue Point được thành lập năm 2015 tại TP.HCM, do ông Nguyễn Hữu Thành làm Tổng giám đốc. Ông Thành được cho là có mối liên hệ với một tập đoàn hàng tiêu dùng lớn của Việt Nam. Công ty này từng thể hiện tham vọng mở rộng sang lĩnh vực sữa và dược phẩm trong chiến lược xây dựng tập đoàn tiêu dùng - bán lẻ lớn nhất cả nước.

Đáng chú ý, Hội đồng Quản trị IDP đã bổ sung 2 thành viên là ông Tô Hải và ông Hồ Sỹ Tuấn Phát. Ông Tô Hải là Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), công ty dẫn đầu về dịch vụ ngân hàng đầu tư (IB) và có vai trò lớn trong các vụ mua bán - sáp nhập (M&A) của nhiều tập đoàn tại Việt Nam.

Trong khi đó, ông Hồ Sỹ Tuấn Phát mới đây trở thành Tổng giám đốc Lothamilk (Sữa tươi Long Thành), doanh nghiệp có lịch sử 20 năm ở Đồng Nai. Xuất phát từ một liên doanh với doanh nghiệp Đài Loan, năm 2015 trở thành công ty 100% vốn trong nước. Sau đó Lothamilk được tái cấu trúc, công bố hình ảnh mới, mở rộng nhà máy chế biến.

Trước đó, tại Đại hội đồng cổ đông Chứng khoán Bản Việt, ông Tô Hải tiết lộ, mảng ngân hàng đầu tư có các thương vụ giá trị khoảng 2 tỷ USD sẽ được ghi nhận vào các năm sau. 

“Nếu không có Covid-19 sẽ chốt 1 thương vụ giá trị 1,5 tỷ USD, còn trong tình hình hiện tại, trong năm nay, Công ty chỉ có khả năng hoàn thành thương vụ này khoảng 40%, nhưng chắc chắn sẽ hoàn thành trong tương lai”, ông Tô Hải khẳng định.

Vài năm trở lại đây, ông Tô Hải nổi danh trên thị trường đầu tư tài chính khi trở thành tỷ phú chứng khoán thứ hai, sau ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc SSI.

Trong thương vụ với IDP, ông Tô Hải được cho là ông chủ thực sự nắm giữ cổ phần lớn nhất.

Việc VinaCapital thoái vốn khỏi IDP sau 5 năm đầu tư là chuyện thường. Tuy nhiên, hồi tháng 7/2019, ông Andy, Giám đốc điều hành VinaCapital khẳng định, Quỹ chưa có kế hoạch thoái vốn tại IDP.

“VinaCapital hoàn toàn không có áp lực gì về việc thoái vốn khỏi IDP trong giai đoạn này. IDP đang ở giai đoạn tăng trưởng tốt về lợi nhuận, doanh số, mở rộng thị phần và VinaCapital tin rằng, việc tiếp tục phát triển IDP sẽ đem lại giá trị đầu tư tăng thêm rất lớn cho Quỹ”, ông Andy Ho nói với giới truyền thông.

Song, với vai trò của một nhà quản lý quỹ, VinaCapital có trách nhiệm xem xét các nhà đầu tư tiềm năng. Trong trường hợp Quỹ tìm được nhà đầu tư có thể phát triển Công ty tốt hơn những gì mà Quỹ đang làm, đem lại nhiều phúc lợi hơn cho người lao động, đóng thuế nhiều hơn cho Nhà nước. Đặc biệt, có thể đưa ra một giá trị phù hợp kỳ vọng nhà đầu tư của Quỹ thì sẽ cân nhắc để cơ cấu lại sao cho tối ưu nhất.

Ông Trần Bảo Minh, cựu Tổng giám đốc IDP khẳng định: “VinaCapital bán IDP có lãi, nhưng lãi như vậy là quá thấp so với giá trị và tiềm năng thật mà IDP đang sở hữu. Nhà đầu tư mới của IDP cũng có một thương vụ đầu tư rất thành công”.

