Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 12 tháng 08 năm 2024,
Sửa Luật Dược: Dự án đầu tư từ 3.000 tỷ đồng được ưu đãi, hỗ trợ đặc biệt
Nguyễn Lê - 12/08/2024 10:47
 
Dự thảo Luật đã điều chỉnh tỷ lệ doanh nghiệp được trích tối đa tính trên thu nhập tính thuế hằng năm để lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là 15% và được thực hiện trong 10 năm.
.
Chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh. 

Sáng 12/8, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Thảo luận tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội, vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là chính sách của Nhà nước về dược và phát triển công nghiệp dược.

Có ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị quy định theo các luật chuyên ngành về thuế, đầu tư để bảo đảm không phá vỡ khuôn khổ pháp luật, định hướng chung về thuế, ưu đãi đầu tư. Trường hợp rà soát thấy cần thiết bổ sung lĩnh vực hỗ trợ đầu tư hoặc các ưu đãi về thuế thì đề nghị bổ sung khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.

Ý kiến khác đề nghị rà soát chính sách sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ cho phù hợp với Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và để tránh lạm dụng chính sách.

Trình bày báo cáo của Ủy ban Xã hội (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật), Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh cho biết, dự thảo đã được chỉnh lý để góp phần đạt được mục tiêu phát triển ngành dược Việt Nam như đã đề ra tại Chiến lược quốc gia phát triển ngành dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, bảo đảm các cơ sở kinh doanh dược được tiếp cận và thụ hưởng các chính sách.

Cụ thể là Thường trực Ủy ban Xã hội và Bộ  Y tế (có quan chủ trì soạn thảo) thống nhất đề xuất quy định cụ thể về quy mô của dự án đầu tư trong một số lĩnh vực dược với vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư được áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật đã điều chỉnh tỷ lệ mà doanh nghiệp được trích tối đa tính trên thu nhập tính thuế hằng năm để lập Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp là 15% và được thực hiện trong 10 năm.

Dự thảo cũng bổ sung cơ chế để kiểm soát việc lạm dụng quỹ hoặc sử dụng không đúng mục đích, giao Chính phủ quy định chi tiết về chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược để đảm bảo tính khả thi.

Về kinh doanh chuỗi nhà thuốc, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã quy định cụ thể điều kiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược đối với cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc phải đáp ứng điều kiện hoạt động như cơ sở bán buôn thuốc, nguyên liệu làm thuốc, phải có từ 02 nhà thuốc trực thuộc trở lên đã được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược và hệ thống chất lượng.

Dự thảo cũng quy định trách nhiệm của cơ sở tổ chức chuỗi nhà thuốc trong việc bảo đảm các nhà thuốc trong chuỗi phải hoạt động có tính hệ thống, đáp ứng được yêu cầu chất lượng đã định trước.

Về kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử, một số đại biểu Quốc hội đề nghị quy định cụ thể điều kiện, các loại thuốc, đối tượng được tham gia mua bán, cách thức tiến hành, cách thức tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, truy xuất nguồn gốc, giá bán, biện pháp bảo đảm bảo mật thông tin người mua…

Ủy ban Xã hội nhấn mạnh khẳng định dự thảo luật đã quy định cụ thể loại thuốc được kinh doanh theo phương thức thương mại điện tử.

Cụ thể, tại khoản 1a Điều 42 quy định “Thuốc được bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử phải thuộc Danh mục thuốc không kê đơn trừ thuốc thuộc Danh mục hạn chế bán lẻ, thuốc phải kiểm soát đặc biệt”; “Thuốc, nguyên liệu làm thuốc được bán buôn theo phương thức thương mại điện tử trừ các thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.

Dự thảo luật cũng bổ sung những hành vi bị nghiêm cấm như “cấm bán lẻ theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc kê đơn, thuốc phải kiểm soát đặc biệt, thuốc thuộc Danh mục thuốc hạn chế bán lẻ”; “cầm bán buôn theo phương thức thương mại điện tử đối với thuốc, nguyên liệu làm thuốc phải kiểm soát đặc biệt”.

Ngpài ra, dự thảo cấm kinh doanh thuốc, nguyên liệu làm thuốc theo phương thức thương mại điện tử thông qua các phương tiện không phải sàn giao dịch thương mại điện tử, ứng dụng thương mại điện tử bán hàng, website thương mại điện tử bán hàng có chức năng đặt hàng trực tuyến.

Về cách thức tiến hành, tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc, quy trình giao thuốc, vận chuyển, dự thảo Luật ủy quyền giao Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cơ sở bán lẻ thuốc phải tổ chức tư vấn, hướng dẫn về cách sử dụng thuốc cho người mua thuốc và tổ chức thực hiện giao thuốc đến người mua (tại điểm d khoản 4 Điều 42 sửa đổi).

Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư