Đặt mua báo in| Mới - Đọc báo in phiên bản số| Thứ Hai, Ngày 12 tháng 08 năm 2024,
Tiếp tục cho ý kiến sửa đổi Luật Dược, Luật Công đoàn
Nguyễn Lê - 11/08/2024 18:05
 
Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, cho ý kiến để tiếp tục hoàn thiện 10 dự thảo luật trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
.
Một phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024 dự kiến kéo dài 3 ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về 10 dự án luật.

Gồm, Luật Địa chất và khoáng sản, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Công đoàn (sửa đổi), Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) và Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Đây đều là những dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến thông qua vào Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024).

Trong ngày làm việc đầu tiên, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Công đoàn (sửa đổi) sẽ được đặt lên bàn nghị sự.

Với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Ủy ban Xã hội của Quốc hội (cơ quan chủ trì thẩm tra dự án luật) cho biết, Dự thảo Luật lần này đã lược bỏ một số nội dung, làm rõ và cụ thể hơn các quy định so với dự thảo Luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7.

Tiếp thu ý kiến đại biểu, các chính sách của Nhà nước về dược và lĩnh vực ưu tiên phát triển công nghiệp dược được dự kiến chỉnh lý theo hướng quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt cho doanh nghiệp dược. Dự thảo cũng quy định chính sách ưu tiên mua sắm thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế công lập, phát triển hệ thống cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; chính sách phát huy các bài thuốc cổ truyền, dược liệu quý hiếm và cải cách, ưu tiên về thủ tục hành chính…

Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung Điều 7 và Điều 8 theo hướng bổ sung chính sách “xúc tiến thương mại để xuất khẩu thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền”, quy định áp dụng chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt trong nuôi trồng dược liệu tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nghiên cứu để bảo tồn, phát triển nguồn gen dược liệu quý, hiếm, đặc hữu trong nước; tạo giống mới từ nguồn gen dược liệu có giá trị kinh tế cao và ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực phát triển nguồn dược liệu, vùng nuôi trồng dược liệu...

Với Luật Công đoàn (sửa đổi), ngay sau kỳ họp thứ 7, Thường trực Ủy ban Xã hội đã chủ trì, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Cơ quan soạn thảo), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan  khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội để chỉnh lý dự thảo Luật.

Liên quan đến tài chính cống đoàn, thảo luận tại Kỳ họp thứ 7, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị tiếp tục duy trì mức kinh phí công đoàn 2%.

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội khác chưa đồng tình với mức kinh phí công đoàn 2% và đề nghị kinh phí công đoàn do tổ chức, doanh nghiệp ngoài nhà nước đóng theo đóng góp theo tự nguyện; xem xét giảm mức kinh phí công đoàn, không thu kinh phí công đoàn 2% đối với đơn vị đã có tổ chức đại diện của người lao động khác. Ý kiến khác đề nghị quy định lộ trình giảm dần tỷ lệ kinh phí công đoàn và giao Chính phủ quy định chi tiết.

Thường trực Ủy ban Xã hội vẫn trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho giữ mức kinh phí công đoàn 2% như quy định của Dự thảo Luật.

Vì, nguồn kinh phí này giữ vai trò quan trọng, có ý nghĩa quyết định trong việc bảo đảm nguồn tài chính để Công đoàn Việt Nam, nhất là công đoàn cơ sở hoạt động, thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của mình, chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động, đặc biệt là chăm lo, đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động, thể hiện việc đồng hành, phối hợp cùng với doanh nghiệp, người sử dụng lao động để quan tâm chăm lo đời sống, phúc lợi, động viên, khích lệ người lao động gắn bó với đơn vị cũng như thúc đẩy doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn đối với người lao động của mình thông qua công đoàn.

Sửa đổi Luật Dược: Không được kinh doanh dược trên mạng xã hội
Ngay chiều nay, 18/6, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Bình luận bài viết này
Xem thêm trên Báo Đầu Tư