Lọt top 4 công ty sữa Việt Nam

Vấn đề còn lại lúc này là IDP sẽ vươn tới vị trí ra sao trong ngành sữa thời gian tới, bởi đây là ngành vẫn còn nhiều cơ hội để đột phá và các tay chơi trên thị trường vẫn có cửa làm tốt hơn nhiều.

Chiến lược phát triển IDP trong tương lai đã được các nhà đầu tư vạch ra. Theo đó, tại thị trường trong nước, IDP đặt mục tiêu 3 năm tới sẽ nằm trong top 4 công ty sữa Việt Nam, đồng thời rút ngắn khoảng cách với doanh nghiệp ở vị trí số 3. Các sản phẩm như sữa chua uống, sữa sô-cô-la lúa mạch mang thương hiệu Kun hiện nằm trong top 3 và top 2 trên thị trường.

IDP đặt mục tiêu 3 năm tới sẽ nằm trong top 4 công ty sữa Việt Nam, đồng thời rút ngắn khoảng cách với doanh nghiệp ở vị trí số 3.

IDP tập trung khôi phục và phát triển sức mạnh của thương hiệu Kun, làm mới lại thương hiệu Bavi và tiếp tục phát triển thương hiệu Lif. Mỗi thương hiệu hiện nay được phát triển cho riêng các dòng sản phẩm và đối tượng tiêu dùng khác nhau. Các sản phẩm mới ngon hơn và mang tính đột phá trong xu hướng tiêu dùng sẽ là thế mạnh của IDP trong việc tăng trưởng doanh thu.

Theo ông Trần Bảo Minh, IDP thực chất có một thương hiệu rất độc đáo là Kun cho đối tượng trẻ em. “Thương hiệu này không có đối thủ xứng tầm trong phân khúc trẻ em độ tuổi từ 5 tới 8. IDP mạnh và cạnh tranh sòng phẳng được là nhờ thương hiệu duy nhất là Kun, cũng là đứa con do chính tôi sinh ra và nuôi nó lớn lên”, ông Minh nói.

Tuy nhiên, với thương hiệu sữa Bavi, ông Minh cho rằng, đã chết cách đây chục năm vì thương hiệu này bị nhái rất nhiều. Ngoài IDP đang sở hữu nhãn hiệu sữa Bavi, thì có hàng chục cơ sở sản xuất gia đình cũng bán sữa Ba Vì khắp mọi nơi ở Hà Nội và thị trường lân cận.

Trước đó, VinaCapital cũng cho biết, IDP đang tìm kiếm cơ hội hợp tác với các nhà sản xuất sản phẩm cho trẻ em trong và ngoài nước để cùng phát triển sản phẩm dưới thương hiệu Kun, tận dụng hệ thống phân phối sẵn có. IDP đồng thời tìm kiếm đối tác cùng phân phối sản phẩm sữa và sữa bắp của IDP tại các thị trường nước ngoài như Nhật, Myanmar, Thái Lan, Indonesia...

6 năm trước, nhà sáng lập và nguyên Chủ tịch IDP, ông Nguyễn Tuấn Khải chia sẻ, ngành sữa vẫn phát triển tốt. Ông rất quan tâm đến việc làm sản phẩm mới cho trẻ em và kỳ vọng tân Tổng giám đốc Trần Bảo Minh sẽ thực hiện tiếp các khát vọng của ông ở IDP.

Hiện ông Trần Bảo Minh đã rời khỏi IDP và tiếp tục hành trình trong ngành sữa với một công ty sữa lớn hơn IDP. Ông Minh khẳng định, các đại gia trong ngành sữa rất “thèm” có một thương hiệu như Kun của IDP, nhưng ông sẽ xây dựng một thương hiệu hay và hấp dẫn hơn cả Kun. Thương hiệu này sẽ được tung ra thị trường vào cuối năm nay.

“Phù thủy” Trần Bảo Minh: Chỉ lỗ vài trăm tỷ là IDP đã quá thành công trong ngành sữa
Cựu Tổng giám đốc IDP cho rằng, mất cả ngàn tỷ mà làm ra được một công ty sữa như IDP hiện nay thì sẽ có rất nhiều đại gia Việt Nam sẵn sàng...
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư